Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Điện Biên: Vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại, hoàn thành tốt cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS

Thúy Hồng - 15:38, 08/09/2024

Không quản khó khăn, vất vả, vượt núi, băng rừng, các cán bộ thống kê trên địa bàn Điện Biên đã đến những bản làng xa xôi nhất để thu thập những dữ liệu về thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS, đảm bảo thông tin chính xác, đúng tiến độ.

Cán bộ Thống kê thu thập thông tin tại nhà dân ở huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên
Cán bộ Thống kê thu thập thông tin tại nhà dân ở huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên

Triển khai Quyết định số 628/QĐ-TCTK của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ngày 14/7/2023 về việc ban hành Phương án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024. Theo đó, từ ngày 01/7/2024, 10/10 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Điện Biên đã đồng loạt ra quân thực hiện cuộc điều tra, thu thập thông tin. Ngay sau Lễ ra quân, các Điều tra viên đã tiến hành điều tra, thu thập thông tin tại các hộ mẫu tại các hộ dân.

Do địa hình của tỉnh Điện Biên nhiều đồi núi, hiểm trở, địa bàn rộng, đặc biệt vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 là trọng điểm của mùa mưa, đường giao thông đi lại khó khăn, công tác điều tra của cán bộ thống kê, các Điều tra viên vô cùng vất vả. Song nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của cuộc điều tra có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở, hôn nhân, y tế, giáo dục, điều kiện sống của hộ đồng bào DTTS, cán bộ thống kê và Điều tra viên được giao nhiệm vụ đã luôn chủ động thu thập điều tra, hoàn thành nhiệm vụ trước kế hoạch.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chi cục trưởng, Chi Cục Thống kê huyện Tuần Giáo cho biết: Hơn một tháng kể từ Lễ ra quân cuộc điều tra, các Điều tra viên trên địa bàn được điều tra đã đến từng hộ để thu thập các thông tin về: nhân khẩu học của dân số; giáo dục; di cư; hôn nhân; sử dụng bảo hiểm y tế; việc làm; lịch sử sinh/chết, các thông tin về nhà ở và điều kiện sinh hoạt; đất ở, đất sản xuất; một số loại gia súc chủ yếu; tình hình tiếp cận dịch vụ công cộng của các hộ…

“Theo kế hoạch Tuần giáo được giao điều tra 19 phiếu xã; phiếu hộ 60 địa bàn, tương đương với 1.819 hộ. Do địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, người dân sống cách xa nhau, bà con thường xuyên đi làm nương xa nên trong quá trình thu thập thông tin gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm “về đích” đúng tiến độ, lực lượng Giám sát viên, Điều tra viên và Tổ trưởng Tổ điều tra đã rất nỗ lực bảo đảm thu thập thông tin nhanh chóng, chính xác, hoàn thành nhiệm vụ”, ông Phạm Anh Tuấn cho biết.

Các điều tra viên trên đường vào bản Phình Cứ, xã Ta Ma, huyện Tuần Giáo tỉnh Điện Biên điều tra, thu thập thông tin
Các Điều tra viên trên đường vào bản Phình Cứ, xã Ta Ma, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên điều tra, thu thập thông tin

Nhắc về những khó khăn trong quá trình điều tra, thu thập thông tin được giao tại bản Phình Cứ, Điều tra viên Vừ A Sính, xã Ta Ma, huyện Tuần Giáo cho biết: Phình Cứ là bản chủ yếu có đồng bào dân tộc Mông sinh sống, cách xa trung tâm xã 7km, đường vào bản đi lại còn khó khăn. Thời điểm đi thu thập thông tin mưa lớn liên tục kéo dài, đường đi thường xuyên sạt lở, di chuyển rất khó khăn. Cả bản phải lấy thông tin 30 hộ, nên anh phải tranh thủ thời gian bất kể đêm hay ngày, thời tiết thuận lợi là đến các hộ dân để thu thập thông tin.

Theo kế hoạch, tỉnh Điện Biên tiến hành điều tra, thu thập thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS ở 431 địa bàn, gồm 42 địa bàn ở khu vực thành thị và 389 địa bàn ở khu vực nông thôn. Trong số địa bàn ở khu vực nông thôn, có 16 địa bàn thuộc nhóm 1 (sẽ điều tra toàn bộ các hộ DTTS), 356 địa bàn thuộc nhóm 2 (mỗi địa bàn điều tra 30 hộ) và 59 địa bàn thuộc nhóm 3 (mỗi địa bàn điều tra 40 hộ). Đến ngày 12/8/2024 toàn tỉnh Điện Biên đã thực hiện điều tra được 13.930 hộ/13.930 hộ đạt 100% kế hoạch.

Theo ông Bùi Văn Thường, Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Điện Biên, để thực hiện thành công điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024 trên địa bàn tỉnh, công tác chuẩn bị cho cuộc điều tra đã được Cục Thống kê thực hiện bài bản, kỹ lưỡng và kịp thời. Việc tập huấn nghiệp vụ đã được triển khai, thực hiện đảm bảo yêu cầu; công tác tuyên truyền được quan tâm, chú trọng để đồng bào DTTS thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ trong việc cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời cho Điều tra viên thống kê.

Để tổ chức thành công cuộc điều tra tại mỗi địa phương và trên phạm vi toàn tỉnh Điện Biên theo đúng Phương án, đảm bảo chất lượng và đúng thời gian quy định, Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên cũng như Phòng Dân tộc các huyện đã phối hợp với Cục Thống kê để thực hiện hiệu quả cuộc điều tra đảm bảo chính xác.

Người dân ở Tuần Giáo được hỗ trợ cây mắc ca từ Dự án 3 “Phát triển sản xuất nông lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị”
Từ kết quả cuộc điều tra lần thứ 2 năm 2019, Đảng và Nhà nước đã xây dựng và ban hành được nhiều chính sách dân tộc hỗ trợ đồng bào hiệu quả (Trong ảnh: Đồng bào DTTS ở Tuần Giáo được hỗ trợ cây mắc ca từ Dự án 3 “Phát triển sản xuất nông lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị”)

Ông Giàng A Dình, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Điện Biên cho hay, Ban Dân tộc tỉnh, phòng Dân tộc các huyện cũng đã tích cực phối hợp với Cục Thống kê tỉnh, Chi cục Thống kê các huyện thực hiện công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện cuộc điều tra qua các giai đoạn, như lập bảng kê, tập huấn nghiệp vụ, thu thập thông tin tại địa bàn, phúc tra sau điều tra.

Trong quá trình điều tra, Ban Dân tộc tỉnh đã thành lập 03 Đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát tại Chi cục Thống kê 08 huyện, mỗi huyện đi kiểm tra từ 02 đến 03 xã, thị trấn; mỗi xã đi kiểm tra thực tế từ 02 đến 05 hộ được điều tra. Công tác điều tra được thực hiện nghiêm túc về bảo mật thông tin theo Luật Thống kê và các quy định hiện hành, nhất là thông tin cá nhân của đối tượng điều tra.

Tin cùng chuyên mục
Chương trình MTQG 1719 góp phần thay đổi vùng đồng bào DTTS huyện Đăk Hà

Chương trình MTQG 1719 góp phần thay đổi vùng đồng bào DTTS huyện Đăk Hà

Triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã làm đổi thay toàn diện đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS huyện Đăk Hà (Kon Tum). Tạo nên những bước chuyển biến sâu sắc và tích cực trong tư tưởng, nhận thức, đời sống của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn huyện nói chung và trong vùng đồng bào DTTS nói riêng.