Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Độc đáo những hàng rào đá của đồng bào Nùng

Thúy Hồng - 21:22, 09/02/2020

Làng đá Thạch Khuyên, xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) xung quanh được bao bọc bởi những hàng rào đá. Đá nằm chồng lên nhau thành hàng, thành lối, quây lấy từng ngôi nhà, mảnh vườn, ô ruộng tạo vẻ đẹp nguyên sơ, yên bình nơi biên giới xứ Lạng.

Những bờ tường đá được xếp xung quanh ngôi nhà một cách kiên cố
Những bờ tường đá được xếp xung quanh ngôi nhà một cách kiên cố

Cách TP. Lạng Sơn chừng 40km, làng đá Thạch Khuyên ẩn mình nơi biên giới yên bình đến lạ thường. Con đường vào làng Thạch Khuyên quanh co ngoằn ngoèo nhưng lại vô cùng độc đáo bởi những hàng rào được xếp bằng những phiến đá chồng lên nhau như những tường thành vững chãi. Ở đây có hơn 100 hộ gia đình, chủ yếu là người dân tộc Nùng sinh sống. 

Trò chuyện với những người cao niên trong làng, được biết, những bờ tường đá này được xây dựng từ những năm giữa thế kỷ XIX. Ngày đó, thế hệ cha ông họ đã nhặt đá xếp nền làm nhà trình tường, xếp đá kè bờ ao, bờ ruộng và dùng đá để dựng thành lũy như một cái khuyên tròn bằng đá. Xung quanh nhà và cạnh các lối đi trong thôn đều được kê tường rào đá chắc chắn. Thành đá vững chắc vừa có tác dụng ngăn thú dữ, vừa ngăn kẻ thù xâm phạm. Chính nhờ có thành đá mà dân làng đã sống yên ổn qua bao giặc giã và thổ phỉ vùng biên. 

Những bức tường rào đá ở đây được người dân xếp từ những tảng đá lớn nhỏ, hình thù khác nhau... Những tảng đá cũng hết sức lạ, đủ kích cỡ, tạo nên vẻ độc đáo của những bức tường đá nơi đây. Toàn bộ các tường đá được xếp mộc, hòn nọ chồng lên hòn kia. Đá xếp hàng rào, quây vườn rau, đá lát đường. Đá ở đây được xếp có trật tự, có hàng có lối giống như những con trăn khổng lồ men theo từng góc đường, quây lấy từng ngôi nhà, mảnh vườn, ô ruộng. 

Tuy nhiên, hiện nay khi có những ngôi nhà xây mọc lên, người ta bắt đầu bê tông hóa những con đường vào thôn, thay rào đá bằng gạch làm mất đi vẻ hoang sơ. Ông Tô Văn Tuân, Phó Chủ tịch UBND xã Xuất Lễ cho biết: Để bảo tồn những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây, chính quyền địa phương đã tuyên truyền vận động người dân bảo tồn, tôn tạo hàng rào đá trước nguy cơ bị bào mòn theo thời gian.

Chia sẻ về Đề án bảo tồn và phát triển du lịch cho làng đá cổ Thạch Khuyên, ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết: Để giữ gìn nét độc đáo của ngôi làng vùng biên, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh đã tổ chức khảo sát, kêu gọi các tổ chức và cá nhân đầu tư xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại đây, trong tương lai sẽ hình thành các tuyến du lịch, hình thành làng du lịch cộng đồng để đẩy mạnh phát triển kinh tế cho người dân.

Tuy nhiên, để đánh thức, khai thác được tiềm năng đó, cần có sự quan tâm, vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng từ việc xây dựng quy hoạch, cơ sở vật chất, hạ tầng đến công tác quản lý, tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân địa phương có ý thức gìn giữ, bảo tồn những di sản quý báu đó.

Tin cùng chuyên mục
Tự hào nguồn cội

Tự hào nguồn cội

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là loại hình Di sản tập quán xã hội, tín ngưỡng và lễ hội được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã lắng đọng trong tâm thức mỗi người dân niềm tự hào về nguồn cội con rồng cháu tiên, xuyên suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, lan tỏa mạnh mẽ đến mọi miền Tổ quốc, trở thành bản sắc văn hóa độc đáo của người Việt Nam.