Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Điểm đến Lô Lô Chải

Lê Hải - 16:12, 31/01/2020

Nằm nép mình dưới chân núi Rồng, bên cột cờ quốc gia Lũng Cú (Ðồng Văn, Hà Giang), bản Lô Lô Chải đẹp như một bức tranh giữa miền sơn cước. Đây là điểm du lịch không thể bỏ qua trên bản đồ du lịch của tỉnh Hà Giang. Nhờ có du lịch, đời sống của bà con ở vùng Cao nguyên đá nay đã có nhiều khởi sắc, tô thắm thêm cho bức tranh mùa Xuân vùng cao.

Quán cà phê - điểm nhấn ở Lô Lô Chải thu hút du khách khi đến thăm quan du lịch
Quán cà phê - điểm nhấn ở Lô Lô Chải thu hút du khách khi đến thăm quan du lịch

Xuân này, vượt qua những con đường uốn lượn như dải lụa được vẽ trên đá, hai bên đường hoa cải đua nở, chúng tôi lên Lô Lô Chải, nơi sinh sống của đồng bào Lô Lô, một trong những DTTS rất ít người của nước ta. Bản có 105 hộ, trong đó có 10 hộ đồng bào Mông, còn lại là người Lô Lô.

Cuộc sống của người dân Lô Lô Chải trước đây chỉ dựa vào một vụ lúa nương, một vụ ngô trên núi đá. Năm nào mất mùa có khi phải ăn mèn mén thay cơm. Nơi này được thay đổi nhanh chóng từ khi Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu vào năm 2010; đến năm 2011 các tổ chức đến thôn hỗ trợ người dân làm nhà truyền thống và phát triển du lịch. 

Chúng tôi tới thăm gia đình Trưởng thôn Sình Dỉ Gai, một hộ làm Homestay có tiếng ở Lũng Cú. Với phương châm “đảng viên đi trước”, anh Sình Dỉ Gai đã đi đầu trong việc phát triển kinh tế bằng dịch vụ Homestay. 

Phụ nữ dân tộc Lô Lô ngồi tẽ ngô trước cửa nhà
Phụ nữ dân tộc Lô Lô ngồi tẽ ngô trước cửa nhà

Anh Gai chia sẻ, từ khi du lịch bắt đầu phát triển ở Lũng Cú, anh Gai đã trăn trở suy nghĩ làm thế nào để có thể nắm bắt được cơ hội phát triển kinh tế gia đình. Cơ duyên đưa anh đến với nghề làm dịch vụ Homestay, cho khách du lịch ở trọ tại nhà vào năm 2014 khi anh tình cờ mời ông khách người Nhật Yasushi Ogura đến nhà ăn cơm, khi ông ấy đến đây du lịch. 

“Ông ấy thấy tôi chia sẻ về việc chuẩn bị làm nhà đã động viên tôi đầu tư xây nhà truyền thống để làm dịch vụ Homestay và hứa sẽ hỗ trợ tiền. Đấy chính là động lực để tôi đầu tư xây dựng ngôi nhà trình tường truyền thống của người Lô Lô. Sau vài năm tôi đã có kinh nghiệm phục vụ, thu nhập từ du lịch trung bình khoảng 80 triệu đồng/năm”, anh Gai tâm sự. 

Giờ đây, nhà anh Gai đã trở thành địa chỉ Homestay có tiếng được nhiều du khách xa gần biết đến. Khách du lịch rất thích các món ăn địa phương, như: Thịt gà, lợn đen, thịt treo, đậu chúa, mèn mén, thắng cố... Khách có thể cùng gia đình hái rau cải, bắt gà trong vườn để làm cơm. 

Thấy nhà anh Gai làm Homestay cho thu nhập khá, nhiều hộ khác trong thôn cũng học tập làm theo. Cả bản đã có bảy hộ gia đình kinh doanh Homestay, tính trung bình mỗi tháng, Lô Lô Chải đón hơn 1.000 lượt khách lưu trú; nhất là vào mùa hoa tam giác mạch, nơi đây gần như “cháy” phòng.

Các chàng trai cô gái dân tộc Lô Lô vui chơi trong một dịp lễ hội
Các chàng trai cô gái dân tộc Lô Lô vui chơi trong một dịp lễ hội

Để phục vụ du lịch, phụ nữ Lô Lô còn tranh thủ những lúc nông nhàn để may quần áo trang phục truyền thống. Hiện mỗi bộ trang phục truyền thống có giá lên tới 15 triệu đồng. 

Theo bà Vàng Thị Thành, các bộ trang phục truyền thống được thêu tay của người Lô Lô thường được những du khách nước ngoài tới mua sau khi họ chứng kiến tận mắt sự công phu, cẩn thận trong tạo hình từng chi tiết trang phục. 

Từ khi Lô Lô Chải được công nhận là Làng Văn hóa và được tỉnh đưa vào chương trình Dự án bảo tồn làng văn hóa truyền thống, người dân trong bản càng ý thức hơn việc phải gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc như một tài nguyên để khai thác du lịch. Cuộc sống của đồng bào Lô Lô đã đổi thay khác xưa rất nhiều từ khi có Chương trình xây dựng nông thôn mới, có đường bê tông vào từng xóm, bản,… Lô Lô Chải hiện như một bức tranh đầy sức sống.

Tin cùng chuyên mục
Giữ nghề đan lát truyền thống của đồng bào Tày ở Ba Chẽ

Giữ nghề đan lát truyền thống của đồng bào Tày ở Ba Chẽ

Từ bao đời nay, việc đan lát từ cây tre, cây cọ tạo ra những vật dụng để phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt, lao động hằng ngày đã trở thành nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Tày ở huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh). Những chiếc quạt cọ, nón mê, đôi lồng... được tạo nên từ đôi bàn tay khéo léo của bà con người Tày nơi đây.