Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Độc đáo trang phục bằng vỏ cây của người Cơ Tu

Pơloong Plênh - 18:30, 14/11/2021

Trong những dịp lễ hội của buôn làng, ngoài trang phục phổ biến được làm bằng thổ cẩm, người Cơ Tu ở các huyện biên giới của Quảng Nam còn diện trang phục rất độc đáo làm từ vỏ cây rừng.

Nghệ nhân Cơ Tu vui hội thổi khèn trong lễ hội tạ ơn rừng trong trang phục bằng vỏ cây
Các Nghệ nhân người Cơ Tu mặc trang phục bằng vỏ cây, biểu diễn khèn trong lễ hội tạ ơn rừng

Xa xưa khi chưa biết đến sự tồn tại của cây bông, chưa biết kỹ nghệ dệt vải, người Cơ Tu phải vào rừng sâu tìm vỏ của các loại cây như t'cóng, t'dúi, amướt, tr'rang... (loại cây nhiều mủ, vỏ dày) để làm trang phục, trang sức cho riêng mình, cho gia đình và tặng cho bà con thân quý. Người đàn ông Cơ Tu ngoài săn, bắt, dựng nhà cửa, chạm khắc gỗ, làm nương rẫy giỏi còn phải giỏi chế tác nhạc cụ, trình diễn nhạc cụ, nói lý-hát lý. Đặc biệt, họ phải giỏi làm trang phục, trang sức bằng cây rừng để tặng người thương.

Già làng Cơlâu Bhlao (thôn Voòng, xã Tr’hy, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) cho biết: “Trước đây, khi chưa phát hiện cây bông kết sợi, chưa biết dệt các tấm thổ cẩm, người Cơ Tu chủ yếu mặc trang phục bằng vỏ cây, dây rừng. Phải chọn những cây vừa đủ độ rộng, độ dài, độ dẻo, mềm và bền để có thể làm tấm khố, tấm váy”.

Nghệ nhân ưu tú Cơlâu Bhlao (ngoài cùng, bên trái) trong trang phục truyền thống bằng vỏ cây
Nghệ nhân ưu tú Cơlâu Bhlao (ngoài cùng, bên trái) trong trang phục truyền thống bằng vỏ cây


Thường người Cơ Tu chọn vỏ cây pơ plem- một loại cây thân gỗ, mọc nhiều ở rừng làm các tấm khố, váy, còn đối với áo, mũ thì chọn giây cây zilang - loại cây này thân giây có đường kính 05cm, mọc thành từng bùi 5 đến 7 cây.

Tìm được vỏ cây ưng ý đã không dễ, nhưng để làm được những chiếc áo vỏ cây còn rất kỳ công và đòi hỏi sự khéo léo. Sau khi vỏ cây pơ plem, zilang kết thành tấm to, dài có thể làm khố, váy, áo, mũ...phải đem ra suối, sông ngâm ba đến bốn ngày để cho ra hết chất nhựa, rồi đem phơi khô dưới ánh nắng mặt trời một, hai ngày.  Khi đã phơi khô xong, các tấm vỏ cây sẽ được cắt, khâu lại thành những chiếc áo, khố, váy và mũ theo kích cỡ của người mặc. Để chắp nối các mảnh vỏ cây lại, người Cơ Tu dùng dây gai, cây bhơ nương (loại cây rất dẻo và chắc) làm chỉ khâu. Nếu có tấm vỏ cây lớn, người ta chỉ cần khoét lỗ làm thành cổ áo, rồi gài thêm các sợi dây vào bên mép áo để khi mặc thì thắt lại với nhau thay cho nút áo. Người thợ giỏi nhất một ngày cũng chỉ có thể làm được từ 02-03 bộ. Già Cơlâu Bhlao cho biết thêm.

Tác giả trong trang phục truyền thống bằng vỏ cây của người Cơ-Tu
Tác giả trong trang phục truyền thống bằng vỏ cây của người Cơ-Tu


Dẫu đã qua 70 mùa rẫy nhưng đôi tay già Cơlâu Bhlao vẫn khéo léo, đôi chân vẫn khoẻ, vẫn thoăn thoắt đi rừng tìm cây pơlem, cây zilang miệt mài đêm ngày làm thành cái áo, cái khố, cái váy... Làm xong trang phục, già lại cất đầy không gian nhà và đem gửi tặng bà con, cán bộ văn hóa nếu ai có nhu cầu.

Khi được hỏi về giá trị của trang phục làm bằng vỏ cây, già Cơlâu Bhlao cười hiền từ: “Khi xưa, áo vỏ cây thời ông cha mình làm ra có thể đổi một con heo 3 gang tay, thời mình áo vỏ cây có giá 500 đến 800 nghìn. Giờ đây, mình làm để giữ bản sắc, để giữ nghề thôi”.

Với đồng bào Cơ Tu, trang phục bằng vỏ cây không đơn thuần là để che thân mà còn chứa đựng rất nhiều giá trị văn hoá, phản ánh quá trình phát triển của cả tộc người. Nó còn phản ánh tinh thần đoàn kết, thương yêu giữa con người với con người, giữa con người với núi rừng, thiên nhiên cây cỏ.

Hiện nay, trang phục bằng vỏ cây không được sử dụng phổ biến trong các hoạt động thường nhật nhưng trong tiềm thức của già Cơlâu Bhlao và những người yêu văn hoá vẫn luôn đau đáu bảo tồn và trao truyền kỹ nghệ làm trang phục vỏ cây cho lớp trẻ.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.