Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Độc đáo tục ngữ của người Mông

PV - 14:38, 05/07/2021

Dân tộc Mông Tuyên Quang có một nền văn học dân gian phong phú, đa dạng phản ánh đời sống văn hóa cũng như tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng. Trong đó, ca dao, tục ngữ là sự kết tinh, lắng đọng vốn sống và những kinh nghiệm quý báu của người Mông. Đây là loại hình văn nghệ truyền miệng từ đời này qua đời khác và đến nay vẫn được sử dụng.

Thiếu nữ Mông Kiến Thiết (Yên Sơn) học thêu thùa. Ảnh: Quang Minh
Thiếu nữ Mông xã Kiến Thiết (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang) học thêu thùa. Ảnh: Quang Minh

Nghệ nhân Ưu tú Ma Văn Đức, người thường xuyên nghiên cứu văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh cho biết: “Đặc điểm của tục ngữ nói chung và tục ngữ Mông nói riêng là ngắn gọn, súc tích, tuy chứa đựng những nội dung tương đối lớn nhưng hình thức mỗi câu lại rất nhỏ: Ép chặt thành từng từ như ép ngón tay thành quả đấm, dè sẻn từng tiếng sao cho lời nói cô đọng giàu ý nghĩa”.

Tục ngữ Mông có tính bền vững, ổn định, là những câu ngắn gọn, dễ nhớ, dễ truyền khẩu, ít dị bản, là lời ăn tiếng nói của người Mông. Ông Chẩn Tờ Mậu, một già làng ở thôn Ngòi Nghìn, xã Đạo Viện (Yên Sơn) nói, người Mông rất coi trọng tình cảm gia đình, do đó nhiều lời khuyên răn mang ý nghĩa sâu sắc: Anh em ghét nhau không được bỏ dòng họ.

Phụ nữ người Mông thôn Tiên Tốc, xã Bình An (Lâm Bình) chuẩn bị trang phục đi chơi hội
Phụ nữ người Mông thôn Tiên Tốc, xã Bình An (Lâm Bình) chuẩn bị trang phục đi chơi hội

Phụng dưỡng và kính yêu cha mẹ là đạo lý muôn đời nên người Mông đã nhắn nhủ: “Mình cư xử với mẹ cha ra sao/Về sau con cái cũng đối xử với mình như vậy”. Trong gia đình cha mẹ là tất cả đối với con cái. Có cha mẹ còn tất cả, mất mẹ cha thì gia đình đổ vỡ, cảnh nhà tan hoang. Tục ngữ đã đúc kết và nói rất sâu sắc về nội dung này: “Có bố mẹ, than thân không ra nước mắt/Mất bố mẹ, khóc than đến chết ngất”.

Người Mông cũng luôn coi trọng sự gắn bó, thủy chung; nhường nhịn, hòa hợp trong tình cảm vợ chồng. Vì thế, đồng bào thường khuyên con cháu mình: Vợ chồng bực nhau không được ngủ khác giường. Hay: “Hàm răng đẹp đôi khi cũng cắn phải lưỡi/Vợ chồng hòa hợp đôi khi cũng có dỗi hờn”; “Tình yêu tốt một thời/Vợ chồng tốt một đời”.

Trong các mối quan hệ xã hội, quan hệ nam nữ cũng được đề cao ở trong tục ngữ Mông: Phản ánh khát vọng yêu đương, ca ngợi tình yêu thủy chung... Trong vấn đề lựa chọn bạn đời, người Mông đề cao những phẩm chất như chăm làm, tháo vát, chung thủy của người bạn đời: “Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu/Trai khỏe không biết làm rẫy cũng hèn”. 

Các thành viên Câu lạc bộ gìn giữ bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mông, thôn Khuổi Khít, xã Kiến Thiết (Yên Sơn) thường xuyên luyện tập.  Ảnh: Minh Thủy
Các thành viên Câu lạc bộ gìn giữ bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mông, thôn Khuổi Khít, xã Kiến Thiết (Yên Sơn) thường xuyên luyện tập. Ảnh: Minh Thủy

Tục ngữ là “lời nói hay” có nhiều giá trị, một hình thức giao tiếp quan trọng. Do đó, trong ứng xử hàng ngày, đồng bào rất coi trọng lời nói: “Biết nói người ta yêu, người ta quý/Vụng nói người ta ghét, người ta giận”. Và khuyên nên: “Nghĩ trước nói sau”. Đặc biệt, từ những hình ảnh trong thực tế được nâng lên tầm khái quát và vận dụng vào cuộc sống như là một bài học về lối sống có văn hóa: “Chặt cây phải xem cành khô/Nói năng cần nhìn trên dưới”.

Từ những quan sát trong thực tiễn, đồng bào Mông đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm về quy luật biến đổi của thời tiết: “Trời xanh thì nắng/Mây đen thì mưa”. Những đúc rút kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp: "Tháng bảy trồng kiệu/Tháng tám trồng tỏi, Tháng ba chặt lanh/Tháng bảy chặt gai".

Ngày nay, trong đời sống văn hóa tinh thần, người Mông vẫn lưu truyền nhiều câu thành ngữ, tục ngữ. Loại hình văn hóa truyền miệng này đã trở thành nguồn nhựa sống để nuôi dưỡng tâm hồn cho thế hệ người Mông của hôm nay và mai sau.