Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Đội văn nghệ thôn bản - Đánh thức vai trò của những chủ nhân văn hóa: Chính sách mới, kỳ vọng mới (Bài 2)

Văn Hoa - Vũ Hường - 07:57, 06/06/2023

Bằng tình yêu và trách nhiệm với văn hóa dân tộc, các đội văn nghệ thôn, bản chính là những "viên gạch" góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng sân chơi lành mạnh, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân... Tuy vậy, để duy trì, lan tỏa hơn nữa cho các hoạt động này, việc xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ cho các đội văn nghệ thôn bản, đặc biệt là ở vùng đồng bào DTTS và miền núi khó khăn là rất quan trọng...

Các đội văn nghệ thôn bản đã phát huy hiệu quả tích cực cho sự phát triển du lịch tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn (Xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn). Ảnh Dương Tuấn
Các đội văn nghệ thôn bản đã phát huy hiệu quả tích cực cho sự phát triển du lịch tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn (Xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn). Ảnh Dương Tuấn

Nhiều khó khăn, thách thức

Câu lạc bộ (CLB) Điếp Sli Then được thành lập ngày 28/8/2017, thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn). Để thành lập CLB, Nghệ nhân Ưu tú Hà Mai Ven đã tập hợp những người cùng chung niềm đam mê yêu dân ca, những thành viên trẻ hoàn toàn chưa biết đàn, hát Sli, Then và Nghệ nhân Mai Ven trực tiếp truyền dạy miễn phí.

Điều phấn khởi khác là, CLB luôn có mặt trong nhiều sự kiện quan trọng của tỉnh như: Lễ hội Hoa đào; Tuần lễ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Du lịch qua những miền Di sản Việt Bắc... Đặc biệt, năm 2019, tiết mục “Đồng giao” do Nghệ nhân Ưu tú Hà Mai Ven hướng dẫn các thành viên nhỏ tuổi của CLB luyện tập, đạt Huy chương Vàng trong chương trình “Em yêu quê hương đất nước” do Đài tiếng nói Việt Nam tổ chức.

Nghệ nhân Ưu tú Hà Mai Ven tập hợp và dạy miễn phí đàn, hát Sli, Then cho thế hệ trẻ
Nghệ nhân Ưu tú Hà Mai Ven tập hợp và dạy miễn phí đàn, hát Sli, Then cho thế hệ trẻ

Tuy nhiên, bà Ven cũng trăn trở, dù đã rất cố gắng nhưng CLB đang gặp rất nhiều khó khăn để duy trì, phát triển và lan tỏa các hoạt động. Theo bà Ven, để duy trì hoạt động, các thành viên CLB phải tự đóng góp, tự mua sắm trang phục, các trang thiết bị, tự cân đối thu chi… mà không có một nguồn hỗ trợ nào, cứ đà này sẽ có lúc CLB có thể không duy trì được.

Tương tự, Nghệ nhân ưu tú Hoàng Giang Lâm, Chủ nhiệm CLB dân ca dân vũ dân tộc Cao Lan xã Quang Yên, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) cũng bày tỏ: Các hoạt động của CLB từ lúc thành lập đến nay, đều do các thành viên đóng góp nên dù có cố gắng hoạt động, duy trì nhưng chưa phát huy hết hiệu quả đối với việc bảo tồn kho tàng văn hóa phong phú của người Cao Lan.

Nghệ nhân Hoàng Giang Lâm cũng cho biết, nhiều năm qua, tất cả các thành viên trong CLB đều sẵn sàng bỏ công sức, đóng góp kinh phí nhằm xây dựng các CLB, với nhiều việc làm thiết thực như: mở các lớp truyền dạy tiếng dân tộc cho học sinh; dạy hát Sịnh ca truyền thống cho thế hệ trẻ… 

Qua những hoạt động đó, giới trẻ Cao Lan dần ý thức hơn trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc. Ngày càng nhiều hơn thế hệ trẻ biết nói, hát tiếng dân tộc và hiểu các phong tục truyền thống. Tuy đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng trong quá trình hoạt động, CLB gặp không ít khó khăn về nguồn kinh phí phục vụ cho việc in ấn tài liệu học tập và mua sắm các thiết bị cần thiết như: âm thanh, loa đài, ánh sáng, phục trang, nhạc cụ, đạo cụ…; điều này làm hạn chế hiệu quả hoạt động của các đội văn nghệ thôn, bản.

Hầu hết các đội văn nghệ thôn, bản, các CLB đều thành lập và hoạt động trên tinh thần tự thân, tự phát (Ảnh Minh Đức - Mèo Vạc)
Hầu hết các đội văn nghệ thôn, bản, các CLB đều thành lập và hoạt động trên tinh thần tự thân, tự phát (Ảnh Minh Đức - Mèo Vạc)

Không riêng gì CLB Điếp Sli Then xã Thụy Hùng (Lạng Sơn) và CLB dân ca dân vũ dân tộc Cao Lan xã Quang Yên (Vĩnh Phúc), trên thực tế, hầu hết các CLB dân ca, các đội văn nghệ thôn bản tại vùng DTTS được thành lập từ nhu cầu tự thân, tự phát; kinh phí hoạt động dựa vào sự đóng góp của các thành viên, do đó gặp không ít khó khăn nhất định trong việc duy trì hoạt động cũng như chất lượng, hiệu quả của các đội.

Nhiều đội văn nghệ thôn, bản hoạt động còn cầm chừng, theo mùa vụ, chưa được thường xuyên, khi có chương trình, hội thi, hội diễn mới tập hợp thành viên luyện tập, hiệu quả chưa cao. Đặc biệt, nguồn kinh phí hoạt động không được cấp, chủ yếu dựa vào nguồn xã hội hóa, tập hợp những người cùng sở thích, cùng đóng góp, cùng sinh hoạt và cùng thưởng thức, trong khi đó, đời sống của người dân ở nhiều nơi còn nhiều khó khăn.

Do đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thiết chế văn hóa…để phục vụ các hoạt động của đội văn nghệ còn thiếu thốn. Các tiết mục văn nghệ chủ yếu do các thành viên trong đội văn nghệ dàn dựng, tập luyện, biểu diễn, chưa qua đào tạo nên chất lượng chương trình chưa cao. Nội dung và hình thức hoạt động của các đội văn nghệ chưa phong phú.

Đặc biệt, mặc dù tại nhiều điểm du lịch cộng đồng, dù có nhiều đội văn nghệ thôn bản, song các đội vẫn chưa khai thác hết các tiềm năng, lợi thế của văn hóa, nhất là các đội văn nghệ phục vụ cho phát triển du lịch.

Các đội văn nghệ thôn, bản là tập hợp bởi những người am hiểu về bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, có sức hút rất lớn trong phát triển du lịch, tuy nhiên, các đội văn nghệ thôn, bản vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, hiệu quả của mình
Các đội văn nghệ thôn, bản vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, hiệu quả của mình

Cần sự đầu tư, hỗ trợ

Tại tỉnh Vĩnh Phúc, nhằm ghi nhận và khuyến khích các CLB, các nghệ nhân tích cực đóng góp công sức để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tháng 12/2020, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết 12 về “Hỗ trợ đối với Nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các CLB dân ca tiêu biểu tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2025”. Nghị quyết 12, được kỳ vọng là giải pháp thiết thực để phát huy vai trò của các CLB.

Theo đó, Nghị quyết 12 nêu rõ, nội dung hỗ trợ đối với Nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể: Hỗ trợ việc thực hành truyền dạy nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Đối với các CLB dân ca tiêu biểu: Hàng năm hỗ trợ kinh phí cho mua sắm trang thiết bị (âm thanh, loa đài, ánh sáng, phục trang, nhạc cụ, đạo cụ…) và tham gia các hoạt động liên hoan, hội diễn, hội thi, giao lưu.

Thế nhưng, đến thời điểm này, không biết vì lý do gì, Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc vẫn chưa được thực hiện. Nhiều CLB tỏ ra thất vọng, thậm chí, đã xuất hiện tình trạng, có CLB đã xảy ra tình trạng lục đục, mâu thuẫn trong việc hoàn thiện thủ tục nhận hỗ trợ từ Nghị quyết 12.

Đội văn nghệ truyền thống dân tộc Lô Lô ở thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc đi biểu diễn, giao lưu tại Chợ Phong lưu Khâu Vai, huyện Mèo Vạc (Hà Giang)
Đội văn nghệ truyền thống dân tộc Lô Lô ở thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc đi biểu diễn, giao lưu tại Chợ Phong lưu Khâu Vai, huyện Mèo Vạc (Hà Giang)

Những năm gần đây, nhiều địa phương đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực cho các hoạt động văn hóa cơ sở, phần nào giải quyết được những khó khăn của các đội.

Chị Lê Thị Ngọc Châm, Trưởng Phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu) cho biết: Để nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của văn nghệ quần chúng, Phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình đã có nhiều tham mưu cho tỉnh nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các DTTS trên địa bàn tỉnh như hỗ trợ kinh phí, trang phục, nhạc cụ… cho các đội văn nghệ.

Tỉnh Lai Châu cũng ban hành Nghị quyết bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, cùng với đó có nhiều Đề án, Chương trình nhằm bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc. 

Tại tỉnh Hòa Bình, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 337/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020, về việc quy định mức hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các đội văn nghệ quần chúng ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Theo đó, mỗi đội văn nghệ quần chúng ở cơ sở được hưởng mức hỗ trợ theo quy định là 4.000.000 đồng/đội/năm. Trước đó, mỗi đội văn nghệ thôn bản cũng đã được hỗ trợ 2 triệu đồng/đội/năm

Đây là chính sách rất có ý nghĩa đã thúc đẩy và nâng cao chất lượng phong trào văn hóa văn nghệ ở cơ sở, tác động tới đời sống văn hóa tinh thần của đông đảo Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Đặc biệt, thực hiện Dự án 6, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ 2021 - 2025, các địa phương đang tích cực triển khai xây dựng chính sách hỗ trợ các Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong việc lưu truyền, phổ biến sinh hoạt văn hóa truyền thống; hỗ trợ xây dựng các CLB sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn vùng DTTS và miền núi, vùng tái định cư; hỗ trợ hoạt động cho đội văn nghệ truyền thống; hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị tại các thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi… Hi vọng rằng, với chính sách trên sẽ hỗ trợ, tạo cơ hội cho đội văn nghệ truyền thống thôn, bản phát triển mạnh mẽ.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.