Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Trang địa phương

Khánh Hòa: Nỗ lực gìn giữ nét đẹp văn hóa của đồng bào các DTTS

Hồng Hải - CTV - 18:32, 16/12/2022

Nhiều lễ hội dân gian truyền thống được phục hồi, nhiều loại hình dân ca, dân vũ, biểu diễn nhạc cụ dân tộc được phổ biến… tất cả đã đem lại những sắc màu văn hóa đa dạng trong cộng đồng các DTTS trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Sau những giờ phút lao động sản xuất vất vả, đồng bào lại được hòa mình vào bầu không khí lễ hội, vào những đêm sinh hoạt văn nghệ ở buôn làng...

Đồng bào Raglay ở huyện Khánh Sơn tái hiện Lễ Mừng lúa mới
Đồng bào Raglay ở huyện Khánh Sơn tái hiện Lễ Mừng lúa mới

Gìn giữ nhiều lễ hội

Nằm cách trung tâm Tp. Nha Trang hơn 40 km, huyện Khánh Vĩnh là nơi cư trú của 28 dân tộc anh em, trong đó đồng bào Raglay có số lượng lớn nhất. Đồng bào các DTTS huyện Khánh Vĩnh vốn có nền văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng, nhất là các lễ hội mang tính chất gắn kết cộng đồng dân cư. Thông qua các liên hoan, hội diễn nghệ thuật các cấp, huyện Khánh Vĩnh đã nỗ lực lan tỏa nhiều loại hình văn hóa dân gian truyền thống mang tính đặc trưng của đồng bào DTTS. Đặc biệt, các lễ hội truyền thống như: Lễ Mừng lúa - bắp mới, lễ cưới, lễ mừng nhà mới, lễ bỏ mả của dân tộc Raglay; lễ cưới của đồng bào T’rin (nhánh địa phương của dân tộc Cơ Ho); lễ bỏ mả, lễ cúng bến nước trong của dân tộc Ê Đê; hội tung còn của dân tộc Tày… được tâp trung tái hiện.

Nhiều năm qua, ông Cao Văn Nghiệp ở thôn Bến Khế, xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh vẫn luôn truyền dạy cách đánh mã la, trình diễn các loại nhạc cụ của đồng bào Raglay cho nhiều thanh niên trong xã. Trong các kỳ Liên hoan nghệ thuật quần chúng, Ngày Văn hóa dân tộc được tổ chức hằng năm, ông Nghiệp đều tích cực tham gia và động viên lớp trẻ tự tin đến biểu diễn, giới thiệu những cái hay, cái đẹp của văn hóa dân tộc.

“Mỗi lần được tham gia liên hoan văn hóa, văn nghệ do tỉnh, huyện tổ chức, chúng tôi đều cảm thấy rất tự hào khi có dịp thể hiện tài năng của bản thân và giới thiệu bản sắc văn hóa của dân tộc”, ông Nghiệp chia sẻ.

Hiểu được tầm quan trọng của việc bảo tồn, giữ gìn những hoạt động văn hóa, nghệ thuật của người dân trong vùng, ông Y Hy - Bí thư Đảng ủy xã Ninh Tây trực tiếp đi sưu tầm những bộ chiêng, bộ ché, các loại nhạc cụ truyền thống, công cụ sản xuất… của đồng bào Ê Đê. Trong nhà, ông lưu giữ, giới thiệu về những hiện vật của đồng bào. Ông cũng thường tổ chức những buổi sinh hoạt văn nghệ để người dân trong buôn làng có dịp được chơi các loại nhạc cụ.

Trên địa bàn tỉnh, hiện vẫn còn nhiều cá nhân âm thầm gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, như: Mấu Hồng Thái, Cao Lê Dân, Mấu Xuân Điệp, Cao Mai Hùng (huyện Khánh Sơn), Hà Đình Mơ (Tp. Cam Ranh), Bo Thị Minh Châu (huyện Cam Lâm)… Đây là những hạt nhân phong trào, góp phần vào việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, nét đẹp truyền thống trong cuộc sống hôm nay.

Đồng bào Ê Đê ở xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa) tái hiện một nghi thức trong Lễ Cúng bến nước
Đồng bào Ê Đê ở xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa) tái hiện một nghi thức trong Lễ Cúng bến nước

Theo ông Nguyễn Thanh Hưng - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Ninh Hòa,  địa phương có 21 DTTS sinh sống, trong đó nhiều nhất là đồng bào Ê Đê chiếm tỷ lệ khoảng 2,2% dân số toàn thị xã. Hằng năm, vào những ngày đầu năm mới, đồng bào Ê Đê ở các thôn Buôn Lác, Buôn Sim, Buôn Đung của xã Ninh Tây lại tổ chức Lễ Cúng bến nước. Lễ hội được diễn ra theo phong tục truyền thống của địa phương. Năm 2020, Lễ Cúng bến nước của đồng bào Ê Đê xã Ninh Tây đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn tái hiện trong Triển lãm Du lịch qua các miền Di sản văn hóa Việt Nam, diễn ra tại TP. Hà Nội.

Nỗ lực phát huy các giá trị văn hóa

Thực tế cho thấy, cách đây 10 năm, thực trạng nguy cơ bị mai một nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa luôn khiến các nhà quản lý văn hóa trăn trở, băn khoăn. Nhưng đến thời điểm hiện tại, mối lo đó đã phần nào được nhẹ bớt. Hiện, đã có rất nhiều các đề án, dự án, kế hoạch bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào DTTS được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt, triển khai. Trên cơ sở đó, ngành Văn hóa và các địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện với nhiều cách làm, mô hình hiệu quả, nhất là đối với việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Raglay, Ê Đê. Nhờ đó, tình trạng “chảy máu” di sản văn hóa vật thể của đồng bào DTTS đã được ngăn chặn. Hàng trăm bộ mã la, cồng chiêng, trống, ché, đồ dùng sinh hoạt… của đồng bào đã được gìn giữ trong các nhà dân hoặc nhà truyền thống.

Đặc biệt, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa đã trang bị được 85 bộ mã la cho 85 thôn, tổ dân phố trong tỉnh. Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm được hơn 300 hiện vật có giá trị về đồng bào DTTS ở Khánh Hòa. Toàn tỉnh đã có 4 nghệ nhân người DTTS được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Ngoài ra, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp với các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm mở nhiều lớp dạy tiếng nói, chữ viết đồng bào Raglay với hàng trăm lượt cán bộ, công chức, giáo viên, bác sĩ tham gia. 

Hằng năm, tỉnh tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, văn nghệ để thu hút đồng bào DTTS tham gia, như: Ngày hội Văn hóa các dân tộc, Liên hoan các làng văn hóa, Hội thi tìm hiểu di sản văn hóa... Thông qua đó, những giá trị văn hóa của đồng bào có dịp trình diễn và đây cũng là dịp để mọi người giao lưu, học hỏi.

Đồng bào Raglay ở huyện Khánh Vĩnh biểu diễn đánh mã la trong một buổi giao lưu văn hóa
Đồng bào Raglay ở huyện Khánh Vĩnh biểu diễn đánh mã la trong một buổi giao lưu văn hóa

Tại huyện Khánh Sơn, các hộ dân đã trang bị được 92 bộ mã la với 622 chiếc. Theo đó, huyện cũng đã tổ chức 8 lớp truyền dạy đánh mã la cho 90 học viên; 1 lớp học hát sử thi cho 25 thanh thiếu niên; phối hợp nghiên cứu, sưu tầm các tư liệu, làn điệu dân ca, dân vũ, biên dịch các loại sách về con người và văn hóa Raglay trên địa bàn; chế tác 10 bộ nhạc cụ đàn đá; mở các lớp học sử dụng nhạc cụ đàn đá cho thanh niên ở các xã, thị trấn; trưng bày, giới thiệu hơn 100 hiện vật mang giá trị văn hóa, lịch sử của đồng bào Raglay như: Đàn đá, đàn chapi, mã la, dụng cụ lao động, sinh hoạt... Tổ chức liên hoan hòa tấu mã la và múa dân gian Raglay, liên hoan các làn điệu dân ca Raglay, hội thi già làng khéo tay, hội thao DTTS...

Còn tại huyện Khánh Vĩnh, đã phục hồi, tổ chức các lễ hội truyền thống để đồng bào DTTS có dịp thực hành hòa tấu các nhạc cụ dân tộc cồng chiêng, kèn đinh năm, đinh chót, kèn Salakhen; hát các làn điệu Arai, ma diêng, xú ri, hát then…

“Để hỗ trợ các gia đình tham gia các lễ hội, chúng tôi đã hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ và hỗ trợ không quá 10 hộ/năm. Điều này, đã phần nào khích lệ được các hộ dân tổ chức những lễ hội gia đình mang màu sắc truyền thống. Từ đó, những nghi thức, nghi lễ, các món ăn truyền thống được đồng bào thực hiện, gìn giữ và phát huy”, bà Ca Tông Thị Mến - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh chia sẻ.

Có thể thấy, những kết quả đạt được trong nỗ lực giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa là rất khả quan. Có được kết quả đó, là nhờ sự quan tâm, đầu tư của tỉnh và sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành, địa phương trong việc triển khai các chương trình, chính sách về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Qua đó, cũng đã phát huy được sự đồng thuận, nhất trí của đồng bào trong nỗ lực bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.