Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Đồng bằng sông Cửu Long: Phát triển mạnh sản phẩm du lịch đặc thù, thích ứng biến đổi khí hậu

PV - 15:14, 25/03/2021

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển các ngành kinh tế như nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch… Song, đây cũng là khu vực đang chịu nhiều tác động, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trong bối cảnh đó, thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu, hàng loạt giải pháp đã được thực thi hiệu quả, tạo đà cho sự phát triển toàn diện, trong đó có lĩnh vực du lịch - ngành kinh tế mang tính tổng hợp ở đồng bằng châu thổ.

Du khách tham quan Vườn quốc gia Tràm Chim bằng nhà nổi trên sông. Ảnh: An Hiếu/TTXVN
Du khách tham quan Vườn quốc gia Tràm Chim bằng nhà nổi trên sông. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông

Nhiều chuyên gia cho rằng, đối với hoạt động du lịch, ở bất cứ khu vực, địa phương nào, bên cạnh nguồn tài nguyên, sản phẩm du lịch, hai yếu tố quan trọng chính là giao thông và truyền thông. Vì vậy, việc quan tâm phát triển hạ tầng giao thông chính là tiền đề, thuận lợi căn bản để các ngành kinh tế trong đó có du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng lân cận như Thành phố Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ, phát triển bền vững.

Theo báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, việc phát triển hạ tầng kết nối, đặc biệt là hạ tầng giao thông, tạo đà cho các hoạt động kinh tế - xã hội tại Đồng bằng sông Cửu Long phát triển, được chú trọng thực hiện. Đơn cử, tuyến Quốc lộ 1 được đầu tư cơ bản phù hợp quy hoạch với quy mô 4 làn xe, hoàn thành tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi kết nối thành phố Cần Thơ với tỉnh Kiên Giang… Nhiều công trình, dự án trọng điểm được phê duyệt, triển khai như: Cầu Rạch Miễu 2, cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn từ thị xã Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) đến huyện Châu Thành (Sóc Trăng) tuyến tránh Quốc lộ 1A qua thành phố Cà Mau.

Bên cạnh các tuyến đường bộ, tuyến vận tải đường sông, hàng không cũng được đầu tư, phát triển, tạo thuận lợi cho các hoạt động giao thương, góp phần đáng kể cho lĩnh vực du lịch tại khu vực đồng bằng trở nên sôi động hơn trước rất nhiều.

Đến nay, tại Đồng bằng sông Cửu Long có hai cảng hàng không quốc tế là Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc và Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, hai cảng hàng không nội địa là Cảng hàng không Rạch Giá (Kiên Giang) và Cà Mau với tổng công suất thiết kế 7,6 triệu hành khách/năm.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong thời gian tới, Bộ tiếp tục phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ làm việc với các hãng hàng không nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích các hãng hàng không mở thêm đường bay mới kết nối Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ với các thành phố trong nước và quốc tế, phát huy vai trò là thành phố trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2021-2025, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc mở rộng sân đỗ và xây dựng nhà ga hành khách mới, nâng tổng công suất chở hành khách lên 10 triệu hành khách/năm.

Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ phối hợp với UBND các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Cà Mau và Cảng hàng không Rạch Giá làm cơ sở đầu tư phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2030 cơ bản nâng cấp tất cả các cảng hàng không trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đáp ứng nhu cầu vận tải và quy hoạch được phê duyệt.

Lợi thế sinh thái, văn hóa và thân thiện môi trường

Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ đã xác định tầm nhìn đến năm 2100, Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng, trên cơ sở phát triển phù hợp nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp...

Đề cập đến các giải pháp, đối với lĩnh vực du lịch, Nghị quyết nêu rõ: Phát triển dịch vụ - du lịch dựa trên tiềm năng, lợi thế về đặc điểm tự nhiên, sinh thái, văn hóa, con người với hiệu quả kinh tế cao; phát triển các loại hình du lịch miệt vườn, du lịch sông nước, du lịch sinh thái gắn với các khu bảo tồn thiên nhiên.

Thực hiện hiệu quả các giải pháp, định hướng này, thời gian qua, tại khu vực đồng bằng, các lợi thế về sinh thái, di sản văn hóa, lịch sử cách mạng đã và đang được bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị. Nhiều khu dự trữ sinh quyển, du lịch sinh thái, văn hóa sông nước, làng nghề đã trở thành các điểm du lịch thu hút du khách.

Theo thống kê, riêng trong năm 2019 - thời điểm chưa bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên quy mô toàn cầu, lượng du khách đến các địa phương thuộc vùng đã đạt 47 triệu lượt, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt hàng chục nghìn tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết: Tỉnh đã lồng ghép, tích hợp biến đổi khí hậu vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đối với lĩnh vực du lịch, tỉnh chú trọng bảo tồn và phát triển các giá trị cốt lõi để phát triển du lịch tâm linh, du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp gắn với các địa phương trong vùng, tạo nên mạng lưới với các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn và bền vững dựa trên tiềm năng, lợi thế về đặc điểm tự nhiên, sinh thái, giá trị văn hóa. Trên địa bàn An Giang hiện có hai khu du lịch lớn: Khu du lịch quốc gia núi Sam và Khu du lịch Núi Cấm, hàng năm thu hút hàng triệu du khách.

Trên địa bàn tỉnh còn có rừng tràm đẹp và nổi tiếng nhất ở Việt Nam để du lịch vào mùa nước nổi và cầu tre trong rừng tràm dài nhất Việt Nam do tổ chức Kỷ lục Việt Nam ghi nhận. An Giang luôn tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, thân thiện, gắn bó với môi trường với các điểm đến nổi bật như: Nông trại Phan Nam ở thành phố Long Xuyên, vườn sinh thái Út Cưng và tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Tuấn Phong ở thành phố Châu Đốc, thu hút nhiều du khách đến tham quan, mua sắm các đặc sản từ nông nghiệp công nghệ cao.

Liên quan chuyển đổi cơ cấu kinh tế hợp lý theo hướng thuận thiên, thích ứng biến đổi khí hậu, đối với lĩnh vực kinh tế du lịch, tỉnh Kiên Giang chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường. T

heo Phó Chủ tịch UBND tinh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn: Tỉnh đã công nhận một số khu du lịch địa phương như ở quần đảo Nam Du, đảo Lại Sơn (huyện Kiên Hải), đảo Hải Tặc (thành phố Hà Tiên) với ưu điểm nổi bật là có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển đảo theo hướng thân thiện môi trường.

Sở Du lịch Kiên Giang hỗ trợ Vườn quốc gia Phú Quốc thực hiện đầu tư và triển khai dịch vụ du lịch sinh thái tham quan sinh cảnh đặc trưng theo các tuyến tại vườn quốc gia, góp phần phát triển du lịch ở thành phố biển đảo đầu tiên của đất nước theo hướng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.

Đẩy mạnh các sản phẩm du lịch đặc thù

Đề cập về phát triển du lịch bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long, Tiến sỹ Hà Quang Thanh, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: Vùng châu thổ này đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển song cũng đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức mang tính sống còn, nước biển dâng, gây ảnh hưởng nặng nề trong nhiều năm trở lại đây.

Do đó, phát triển du lịch đồng thời tiếp tục tuân thủ các cam kết, đảm bảo phát triển bền vững, trong đó có những vấn đề liên quan như ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Các địa phương, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân ngày càng ý thức sâu sắc hơn những thuận lợi, khó khăn trong phát triển du lịch; tăng cường quảng bá thương hiệu sản phẩm du lịch, đa dạng các sản phẩm du lịch như du lịch sinh thái, miệt vườn, du lịch văn hóa cội nguồn, du lịch nghỉ dưỡng…

Ở góc độ cụ thể của địa phương, theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, nhằm phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, An Giang cùng thành phố Cần Thơ và các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang đã xây dựng Dự thảo "Tầm nhìn chiến lược Đề án liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên" với 7 lĩnh vực liên kết trong đó có liên kết về phát triển du lịch.

Dự thảo đã được đại diện các bộ, ngành đóng góp nhiều ý kiến, tỉnh An Giang và các địa phương đang tiếp tục hoàn chỉnh bản dự thảo Tầm nhìn chiến lược này để triển khai trong thời gian tới.

Tỉnh An Giang kiến nghị, Chính phủ sớm ban hành quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long để các địa phương có cơ sở triển khai xây dựng quy hoạch ở tỉnh và đây cũng là cơ sở để tạo thuận lợi triển khai các hoạt động liên kết vùng; ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, tăng cường và nâng cao hiệu quả liên kết vùng.

Đối với lĩnh vực du lịch, tỉnh An Giang đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn tiêu chí thành lập thí điểm Khu bảo tồn phục vụ phát triển bền vững khu du lịch sinh thái và Trung tâm tri thức về phát triển du lịch sinh thái, tạo thận lợi cho việc đẩy mạnh các hoạt động phát triển sản phẩm du lịch theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lê Quang Trung cho biết, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu, đối với lĩnh vực du lịch, thời gian tới, Vĩnh Long thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, tránh tình trạng các sản phẩm hiện có mang tính gần tương đồng với các tỉnh trong khu vực; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động quảng bá hình ảnh du lịch địa phương đến du khách trong và ngoài nước./.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.