Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Đồng bào Ca Dong thoát nghèo nhờ mô hình trồng sắn xen canh cây quế

Thúy Hằng - 05:14, 10/11/2022

Những năm gần đây, nhờ các chương trình, chính sách đầu tư hỗ trợ của Đảng và Nhà nước cho vùng đồng bào DTTS, bà con vùng cao huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng mô hình trồng sắn cao sản xen canh cây quế. Với hiệu quả bước đầu mang lại, mô hình này đang được người dân nơi đây hưởng ứng, hứa hẹn là sinh kế giảm nghèo bền vững cho đồng bào.

Đồng bào Ca Dong ở xã Trà Vân chuyển cây quế giống lên trồng xen canh rẫy sắn.
Đồng bào Ca Dong ở xã Trà Vân chuyển cây quế giống lên trồng xen canh rẫy sắn.

Cách đây 2 năm, được sự vận động, hướng dẫn của chính quyền địa phương, đồng bào Ca Dong (thuộc dân tộc Xơ Đăng) tại khu vực thôn 3 xã Trà Vân, huyện Nam Trà My bắt đầu đưa cây sắn cao sản vào trồng thử nghiệm trên đất nương rẫy. Nhờ khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp nên cây sắn sinh trưởng và phát triển khá tốt, bình quân mỗi cây cho sản lượng gần 10kg củ.

Nhận thấy được tiềm năng này nên hàng trăm hộ dân ở thôn 3, xã Trà Vân đều chặt bỏ cây trồng hiệu quả kinh tế thấp để chuyển hẳn sang trồng cây sắn cao sản. Theo đánh giá, trồng 1 ha sắn qua 1 năm có thể cho thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng. Nhờ mạng lưới giao thông kết nối mở, đặc biệt là tuyến đường Trường Sơn Đông nối từ huyện Nam Trà My với huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) đã góp phần giúp cho hoạt động thu mua vận chuyển sắn đi tiêu thụ thuận lợi. Theo đó, giá cả luôn được bình ổn. Hiện tại, 1kg sắn củ mua tại Trà Vân là 2.000đ. Trong 2 năm qua, nhờ trồng sắn chuyên canh đã giúp nhiều hộ đồng bào Ca Dong có thu nhập cả trăm triệu đồng, nhanh chóng vươn lên thoát nghèo.

Đặc biệt, thấy được lợi ích từ cây sắn cao sản nên số lượng người dân chuyển đổi từ trồng nương rẫy hiệu quả thấp sang trồng sắn ngày càng nhiều hơn. Vụ sắn mới được người dân nơi đây trồng từ đầu tháng 3 đến tầm tháng 12 là có thể thu hoạch.

Người dân xã Trà Vân thu hoạch sắn trên nương rẫy.
Người dân xã Trà Vân thu hoạch sắn trên nương rẫy.

Anh Nguyễn Ngọc Diệu ở làng Ông Thanh (thôn 3, xã Trà Vân) cho biết, gia đình có gần 2ha đất rẫy, trước đây chủ yếu trồng cây keo. Năm 2021, sau khi bán rẫy keo, gia đình quyết định trồng cây sắn và đem lại thu nhập khá cao. Vụ sắn vừa qua, thương lái mua hơn 2 nghìn đồng/kg nên anh thu về hơn 85 triệu đồng. “Ngày xưa trồng lúa rẫy, cây keo nên thu nhập chẳng được bao nhiêu, có khi còn thiếu đói mỗi khi giáp hạt. Từ ngày chuyển qua trồng sắn cao sản vừa cho năng suất cao, lại được giá nên bà con rất phấn khởi. Bên cạnh đó, gia đình cũng trồng thêm cây quế Trà My làm của để dành sau này”, anh Diệu chia sẻ.

Điểm đặc biệt là khi trồng sắn, bà con cũng sẽ tự chủ động được nguồn giống để phát triển mở rộng diện tích. Hơn nữa cây sắn rất thích nghi với đất đồi dốc, ít tốn công chăm sóc. Thời gian trồng đến lúc thu hoạch cũng ngắn ngủi và việc khai thác cũng đơn giản.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Bí thư Chi bộ thôn 3, xã Trà Vân cho biết, địa phương hiện có 175 hộ dân với hơn 700 khẩu. Trước đây, người dân chủ yếu trồng trọt tự phát, theo tập quán cũ, nên năng suất thấp khiến cuộc sống rất bấp bênh. Thời gian qua, nhờ mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, tập trung phát triển nông nghiệp theo thế mạnh của địa phương nên đời sống của người dân dần khá lên. Năm 2021, diện tích trồng sắn trên địa bàn khoảng 20ha, chủ yếu tập trung ở thôn 2, thôn 3. Bước sang năm 2022, diện tích đất rẫy được đưa vào trồng sắn phát triển lên hơn 50ha.

“Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương rất thích hợp để trồng cây sắn, đầu ra của sản phẩm cũng ổn định do thương lái bên Quảng Ngãi qua mua nhiều. Mặc dù cây sắn chỉ mới được người dân trồng mạnh trong vài năm trở lại đây nhưng đã giúp cho nhiều hộ dân ở thôn có thu nhập ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo”, ông Ngọc nói.

Cũng theo ông Ngọc, được sự định hướng của cán bộ huyện, xã, đồng bào Ca Dong đã trồng cây quế xen canh vào diện tích trồng sắn cao sản để “lấy ngắn nuôi dài”. Sau vài năm khi quế đã lớn xanh thì các hộ gia đình lại có thêm nguồn thu nhập từ cây quế truyền thống. Cây sắn sẽ giúp bà con thu nhập hàng năm còn cây quế là loại cây lâu năm như “của để dành”.

Thu hoạch sắn cao sản tại xã Trà Vân, huyện Nam Trà Mi
Thu hoạch sắn cao sản tại xã Trà Vân, huyện Nam Trà Mi

Được biết không riêng chỉ người dân xã Trà Vân mà hiện nay phong trồng sắn cao sản xen canh với cây quế lan tỏa ra các xã khác như Trà Vinh, Trà Mai, Trà Tập, Trà Dơn, Trà Don. Tất cả nguyên liệu sắn được các thương lái từ nhiều vùng đến tận nơi thu mua nhập về nhà máy chế biến công nghiệp nên giá cả được ổn định.

Mô hình trồng sắn kết hợp trồng cây lâu năm được xem là hướng đi mới phù hợp với tập quan canh tác của bà con và mở ra cơ hội để thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo cho bà con vùng núi cao ở Quảng Nam.

Ông Trịnh Minh Hải, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Trà My cho biết: Định hướng phát triển của huyện là ưu tiên vùng cao trồng sâm Ngọc Linh, vùng thấp trồng các mô hình xen canh giữa cây ngắn ngày với cây dài ngày với tiêu chí “lấy ngắn nuôi dài”. Trong đó ưu tiên lồng ghép nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia (như Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030), Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025) để hỗ trợ phát triển mô hình trồng sắn xen canh cây quế.

Hiện, trên địa bàn huyện Nam Trà Mi, tổng diện tích đất nương rẫy trồng sắn là khoảng 100 ha. Đối với mô hình trồng cây quế trên địa bàn huyện được triển khai theo Nghị quyết 40/2017/NQ-HĐND tỉnh về Cơ chế hỗ trợ bảo tồn và phát triển cây Quế Trà My trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018-2025. Riêng huyện Nam Trà My được phân bổ hơn 5,2 tỷ đồng để thực hiện trồng, bảo tồn và phát triển cây quế Trà My.

Toàn huyện Nam Trà Mi đã trồng hơn 4 triệu cây quế trên diện tích 6.000ha. “Mục tiêu của huyện là lấy cây sắn làm chủ lực cây ngắn ngày giúp đồng bào vùng cao xóa đói, giảm nghèo, còn cây quế là cây lâu năm làm giàu lâu dài”, ông Trịnh Minh Hải chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục
Chung sức xây dựng nông thôn mới ở Gia Lai: Tháo gỡ khó khăn bảo vệ và nâng chất các tiêu chí (Bài 3)

Chung sức xây dựng nông thôn mới ở Gia Lai: Tháo gỡ khó khăn bảo vệ và nâng chất các tiêu chí (Bài 3)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều tiêu chí, chỉ tiêu tăng cao hơn so với trước đây, nên các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2015 - 2020 khó đảm bảo khi xét theo các tiêu chí, chỉ tiêu mới. Hiện các ngành và địa phương trong tỉnh Gia Lai đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn, hạn chế trong thực hiện các tiêu chí để xây dựng NTM theo hướng bền vững.