Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Đồng bào Tà Ôi thoát nghèo từ nghề dệt Zèng

Vũ Mừng - 10:24, 13/04/2024

Là huyện vùng cao nằm dọc biên giới Việt - Lào, A Lưới được xem là chiếc nôi văn hóa dân tộc thiểu số của tỉnh Thừa Thiên Huế. Trên mảnh đất này, bao đời nay đồng bào dân tộc Tà Ôi không chỉ bền bỉ giữ gìn nghề dệt Zèng truyền thống, mà còn đưa Zèng trở thành sản phẩm có giá trị kinh tế cao, giúp người dân vươn lên thoát nghèo.

Nghề dệt Zèng trở thành một báu vật vô giá trong cộng đồng mỗi buôn làng đồng bào dân tộc Tà Ôi
Nghề dệt Zèng trở thành một báu vật vô giá trong cộng đồng mỗi buôn làng đồng bào dân tộc Tà Ôi

Báu vật của buôn làng

Đi qua bao thăng trầm của lịch sử, nhất là những năm tháng chiến tranh, nhiều nét văn hóa, sinh hoạt của đồng bào dân tộc Tà Ôi đã bị mai một. Có những điều chỉ còn là ký ức một thời trong tâm tưởng của các già làng. Thế nhưng, nghề dệt Zèng không bị mất đi mà còn trở nên gần gũi hơn trong đời sống hôm nay của người Tà Ôi, đồng thời trở thành một báu vật vô giá trong cộng đồng mỗi buôn làng.

Đối với đồng bào dân tộc Tà Ôi, con gái đến tuổi đôi mươi đều học và biết dệt những tấm Zèng truyền thống của dân tộc mình. Mỗi tấm Zèng lại là một hiện vật phản ánh sâu sắc nhất tâm hồn của người con gái, bởi trong đó chứa đựng cả những tình cảm yêu thương và khát khao về niềm hạnh phúc đôi lứa. Xuất phát từ quan niệm đó, mà những sản phẩm đầu đời thường sẽ trở thành món quà tặng cho gia đình nhà chồng, như là của hồi môn đặc biệt.

Nghệ nhân Mai Thị Hợp giới thiệu với các em học sinh về Zèng. Ảnh: NVCC
Nghệ nhân Mai Thị Hợp giới thiệu với các em học sinh về Zèng. Ảnh: NVCC

Nhiều người Tà Ôi vẫn thường kể, đất nước mình rộng lắm, con chim bay cũng không hết được, cơn gió bay cũng không hết được, người Kinh, người, người Ba Na, người Ê Đê, người Xê Đăng, người Tà Ôi… đều là anh em một nhà! Còn con gái Tà Ôi không chỉ biết làm rẫy giỏi mà còn biết dệt Zèng.

Là một trong những người thành lập Hợp tác xã (HTX) Thổ cẩm xanh Azakooh (thị trấn A Lưới, huyện A Lưới), Nghệ nhân Mai Thị Hợp giới thiệu: “Chất liệu của vải Zèng được quy tụ từ cây bông sợi, cây râm, củ nâu, cây đằng đằng là những nguyên liệu chính dệt nên những tấm Zèng độc đáo của người dân tộc Tà Ôi”.

Sau 5 tháng chăm chút cho cây bông, đến kỳ thu hoạch đem bông về phơi cho khô khén. Bông sau khi kéo thành sợi sẽ được mang đi nhuộm. Nhuộm sợi là một trong những khâu kỹ thuật quan trọng nhất, đến nay tại các bản làng khi thực hiện khâu này người Tà Ôi vẫn phải tuân thủ theo những kiêng kỵ nhất định. Đặc biệt, ở công đoạn này thường những người phụ nữ cao tuổi nhiều kinh nghiệm sẽ làm ra được những sản phẩm đẹp.

Tùy từng loại trang phục mà người thợ dệt có cách dàn sợi và tạo hoa văn khác nhau
Tùy từng loại trang phục mà người thợ dệt có cách dàn sợi và tạo hoa văn khác nhau

Các sắc màu thường thấy trên trang phục của người Tà Ôi thường là xanh, đỏ, đen, vàng và tím; cộng với sự chấm phá của những hạt cườm màu trắng. Trên mỗi bộ trang phục thổ cẩm đã toát lên vẻ lung linh hài hòa. Các loại màu nhuộm sợi được người dân khai thác từ những loại lá, vỏ, rễ cây từ núi rừng nên những gam màu họ làm ra tươi trầm không chói như những loại màu công nghiệp thường thấy của cuộc sống hiện đại. Không chỉ là sự hài hòa về mặt hình thức, sợi bông nhuộm từ những màu tự nhiên rất được ưa chuộng bởi màu bền, ít phai, sợi bông mặc rất ấm về mùa đông, mát về mùa hè.

Khi chuẩn bị đầy đủ sợi, trước khi dệt phải dàn sợi, một công việc phức tạp đòi hỏi sự tỉ mỉ của người thợ dệt. Tùy từng loại trang phục mà người thợ dệt có cách dàn sợi và tạo hoa văn khác nhau. Hoa văn trên sản phẩm dệt của người Tà Ôi được chia theo các chủ đề như: chủ đề động vật, thực vật thiên nhiên và đồ vật. Mỗi một chủ đề đều có những cách thể hiện riêng và trong quá trình làm người thợ, có thể sáng tạo tùy thích mà không bị bó buộc trong khuân mẫu nào cả.

Zèng xuất hiện trang trọng tại Lễ hội áo dài Huế lần thứ 22 năm 2023. Ảnh: NAG Trần Nhật Bình
Zèng xuất hiện trang trọng tại Lễ hội áo dài Huế lần thứ 22 năm 2023. Ảnh: NAG Trần Nhật Bình

Thoát nghèo từ nghề truyền thống

Giống như những ngành nghề thủ công khác, những năm cuối của thế kỷ XX, trước sức ép của nền kinh tế thị trường nghề dệt Zèng đã gặp không ít khó khăn và thử thách, bởi sự xuất hiện ồ ạt của những sản phẩm may mặc được nhập khẩu từ nước ngoài. 

Có lẽ bởi thế mà những người nặng lòng với Zèng tại A Lưới, vẫn còn nhớ như in tại Festival Nghề truyền thống Huế được tổ chức vào năm 2015, người dân Huế và du khách bất ngờ, nhưng cũng rất thú vị với sự xuất hiện của dệt Zèng tại vị trí trung tâm trang trọng nhất của Công viên Tứ Tượng (nơi dành tôn vinh cụm nghề dệt).

Cũng tại Festival, trong chương trình khai mạc, lần đầu tiên những bộ quần áo thiết kế từ chất liệu thổ cẩm Dzèng đã được khoác trên người những hoa hậu, người mẫu nổi tiếng xuất hiện trên sân khấu, đó là cơ hội để dệt Zèng, vốn dĩ là một loại hình văn hóa đặc thù của người dân các huyện miền núi A Lưới bừng sáng và ghi dấu ấn đối với công chúng. 

Một năm sau đó, với các giá trị mà nghề dệt Zèng mang lại như: Giá trị kinh tế, giá trị đạo đức, giá trị tâm linh, giá trị di sản văn hóa dân tộc, giá trị mỹ thuật, ngày 21/11/2016, nghề dệt Zèng của đồng bào dân tộc Tà Ôi đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Với HTX Thổ cẩm xanh Azakooh được thành lập từ năm 2015, trải qua gần 10 năm hoạt động, từ 15 thành viên ban đầu đến nay HTX đã và đang tạo ra việc làm thường xuyên cho gần 120 lao động là phụ nữ dân tộc Tà Ôi. 

Được biết, những năm qua, nguồn vốn khuyến công của tỉnh cũng tập trung hỗ trợ nghề dệt Zèng trang bị máy móc, tổ chức các khóa tập huấn nâng cao năng lực cải tiến mẫu mã sản phẩm, đào tạo nghề với mục đích nâng cao năng lực sản xuất và phát triển thị trường tiêu thụ.

Những thiếu nữ dân tộc Tà Ôi huyện A Lưới say mê với nghề dệt Zèng
Những thiếu nữ dân tộc Tà Ôi huyện A Lưới say mê với nghề dệt Zèng

Nghệ nhân Mai Thị Hợp cho hay: Mỗi tấm vải Zèng bán ra ngoài thị trường có giá từ 300.000 - 600.000 đồng, có loại làm cầu kỳ, đính cườm và khổ rộng có giá lên tới 3 triệu đồng. Ngoài cung cấp cho các thị trường truyền thống như huyện miền núi Nam Ðông (Thừa Thiên Huế), huyện Ðông Giang, Tây Giang (Quảng Nam), Hướng Hóa, Ðakrông (Quảng Trị)... sản phẩm Dzèng của A Lưới đã được xuất khẩu thường xuyên sang các nước lân cận như: Thái Lan, Lào, Nhật Bản…Tùy vào sản phẩm làm ra trung bình, mỗi người thợ tại HTX sẽ có mức thu nhập khoảng 6 – 7 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, những người thợ của HTX Thổ cẩm xanh Azakooh còn sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Giám đốc HTX Blup Thị Hà chia sẻ: Trước đây, nếu HTX chỉ bán sản phẩm Zèng như một loại vải thông thường để người ta tự may đo, thì nay chúng tôi đã thiết kế áo cho nam, nữ, chân váy, thắt lưng… Những trang phục này dễ dàng phối với đồ tân thời, như áo khoác Zèng cho nam, chân váy Zèng đi cùng sơ mi cho nữ… 

"HTX đã sáng tạo ra khoảng 30 sản phẩm để làm quà lưu niệm, như móc khóa, bông tai, kẹp, cài, túi xách, khẩu trang, thú bông, khăn quàng cổ..., bán với giá dao động từ 35.000 - 500.000 đồng nên người dân địa phương và du khách rất thích thú", chị Blup Thị Hà cho hay.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết: Dệt Zèng nằm trong số 13 làng nghề tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên Huế được lựa chọn để bảo tồn lâu dài. Nhờ HTX này mà hàng trăm phụ nữ người Tà Ôi, Cơ Tu, Bru Vân Kiều ở vùng đại ngàn Trường Sơn đã có thu nhập ổn định.

Tin cùng chuyên mục
Những cuốn sách được viết trên lá cây có tuổi đời hàng trăm năm

Những cuốn sách được viết trên lá cây có tuổi đời hàng trăm năm

Trên địa bàn huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An có một số cuốn sách cổ viết bằng chữ Thái hệ Lai Pao trên lá cây khá độc đáo. Tuy nhiên, những cuốn sách cổ này còn rất ít và số người biết đọc chữ Thái cũng không còn nhiều. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Thái là điều hết sức cần thiết.