Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Ngọt ngào điệu lượn slương

Minh Thu - 07:07, 15/02/2021

“Từ thuở còn trẻ, tôi đã được mẹ và các cụ trong bản dạy hát lượn slương. Điệu lượn ngọt ngào, yêu thương đó đã đi theo tôi suốt những năm tháng cuộc đời cho đến tận bây giờ…”, nghệ nhân Đinh Thị Đà, ở xóm Nà Pá, xã Đức Xuân, huyện Thạch An (Cao Bằng), mở đầu câu chuyện với chúng tôi về điệu lượn slương của dân tộc Tày.

Biểu diễn lượn slương trong ngày Tết ở xã Đức Xuân, huyện Thạch An.
Biểu diễn lượn slương trong ngày Tết ở xã Đức Xuân, huyện Thạch An.

Say theo ân tình câu hát lượn

Nghệ nhân Đinh Thị Đà, sống ở xóm Nà Pá, xã Đức Xuân, huyện Thạch An. Năm nay bà bước sang tuổi 78, bà là một trong những người cao tuổi, vẫn đang miệt mài, trăn trở giữ gìn, phát huy điệu slương của đồng bào Tày trên địa bàn huyện Thạch An.

Theo nghệ nhân Đinh Thị Đà, lượn slương (nghĩa là lượn Thương) là bộc bạch niềm thương nhớ, thể hiện tình cảm của người hát, tâm tình trong câu hát. Có thể là lời bà, mẹ ru con nằm nôi, có thể là tình cảm trai gái, là nỗi nhớ quê hương…

Để ví dụ, nghệ nhân Đinh Thị Đà cất lời hát: “Nhị va phong sơn cảnh sắc đào/Bioóc phông mèng bửa hộn lao xao/Pia dú chang vằng mong nặm mâứ/Cần thẻ hăn căn đảy tuộng chào” (Có nghĩa là “Nhị hoa gió núi cảnh sắc đào/Hoa nở ong bướm nhộn lao xao/Cá giữa vực sâu mong nước mới/Người thể gặp nhau được hỏi chào”).

Nghệ nhân Đinh Thị Hà còn kể, năm 1985, bà bắt đầu sưu tầm và ghi chép lại các bài lượn. Bà đã đi hết các xóm trong, bản ngoài…, tìm gặp những người cao tuổi để trao đổi, sưu tầm các bài lượn. Được sự quan tâm của ngành Văn hóa, bà thành lập nhóm lượn slương xóm Nà Pá, với 8 thành viên là những người cao tuổi. Nhóm hát lượn slương thường xuyên tham gia biểu diễn tại các hội diễn ở thôn, bản, các chương trình văn nghệ cấp huyện, cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Lượn slương điệu hát yêu thương, là nét văn hóa độc đáo của đồng bào Tày.
Lượn slương điệu hát yêu thương, là nét văn hóa độc đáo của đồng bào Tày.

Mai này ai nhớ lượn slương?

Là một trong những người trẻ tuổi đam mê lượn slương từ khi mới 18 tuổi, anh Nông Văn Cấp, ở xã Đức Xuân, huyện Thạch An chia sẻ: Tôi yêu lượn slương bởi giai điệu ngọt ngào, sâu lắng, tràn đầy tình cảm. Giữ được lượn slương cũng là giữ được pho di sản văn hóa quý báu của đồng bào Tày.

Đây cũng là lý do, anh Cấp đã dành nhiều thời gian đi đến các xã khác trong huyện Thạch An sưu tầm, ghi chép các bài lượn của các cụ cao tuổi còn lưu giữ được. Cùng với đó, anh đang cố gắng truyền dạy cho một số bạn trẻ yêu các làn điệu dân ca để phát huy được những giá trị của lượn slương…

Nghệ nhân Đinh Thị Đà chia sẻ về ca từ trong điệu lượn slương mà bà sưu tầm được.
Nghệ nhân Đinh Thị Đà chia sẻ về ca từ trong điệu lượn slương mà bà sưu tầm được.

Là những người yêu văn hóa truyền thống, cả anh Nông Văn Cấp và bà Đinh Thị Đà đều trăn trở: “Nếu mai này không còn người hát được lượn slương thì những giai điệu ngọt ngào, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Tày sẽ không còn”.

Thông tin về giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của lượn slương, ông Vũ Tuấn Nghĩa, Phó Trưởng phòng Văn hóa Thể thao huyện Thạch An cho biết: Để bảo tồn, phát huy giá trị điệu lượn slương, thời gian qua, huyện đã mở một số lớp giảng dạy điệu lượn slương, bước đầu thu hút một số bạn trẻ tham gia. Huyện đang xây dựng kế hoạch đưa dân ca Tày vào giảng dạy trong học đường, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ tiếp cận với văn hóa truyền thống của dân tộc, kết hợp với các ngành chức năng phục dựng lại các điệu dân ca đang có nguy cơ mai một để bảo tồn.

Đặc biệt, vừa qua (tháng 10/2020), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng đã phối hợp cùng Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam thành lập Câu lạc bộ lượn slương xã Đức Xuân. Theo đó, tham mưu đề xuất với các cấp chính quyền có kế hoạch hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị lượn slương gắn với phát triển du lịch.

Theo truyền thuyết: Nùng Trí Cao (1025 - 1055) là một lãnh tụ người Tày, Nùng ở châu Quảng Nguyên (nay là Cao Bằng), là con của thủ lĩnh địa phương Nùng Tồn Phúc và bà A Nùng.

Mùa Xuân năm 1041, sau khi cùng mẹ tập hợp lực lượng nổi dậy lấy châu Thảng Do (gần châu Quảng Nguyên), Nùng Trí Cao vào triều yết kiến, được vua Lý Thái Tông phong tước Thái Bảo, cho thêm 4 động và 1 châu để cùng mẹ tiếp tục cai quản. Trong niềm vui thắng giặc, cộng thêm được vua ban chức tước, Nùng Trí Cao mở tiệc mời thanh niên nam nữ trong vùng đến vui hát mừng. Tri ân tấm lòng của vua Thái Tông, tinh thần đoàn kết đánh giặc và cuộc sống của người dân, Nùng Trí Cao đặt tên cho cuộc hát thâu đêm suốt sáng đó là lượn slương (hát yêu thương - hát mừng sự yêu thương).

Đồng bào Tày, Nùng đã xem Nùng Trí Cao như một anh hùng và dựng miếu thờ. Ngày 3 tháng 3 hằng năm - kỷ niệm về Nùng Trí Cao là ngày hội chính của dân tộc Tày, Nùng để tưởng nhở về ông. Hiện ở Cao Bằng còn di tích thành Nà Lữ, nơi ông đóng quân, ở gần TP. Cao Bằng.