Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

"Dòng họ Rmah tự quản": Điểm sáng giữ gìn an ninh trật tự

PV - 17:21, 27/09/2021

Mô hình “Dòng họ Rmah tự quản” ở xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa (Gia Lai) đã góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương và được chính quyền địa phương nhân rộng.

Công an huyện Ia Pa vận động người dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc
Công an huyện Ia Pa vận động người dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc

Từ trước đến nay, dòng họ Rmah được cộng đồng người Gia Rai ở huyện Ia Pa đánh giá cao về truyền thống hiếu học. Ông Siu Bun, ở làng Ma Rin 1, xã Ia Ma Rơn, là Người có uy tín của dòng họ Rmah. Mặc dù phong tục người Gia Rai theo họ mẹ, còn ông đến ở rể, nhưng luôn tự hào kể cho con cháu những thành tích về gia đình, dòng tộc họ Rmah của vợ mình.

Trong nhà ông hiện lưu giữ rất nhiều Bằng khen, Giấy khen về phong trào xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học; dòng họ tự quản; dòng họ có thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”… Riêng gia đình ông, có 5 người con đều được học hành đến nơi đến chốn, có việc làm ổn định. Trong đó, 2 người đang làm bác sĩ, còn lại là giáo viên và có nghề nghiệp ổn định. Đó chính là điều ông cảm thấy mãn nguyện, tự tin khi được dòng tộc phía vợ bình chọn là Người có uy tín.

Em Rmah H’Nhuin (làng Ma Rin 3) chia sẻ: “Em rất tự hào về truyền thống dòng họ Rmah. Em sẽ phấn đấu học thật tốt để xứng đáng với truyền thống này. Em mong sau này được về lại quê để góp sức xây dựng buôn làng phát triển hơn”.

Dòng họ Rmah ở 3 làng Ma Rin 1, 2, 3 (xã Ia Ma Rơn) có tổng cộng 222 hộ. Vừa qua, Công an huyện Ia Pa hướng dẫn dòng họ Rmah thành lập mô hình “Dòng họ Rmah tự quản trong đồng bào dân tộc thiểu số”. Từ khi thành lập, ngoài những tiêu chí được phổ biến đến hộ dân, Công an huyện phối hợp các gia đình tuyên truyền, giáo dục con cháu nỗ lực học tập, nâng cao trình độ, vun đắp ý chí phấn đấu để có việc làm ổn định. Những thanh niên học hết bậc THPT không theo học lên cao sẽ tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, có đời sống ổn định.

Đặc biệt, Công an huyện phối hợp với trưởng họ, chủ các gia đình ký cam kết không có thành viên tham gia tệ nạn xã hội, không vi phạm pháp luật và tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Ông Siu Bun (làng Ma Rin 1) cho biết: “Sắp tới, chúng tôi phối hợp cùng 3 vị trưởng thôn nắm bắt cụ thể, chặt chẽ hơn danh sách thanh, thiếu niên để có cách thức giáo dục, động viên kịp thời những cháu có thành tích học tập, lao động tốt”.

Đến nay, dòng họ Rmah ở xã Ia Ma Rơn có 5 bác sĩ, 1 thạc sĩ, 30 giáo viên, số con cháu có việc làm ổn định chiếm đa số trong cộng đồng. Tỷ lệ các thành viên, con cháu vi phạm pháp luật trong dòng họ nhiều năm nay được hạn chế thấp nhất, những mâu thuẫn giữa các hộ dân được giải quyết kịp thời, không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, hình thành án. Nhiều hộ gia đình trở thành điểm sáng, tiên phong trong các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.

Ông Nguyễn Đức Quy, Đội trưởng Đội phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (Công an huyện Ia Pa) cho biết: Lực lượng Công an đang duy trì nhiều phong trào trong dân, đặc biệt lấy mô hình “Dòng họ Rmah tự quản” làm hình mẫu để nhân rộng ra các dòng họ khác.

Trao đổi với chúng tôi, ông Tăng Xuân Duẩn, Chủ tịch UBND xã Ia Ma Rơn, đánh giá: Những mô hình tự quản như ở dòng họ Rmah góp phần quan trọng trong việc duy trì cộng đồng người dân tộc thiểu số bền vững, giàu mạnh. Các gia đình còn vận động con cháu tích cực tham gia các phong trào thi đua tại địa phương, tham gia tích cực vào các hội, đoàn thể, thực hiện xây dựng nông thôn mới./.

Tin cùng chuyên mục
Bác sĩ người Chứt và hành trình xóa bỏ hủ tục ở xã vùng biên Dân Hóa

Bác sĩ người Chứt và hành trình xóa bỏ hủ tục ở xã vùng biên Dân Hóa

Chứng kiến cảnh nhiều người dân chữa bệnh bằng cách nhờ thầy cúng trừ tà ma...mà không khỏi, tình trạng bệnh ngày càng nặng thêm, thậm chí đã có những cái chết thương tâm... càng hun đúc thêm ý chí phải học trong chàng thanh niên Cao Xuân Tiêm. Ước mong mang kiến thức y khoa về cứu chữa cho bà con dân bản đã được vun đắp, trở thành hiện thực đối với bác sĩ người dân tộc Chứt nơi vùng biên Quảng Bình.