Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Dòng họ Xiêng Var và Xiêng Thanh: Nối tiếp truyền thống hiếu học để xây dựng vùng biên

Hòa Bình - 12:37, 14/05/2023

Ở huyện vùng biên Ngọc Hồi (Kon Tum), dòng họ Xiêng Var và Xiêng Thanh (dân tộc Gié Triêng) đang được vang danh với truyền thống hiếu học, đặc biệt là tinh thần tích cực học tập nâng cao trình độ, năng lực công tác để trở thành người có ích cho xã hội của các thế hệ con cháu tiếp nối nhau trong dòng họ.

Phong trào khuyến học, khuyến tài tại các dòng họ DTTS ở huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum góp phần xây dựng quê hương vùng biên ngày càng khởi sắc
Phong trào khuyến học, khuyến tài tại các dòng họ DTTS ở huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum góp phần xây dựng quê hương vùng biên ngày càng khởi sắc

Khổ học thành tài

Ở xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi ai cũng nể phục dòng họ Xiêng Var bởi sự hiếu học, vượt khó “gieo” con chữ trên vùng biên viễn. Dòng họ Xiêng Var có trên 40 hộ, với hơn 100 nhân khẩu, tập trung phần lớn là ở thôn Đăk Si và Nhục Nhầy 1. 

Ông Bloong Hâm, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Dục cho biết, hơn 10 năm qua, dòng họ này đều được công nhận là dòng họ tiêu biểu tại địa phương và có nhiều tấm gương hiếu học. Dòng họ Xiêng Var ở xã Đăk Dục cũng từng được Ban Chấp hành Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập năm 2014.

Điển hình như, gia đình ông Xiêng Var Nùng (65 tuổi, thôn Đăk Si) là một trong những hộ nhiều năm liền được tôn vinh là gia đình hiếu học ở xã Đăk Dục. Dẫn chúng tôi xem những thành tích thể hiện qua nhiều Bằng khen, Giấy khen được trang trọng treo trên tường, ông Nùng chậm kể: Hồi nhỏ, vì chiến tranh nên nhiều người trong làng không ai học chữ. Thật may mắn khi ông tham gia du kích của xã nên được đi học, tiếp cận với những con chữ. 

Sau đó, ông tiếp tục được gia đình cho đi học lớp bổ túc. Năm 1977 ra trường, ông làm giáo viên trường Tiểu học ở xã Dục Nông (nay Đăk Dục). Đến năm 1984, ông nghỉ dạy và được Đảng ủy xã Dục Nông, huyện Ngọc Hồi tin tưởng giao nhiều chức vụ quan trọng như: Bí thư Đảng Ủy xã Dục Nông, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ngọc Hồi, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Ngọc Hồi…

Ông Xiêng Var Nùng là một trong những hộ nhiều năm liền được tôn vinh là gia đình hiếu học ở xã Đăk Dục
Gia đình ông Xiêng Var Nùng là một trong những hộ nhiều năm liền được tôn vinh là gia đình hiếu học ở xã Đăk Dục

Noi gương người cha, 6 người con của ông Nùng đều chăm chỉ học hành, đều trở thành người có ích cho xã hội. 4/6 người của ông đều tốt nghiệp đại học. Trong đó, người con đầu đang làm Bác sĩ Bệnh viện Quân Y 13 (Quân Khu 5 - tỉnh Quảng Ngãi) và đứa thứ 2 làm cán bộ của Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Ngọc Hồi. Người con thứ 4 là Phó trưởng Công an xã Pô Cô (huyện Đăk Tô)... Không chỉ con ruột, dâu rể của ông Nùng cũng là những tấm gương tiêu biểu về tinh thần học tập.

Đi đầu trong phong trào học tập của dòng họ, còn có gia đình ông Xiêng Var Lư (80 tuổi, ở thôn Dục Nhầy 1). Ông Lư nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Đăk Dục. Trước kia, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng 3 người con của ông đều theo học hết lớp 12. Trong đó, có 2 người con tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi (huyện Ngọc Hồi). 

Ông Xiêng Var Lư chia sẻ: “Việc học luôn là quan trọng nhất nên tôi luôn gương mẫu trong mọi công việc để con cháu noi theo, chú tâm học hành. Nhờ vậy mọi người trong làng, trong dòng họ đều nghe theo vợ chồng tôi, cùng chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đến bây giờ chúng tôi vẫn còn tiếp tục rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, bởi sự học đối với chúng tôi đến hết đời mới thôi”.

Cùng nhau xây dựng “xã hội học tập”

Với tinh thần “trọng học”, tại xã Đăk Nông, dòng họ Xiêng Thanh ở thôn Nông Nội (xã Đăk Nông), là một trong những dòng họ lớn và đi đầu về phong trào học tập. Đơn cử như gia đình ông Xiêng Thanh Tý có 4 người con. Với truyền thống hiếu học của dòng họ đã vun đúc nên những người con thành đạt là cử nhân công tác trong các cơ quan Nhà nước của tỉnh, huyện.

Ông Xiêng Thanh Tý kể lại: Dòng họ Xiêng Thanh đã gắn bó ở huyện vùng biên nhiều năm nay với hàng trăm nhân khẩu. Trước kia, đời sống của bà con rất khó khăn, quanh năm chỉ làm nương rẫy nên cứ nghèo mãi. Nhận thấy chỉ có cái chữ mới cho mình hiểu biết về khoa học, kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất mới mong thay đổi được cuộc sống. Kể từ đó, dòng họ Xiêng Thanh luôn động viên, khuyến khích và đầu tư cho con cháu học tập nhằm nâng cao trình độ, hiểu biết.

 Dòng họ Xiêng Thanh (xã Đăk Nông) là một trong những dòng họ lớn và đi đầu về phong trào học tập
Dòng họ Xiêng Thanh (xã Đăk Nông) là một trong những dòng họ lớn và đi đầu về phong trào học tập

Đặc biệt, với những gia đình khó khăn, dòng họ Xiêng Thanh luôn động viên, hỗ trợ để con cháu cố gắng học tập. Những dịp lễ, Tết dòng họ lại tổ chức liên hoan, khen thưởng những cháu đạt thành tích cao trong học tập để động viên tinh thần. Qua đó, khích lệ những cháu khác cố gắng học tập, xây dựng tương lai tốt đẹp.

Ông Xiêng Thanh Thiên, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Nông cho biết: Tuy còn khó khăn nhưng nguời dân ở đây đều cho con em đi học đầy đủ, không ai nghỉ học giữa chừng. Cũng nhờ học tập đến nơi, đến chốn, các cháu hiếu học đã tạo trở thành nét đẹp truyền thống góp phần vào xây dựng sự nghiệp giáo dục của địa phương ngày càng vững chắc, cuộc sống người dân được nâng lên, xã hội ngày càng phát triển.

Từ phong trào khuyến học, khuyến tài trong mỗi gia đình, trong dòng họ Xiêng Var và Xiêng Thanh đã thắp sáng thêm những “ngọn lửa” tinh thần hiếu học cho các dòng họ khác, cùng nhau xây dựng “xã hội học tập”. Đồng thời, đang tiếp tục thắp lên niềm tin về một tương lai với những đổi thay, khởi sắc trên mảnh đất vùng cao biên giới Ngọc Hồi còn nhiều khó khăn.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.