Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Dự án 6, Chương trình MTQG 1719: Tạo động lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Lê Hường - 16:48, 16/06/2024

Từ việc triển khai Dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) những năm qua, đang tạo ra động lực quan trọng để công tác bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS ở Đắk Lắk ngày càng lan tỏa và đi vào thực chất.

Truyền dạy đánh cồng chiêng cho học sinh DTTS huyện Krông Bông
Truyền dạy đánh cồng chiêng cho học sinh DTTS huyện Krông Bông

Phục hồi văn hóa truyền thống

Từ khi Câu lạc bộ (CLB) dệt thổ cẩm của người Ê Đê buôn Drai H’ling ra đời, sắc màu thổ cẩm, âm thanh từ khung dệt lại hiện hữu dưới những nếp nhà dài ở khắp các buôn đồng bào DTTS xã Hòa Xuân, TP.Buôn Ma Thuột. Việc ra đời CLB đã tạo động lực để những người phụ nữ Ê Đê thêm yêu nghề dệt và thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc lưu giữ, phát huy nghề truyền thống của cha ông.

Ngoài thời gian làm nương rẫy, mỗi lúc nông nhàn, bà H’Lép Niê lại tranh thủ ngồi vào khung dệt, dệt chiếc chăn, chiếc địu hay cái khố. Theo lời bà H’Lép chia sẻ, bà đã dệt thổ cẩm nhiều năm, nhưng chủ yếu là các hoa văn đơn giản. Kể từ khi tham gia CLB bà được học hỏi thêm nhiều họa tiết mới, đẹp mắt từ nghệ nhân giỏi nghề. Ngoài dệt, bà còn được tham gia học may tạo các sản phẩm cách điệu, đẹp mắt.

Nghệ nhân hướng dẫn các thành viên CLB dệt thổ cẩm dệt họa tiết khó của người Ê Đê
Nghệ nhân hướng dẫn các thành viên CLB dệt những họa tiết khó trong tấm thổ cẩm của người Ê Đê

Bà HNga Byă, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm truyền thống của người Ê Đê ở buôn Drai Hling cho biết: Hoạt động của CLB hướng tới mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch. Đồng thời, đây cũng là nơi các thành viên có cơ hội giao lưu, học hỏi và trao đổi, chia sẻ cho nhau các phương pháp hoàn thiện sản phẩm; cùng nhau tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, giúp phụ nữ DTTS có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống từ di sản văn hóa. Ngoài sản phẩm áo, khố, chăn thổ cẩm truyền thống, hiện nay CLB còn tạo ra nhiều sản phẩm như váy, túi xách thổ cẩm phù hợp với xu thế.

Không chỉ nghề truyền thống, nhiều di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc cũng đang được tỉnh Đắk Lắk bảo tồn, phát huy hiệu quả. Đặc biệt là, nhờ nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình, dự án chính sách dân tộc, nhất là nguồn lực Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) tạo điều kiện cho nhiều CLB văn nghệ truyền thống tại các thôn, buôn đồng bào DTTS đã ra đời. Thông qua hoạt động của các CLB, nhiều thanh, thiếu niên ở các buôn làng được truyền dạy đánh cồng chiêng, múa xoang, nhạc cụ truyền thống,…

Phụ nữ dân tộc Mnông xã Yang Tao, huyện Lắk truyền nghề làm gốm thủ công
Phụ nữ dân tộc Mnông xã Yang Tao, huyện Lắk truyền nghề làm gốm thủ công

Bảo tồn và phát huy

Qua tìm hiểu, được biết, thực hiện công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS gắn với phát triển du lịch trong giai đoạn mới, ngành Văn hóa tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức nhiều hoạt động thực chất.

Điển hình như, từ nguồn kinh phí thực hiện Dự án 6, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã triển khai, hướng dẫn các địa phương, thành lập 12 CLB văn hoá dân gian về dệt thổ cẩm và văn nghệ truyền thống. Bên cạnh việc hướng dẫn thủ tục, ngành Văn hóa còn tổ chức các lớp truyền dạy dệt thổ cẩm, kỹ năng hoạt động, dàn dựng, biểu diễn cho các CLB, đội văn nghệ truyền thống tại các thôn, buôn. Đồng thời,hỗ trợ trang thiết bị máy móc, dụng cụ vật tư dệt thổ cẩm, các trang thiết bị, nhạc cụ, trang phục nhằm giúp các CLB duy trì hoạt động thường xuyên.

Không chỉ quan tâm bảo tồn nghề truyền thống, nâng cao ý thức bảo tồn truyền thống và tạo thêm sinh kế cho người dân, ngành Văn hóa tỉnh Đắk Lắk còn chú trọng bảo tồn, phát huy di dản văn hóa và phát triển du lịch.

Đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức 5 lớp truyền dạy đánh chiêng và các nhạc cụ dân tộc cho thanh thiếu nhi; hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể nghề làm gốm thủ công của dân tộc Mnông xã Yang Tao, huyện Lắk; triển khai xây dựng các mô hình văn hóa truyền thống các DTTS, CLB sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng di dân tái định cư.

Các nghệ nhân truyền dạy nhạc cụ truyền thống cho thiếu nhi
Các nghệ nhân truyền dạy cách sử dụng nhạc cụ truyền thống cho thiếu nhi

Ngoài ra, ngành Văn hóa tỉnh Đắk Lắk còn xây dựng 2 điểm hỗ trợ thông tin tuyên truyền, quảng bá du lịch, giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của đồng bào DTTS và hỗ trợ thông tin cho khách du lịch; hỗ trợ xây dựng 2 điểm du lịch tiêu biểu và nhiều tủ sách, trang thiết bị cho các nhà văn hóa cộng đồng.

Ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh: Việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS gắn liền với phát triển du lịch, là một chủ trương phù hợp với điều kiện thực tế, hợp lòng dân. Để công tác này đạt hiệu quả cao hơn, thiết thực hơn, hiện nay các sở, ngành liên quan đang tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy định, hướng dẫn chi tiết, ưu tiên, điều chỉnh, bổ sung nguồn vốn hỗ trợ triển khai các nội dung của Dự án 6. Qua đó, góp phần tích cực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Đồng thời, góp phần quảng bá các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của từng địa phương. 

Tin cùng chuyên mục
Đồng bào các DTTS tỉnh Nghệ An “Đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”

Đồng bào các DTTS tỉnh Nghệ An “Đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”

“Đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”, là phương châm hành động trong suốt giai đoạn 2019 - 2024 của đồng bào các DTTS ở Nghệ An khi thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ III cấp huyện, năm 2019. Tinh thần này đã khơi dậy và lan tỏa ý chí tự lực, tự cường trong mỗi người dân, toàn hệ thống chính trị... cùng nhau xây dựng gia đình, thôn bản ngày càng phát triển.