Đây là hoạt động được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức nhằm thực triển khai thực hiện hiệu quả Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước, xã hội và cộng đồng trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS gắn với phát triển du lịch tại Hòa Bình, Quảng Nam và Bình Phước.
Qua đó, động viên, khích lệ đồng bào DTTS tích cực tham gia vào hoạt động bảo tồn bản sắc văn hóa; phát huy vai trò chủ thể của đồng bào trong việc nhân rộng mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống. Đồng thời, tăng cường mối đoàn kết dân tộc, đặc biệt đối với lớp trẻ thông qua các hoạt động sinh hoạt văn hóa, truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, các phong tục tập quán mang đậm bản sắc mỗi dân tộc. Tạo điều kiện cho cộng đồng được giao tiếp, vui chơi giải trí lành mạnh từ các giá trị văn hóa truyền thống của mình.
Theo đó, trong quý II và quý III, năm 2024, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với các Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hòa Bình, Quảng Nam và Bình Phước tổ chức xây dựng CLB sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng di dân tái định cư tại các huyện Lạc Sơn (Hòa Bình), Phú Riềng, Đồng Phú (Bình Phước) và Nam Giang (Quảng Nam).
Cụ thể, tại Hòa Bình, tổ chức xây dựng CLB sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Mường tại huyện Lạc Sơn. Tại Quảng Nam, tổ chức xây dựng và ra mắt CLB sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Gié Triêng tại huyện Nam Giang.
Tại Bình Phước, tổ chức xây dựng và ra mắt CLB sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Xtiêng huyện Phú Riềng; CLB sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Tày huyện Đồng Phú.
Trong quá trình triển khai, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch yêu cầu các đơn vị liên quan cần bám sát mục tiêu của Dự án số 6 về phát huy nội lực, tinh thần tự lực và khơi dậy lòng tự hào dân tộc đối với các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc.
Các nội dung khôi phục, bảo tồn các nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS cần tập trung như: các làn điệu dân ca, dân vũ, nghệ thuật trình diễn dân gian đang có nguy cơ mai một, mất bản sắc.
Việc triển khai khảo sát, thực địa, điều tra, thống kê, thu thập thông tin, hỗ trợ vật tư, nguyên vật liệu, dụng cụ, tài liệu phục vụ xây dựng CLB sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Mường, Gié Triêng, Tày và Xtiêng tại các địa phương phải đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế.
Các địa phương cần chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các nghệ nhân, hướng đến bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tạo môi trường văn hóa, không gian văn hóa phù hợp để đồng bào các dân tộc thường xuyên được giao lưu, trình diễn văn hóa truyền thống trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu văn hóa trong từng cộng đồng và các cộng đồng dân tộc với nhau.
Đồng thời, triển khai công tác bảo tồn và phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các địa phương trong thời kỳ công nghệ 4.0 và phương pháp tổ chức đội văn nghệ, CLB sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Mường, Giẻ Triêng, Tày và Xtiêng gắn với phát triển du lịch.