Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Đưa hoa Sơn Tra thành sản phẩm du lịch độc đáo

Thanh Nguyên - 22:36, 09/03/2024

Mỗi dịp tháng Ba về, những cây Sơn Tra (hay táo mèo) tại các nương đồi, thung khe ở Sơn La bung nở những chùm hoa trắng xóa, tô đẹp bản làng. Những năm gần đây, tỉnh Sơn La đã tổ chức những Lễ hội hoa Sơn Tra để giới thiệu vẻ đẹp của loài hoa này đến đông đảo du khách bốn phương, đồng thời tăng cường kết nối với các tỉnh bạn, doanh nghiệp, để cùng khai thác du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hoa sơn tra phủ trắng mái nhà trong bản Mông.
Hoa Sơn Tra phủ trắng mái nhà trong bản Mông

“Thủ phủ” cây sơn tra của người Mông ở Sơn La

Một ngày đầu tháng 3, từ trung tâm thị trấn Mộc Châu (Sơn La), sau khi vượt qua hơn 170 km đường đèo quanh co, đoạn cuối khoảng 10 km đường núi dốc đứng cùng những cú cua tay áo liên tiếp, chúng tôi cũng đến được bản Nậm Nghiệp (xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La) - nơi có nhiều cây Sơn Tra nhất của Sơn La, "thủ phủ của cây Sơn Tra.

Ngay từ đầu bản, chúng tôi đã bắt gặp những hàng cây Sơn Tra cổ thụ, gốc cây khá to, đồng loạt nở hoa trắng muốt hai bên đường, khiến cung đường miền núi trở nên thơ mộng hơn. Đây cũng là một địa điểm “Check-in” tuyệt đẹp với du khách. Đi sâu vào bản, những cây Sơn Tra phủ trắng những nóc nhà, mái hiên của người Mông trong bản, khiến chúng tôi ngỡ như lạc vào miền cổ tích. Đám trẻ con dân tộc Mông đang chơi đùa dưới tán những cây Sơn Tra hoa trắng khiến khung cảnh trở nên bình yên đến lạ.

Hoa sơn tra nở trắng hai bên đường dẫn vào bản Nậm Nghiệp khiến con đường trở nên thơ mộng, trữ tình.
Hoa Sơn Tra nở trắng hai bên đường dẫn vào bản Nậm Nghiệp khiến con đường trở nên thơ mộng, trữ tình

Bản Nậm Nghiệp (còn có tên Nậm Nghẹp) cách trung tâm xã Ngọc Chiến khoảng 12 km, nằm ở độ cao 2.300m so với mực nước biển, giao thông đi lại còn khá khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Đây là bản cao nhất, xa nhất và cũng là nơi có nhiều cây Sơn Tra nhất của Sơn La. 

Ở độ cao chót vót hơn 2.000m so với mực nước biển, đây có lẽ là cũng là bản làng cao nhất trên dải đất hình chữ S. Sơn Tra phân bố ở nhiều nơi tại Sơn La nhưng tập trung nhiều nhất ở xã Ngọc Chiến, với khoảng 2.600 ha, tập trung ở các bản Đông Xuông, Phày, Lướt, Nậm Nghiệp... Trong đó, chỉ riêng bản Nậm Nghiệp có diện tích Sơn Tra lớn nhất với hơn 1.600 ha cây. Trong diện tích 1.600 ha cây Sơn Tra đó, có khoảng 800 ha là cây cổ thụ, với tuổi đời lên đến hàng trăm năm.

Hoa sơn tra bung nở trắng núi rừng Nậm Nghiệp.
Hoa Sơn Tra bung nở trắng núi rừng Nậm Nghiệp

Bản Nậm Nghiệp có 131 hộ, đều là đồng bào dân tộc Mông. Nguồn thu nhập chính của bà con dựa vào trồng trọt và chăn nuôi. Các cụ cao niên trong bản cho biết, cây Sơn Tra đã gắn bó với đồng bào dân tộc Mông ở bản Nậm Nghiệp nhiều đời nay, không ai biết chính xác từ bao giờ. Với đặc tính ưa không khí lạnh, dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, cây Sơn Tra dễ sinh trưởng và phát triển trên những vùng đất khô cằn, kém màu mỡ như ở Nậm Nghiệp.

Trước đây, bà con ở Nậm Nghiệp trồng cây Sơn Tra với mục đích phủ xanh đất trống đồi trọc. Sau này, quả cây Sơn Tra được ứng dụng nhiều trong đời sống, nên cây Sơn Tra còn là cây có giá trị kinh tế, giúp đồng bào Mông xóa đói giảm nghèo bền vững. Cho nên đồng bào gắn bó và rất quý loại cây này. 

Quả cây Sơn Tra tươi được dùng để ngâm rượu thành rượu táo mèo được nhiều thực khách ưa chuộng, ngâm đường thành thứ nước uống thơm ngon. Cùng với đó, quả Sơn Tra còn được thái lát, phơi khô làm thuốc dùng trong Đông y, chữa được rất nhiều chứng bệnh. Gần đây, quả Sơn Tra còn được chế biến thành mứt, nước ngọt đóng chai, làm thành dấm táo... mang đến cảm giác thơm ngon, lạ miệng cho người thưởng thức…

Hiện nay, Sơn Tra đang trở thành cây trồng chủ lực, đem lại nguồn thu đáng kể, giúp đồng bào Mông ở Nậm Nghiệp có thêm nguồn thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống. Hiện cả bản Nậm Nghiệp có 1.200 ha cây Sơn Tra đang trong độ cho thu hoạch quả.

Khai thác tiềm năng du lịch từ cây Sơn Tra

Không chỉ quả Sơn Tra mang lại giá trị kinh tế, mà hoa Sơn Tra cũng có giá trị, mang đến thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con dân tộc Mông tại Nậm Nghiệp.

Từ cuối tháng 2 hoa Sơn Tra bắt đầu hé nụ. Đến khoảng giữa tháng 3, những cây Sơn Tra ở Nậm Nghiệp đồng loạt bung nở trắng xóa, tựa bông mây, khiến cả bản làng vùng cao như bừng sáng. Hoa Sơn Tra nở theo chùm như hoa mận, màu trắng ngà, có nhụy màu vàng nâu. Mỗi bông hoa có từ 4 đến 5 cánh. Sơn Tra sinh trưởng trên đất sỏi đá, cằn cỗi, dù có bão giông, khắc nghiệt, hoa vẫn bung sắc trắng muốt giữa nắng gió đại ngàn. Có người đã ví hoa Sơn Tra mang vẻ đẹp bình dị nhưng kiêu hãnh như người Mông, dù cuộc sống có khó khăn, khắc nghiệt nhưng vẫn bền bỉ, kiên cường vươn lên.

Hoa sơn tra bung nở trắng trong vườn, bên đường ở bản Nậm Nghiệp.
Hoa Sơn Tra bung nở trắng trong vườn, bên đường ở bản Nậm Nghiệp

Mấy năm gần đây, với sự phát triển của mạng xã hội, hình ảnh những cây Sơn Tra nở hoa trắng muốt, cùng với phong cảnh, thiên nhiên Nậm Nghiệp được đăng tải trên Internet, mạng xã hội đã khiến nhiều người thích thú, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của rừng Sơn Tra tại bản và lưu giữ khoảnh khắc đáng nhớ.

Tiếp chuyện chúng tôi dưới mái hiên nhà được phủ trắng bởi những cành hoa Sơn Tra, anh Kháng A Sáy - Trưởng bản Nậm Nghiệp vui vẻ cho biết: “Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch từ hoa Sơn Tra, cùng với sự hướng dẫn, giúp đỡ của doanh nghiệp làm du dịch, chính quyền địa phương đã vận động bà con trong bản bảo vệ những cây Sơn Tra hiện có, tăng cường trồng mới Sơn Tra, hướng dẫn bà con làm Homestay, phát triển các dịch vụ đi kèm để tăng thu nhập. Nhiều hộ dân trong bản cũng chủ động đầu tư Homestay, tạo cảnh quan, sắm nhiều bộ trang phục dân tộc Mông đẹp để du khách chụp ảnh cùng với hoa Sơn Tra”.

Có vẻ như Kháng A Sáy khá tâm huyết với việc phát huy lợi thế từ cây Sơn Tra, nên anh rất hào hứng khi nói đến chuyện này. Anh luôn nghĩ cách làm thế nào để bà con phát huy được tốt nhất những lợi thế và giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn được điều kiện thiên nhiên tốt nhất để phát triển du lịch.

“Để phát triển du lịch thì mình phải giữ được thiên nhiên, quy hoạch chỗ cắm trại, chỗ gửi xe cho du khách lên leo núi, ngắm hoa. Bên cạnh đó, huy động đoàn viên cùng chính quyền địa phương dọn dẹp vệ sinh trong bản luôn sạch sẽ, làm đường vào khu có nhiều hoa, chỗ ngắm cảnh quan đẹp, hướng dẫn bà con cách thức phục vụ du khách, cách nấu ăn, cách dẫn khách du lịch đi thăm bản…”, Trưởng bản Kháng A Sáy chia sẻ thêm.

Du khách lưu lại những bức hình đẹp bên hoa sơn tra.
Du khách lưu lại những bức hình đẹp bên hoa sơn tra

Anh A Vạng sinh sống tại bản Nậm Nghiệp, chủ Homestay A Vạng hồ hởi tiếp chuyện chúng tôi. Vào mùa hoa Sơn Tra, có rất nhiều người đã đến đây để được chụp ảnh với hoa Sơn Tra. Hiện nay, gia đình anh đã xây dựng được 2 Bungalow và 1 nhà cộng đồng, tổng sức chứa trên 30 người, phục vụ khách du lịch lên Nậm Nghiệp ngắm hoa Sơn Tra. Ngoài ra còn có dịch vụ dẫn đường leo núi, cho thuê xe máy nếu du khách có nhu cầu.

"Những nhà làm Homestay trong bản như chúng tôi đều chỉnh trang sạch đẹp đón khách. Chúng tôi cũng trở thành những hướng dẫn viên du lịch, dẫn đường cho khách leo núi dã ngoại, giới thiệu về vùng đất, những cảnh đẹp… để du khách đến tham quan, trải nghiệm, chụp ảnh. Cùng với đó, là thưởng thức những món ăn truyền thống do bà con tự tay nuôi trồng, chế biến”, A Vạng cho biết.

Hiện ở bản Nậm Nghiệp có nhiều loại hình Homestay cho khách nghỉ qua đêm, trải nghiệm đời sống bản địa với mức giá từ 120.000 đồng/đêm, như: Mạnh Phương Homestay, A Lệnh Homestay, A Vạng Homestay, Sơn tra Forest Nậm Nghiệp…

Nậm Nghiệp không chỉ là địa điểm lý tưởng để du khách ngắm hoa và chụp ảnh với hoa Sơn Tra, vào khoảng tháng 9, 10, mùa quả Sơn Tra chín, nơi đây cũng thu hút khá nhiều du khách đến trải nghiệm.

Bà con bản Nậm Nghiệp gìn giữ điệu khèn truyền thống để phục vụ du khách.
Bà con bản Nậm Nghiệp gìn giữ điệu khèn truyền thống để phục vụ du khách

Cùng với thưởng lãm vẻ đẹp và chụp ảnh với hoa, quả Sơn Tra, Nậm Nghiệp còn có nhiều hoạt động trải nghiệm khác, như tham quan bản làng người Mông, săn mây, chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù. Trong đó, có thể nói trải nghiệm săn mây vô cùng thú vị và đáng nhớ. Buổi sáng sớm, khi mặt trời vừa ló rạng, những đám mây trắng bồng bềnh trôi lững lờ dưới chân núi, tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp. Để săn mây, du khách nên dậy sớm, khoảng 4 - 5 giờ sáng, thời điểm này mây dày đặc nhất. Du khách có thể lựa chọn một địa điểm cao ráo, thoáng đãng để ngắm mây, chẳng hạn như đỉnh núi hoặc trên các con đường dẫn vào bản.

Từ Nậm Nghiệp, du khách có thể leo đỉnh Tà Chì Nhù (Yên Bái) có độ cao 2.979m, giáp với Nậm Nghiệp, sau khi đã chiêm ngưỡng bức tranh tuyệt sắc của rừng sơn tra nở trắng trời. Chinh phục đỉnh núi này là một trải nghiệm vô cùng thú vị, mang đến cho du khách những cảm giác mạnh và mãn nhãn khi vừa kết hợp Trekking trên con đường leo núi và ngắm hoa đỗ quyên nở rực rỡ trên đường đi.

Ngoài thăm thú, ngắm cảnh, du khách có thể cắm trại giữa những tán hoa sơn tra nở rộ.
Ngoài thăm thú, ngắm cảnh, du khách có thể cắm trại giữa những tán hoa Sơn Tra nở rộ

Với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm cùng những nét văn hóa truyền thống dân tộc Mông được bảo tồn, bản vùng cao Nậm Nghiệp đang có rất nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch văn hóa, trải nghiệm cần được khai thác và phát huy. Từ đó, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho người dân từ phát triển du lịch.

Mùa hoa Sơn Tra đang về. Cây Sơn Tra đang trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch. Cùng với việc tổ chức Lễ hội hoa Sơn Tra, xã Ngọc Chiến, bản Nậm Nghiệp đã và đang mời gọi, tạo cơ hội để các doanh nghiệp lữ hành tìm hiểu, mở rộng thị trường, xây dựng các Tour, tuyến, điểm du lịch mới giới thiệu đến du khách trong nước và quốc tế, để du khách đến trải nghiệm và khám phá, đưa Nậm Nghiệp trở thành một cái tên không còn xa lạ với du khách ưa khám phá Tây Bắc.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.