Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Duyên nợ với văn hóa Ê-đê

PV - 09:51, 20/03/2020

Yêu văn hóa Tây Nguyên, thầy giáo Trần Quốc Toản công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cư Kuin (Đăk Lăk) đã đến nhiều buôn làng để sưu tầm các hiện vật đặc trưng gắn liền với đời sống sinh hoạt, văn hóa của người Ê-đê. Kho hiện vật của anh hiện là nơi học sinh, giáo viên tìm hiểu về giá trị văn hóa của người Ê-đê một cách trực quan, sinh động.

Các hiện vật sinh hoạt anh Trần Quốc Toản sưu tầm đang được cất giữ tại kho của gia đình
Các hiện vật sinh hoạt anh Trần Quốc Toản sưu tầm đang được cất giữ tại kho của gia đình

Tốt nghiệp ngành Sư phạm, thầy giáo Trần Quốc Toản được phân công về dạy học tại một trường học trên địa bàn huyện Cư Kuin. Sau đó, anh được chuyển công tác về Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cư Kuin.

Nhiều năm công tác tại địa phương, thầy giáo Toản có cơ hội sống gần hơn với bà con DTTS, nhất là các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ với buôn kết nghĩa như đánh chiêng, uống rượu cần, múa xoang bên đống lửa… anh say mê văn hóa của đồng bào Ê-đê từ lúc nào chẳng hay.

Thầy Trần Quốc Toản chia sẻ, vào những năm từ 1980 - 2000, tình trạng “chảy máu cồng chiêng” và hiện vật văn hóa cổ của đồng bào Tây Nguyên diễn ra khá phổ biến. Chứng kiến những vật dụng sinh hoạt thường ngày cũng như đồ vật tâm linh của đồng bào Ê-đê bị đem bán dần, anh đã tìm cách sưu tầm lại các hiện vật đó để góp phần bảo vệ và gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo các dân tộc Tây Nguyên.

Kiên trì, cần mẫn sau những giờ làm việc, anh lại tìm về các buôn làng sưu tầm những bộ cồng chiêng, ché rượu cần, trống da trâu cho đến bát đĩa, đồ cúng bằng đồng, xà gạc, vòng công tua… Món đồ đầu tiên anh Toản sưu tầm được là chiếc ché màu xanh biếc của một gia đình ở buôn Ea Kmar, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin. Chiếc ché này đã qua 3 đời sử dụng, dùng đựng rượu cần trong những lễ cúng quan trọng của gia đình.

Nhiều năm qua, anh Trần Quốc Toản vừa sưu tầm, vừa tìm hiểu văn hóa qua các già làng, dân chơi đồ cổ và cả chuyên gia để có vốn kiến thức ngày càng dày dặn. Trong căn nhà khang trang ở buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột, anh Toản dành một diện tích lớn trang trọng nhất để làm kho cất giữ đồ vật cũ anh sưu tầm.

“Văn hóa của đồng bào Ê-đê rất phong phú, càng tìm hiểu càng thấy hấp dẫn, mỗi đồ vật mang một câu chuyện rất lý thú về đời sống sinh hoạt và văn hóa tâm linh của đồng bào”, anh Toản chia sẻ.

Đến nay, anh Trần Quốc Toản đã có bộ sưu tập khoảng 1.000 hiện vật các loại. Nổi bật trong bộ sưu tập của anh là hàng trăm chiếc ché rượu cần, đồ vật được sử dụng phổ biến nhất trong đời sống của người Ê-đê. Từ bộ sưu tập đồ vật này, anh đã tạo điều kiện các em học sinh, giáo viên có cơ hội được tìm hiểu về giá trị văn hóa các dân tộc ở Tây Nguyên một cách trực quan, sinh động, hỗ trợ một số đề tài nghiên cứu về không gian văn hóa cồng chiêng.

Để hiện vật văn hóa được giới thiệu rộng trong cộng đồng, đầu năm 2019, anh đã hiến tặng 2 chiếc ché, 1 chiếc nồi đất và một số bát đĩa cho Bảo tàng tỉnh để giới thiệu, trưng bày. Đồng thời, anh Toản cũng ấp ủ dự định xây dựng một không gian trưng bày để các bạn trẻ, đặc biệt là các em học sinh đến thăm quan, tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa truyền thống của đồng bào Ê-đê, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Hiện nay, bộ sưu tập của anh Toản đã lên tới 1.000 hiện vật các loại. Nổi bật trong bộ sưu tập của anh là hàng trăm chiếc ché rượu cần, đồ vật được sử dụng phổ biến nhất trong đời sống của đồng bào dân tộc Ê-đê. Có những thứ được bà con tặng, nhưng đa số anh bỏ tiền mua với giá từ vài trăm, vài triệu đến vài chục triệu đồng.

Tin cùng chuyên mục