Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Facebook chắp cánh cho thổ cẩm làng Teng

Hồng Phúc - 13:22, 14/01/2020

Những ngày cuối năm, làng Teng nhộn nhịp rộn ràng. Những cụ bà, các cô gái trẻ chăm chú, tỉ mẩn bên khung cửi dệt thổ cẩm. Họ vui với sự bận rộn để làm đẹp cho mình và kịp đơn hàng khách đặt dịp Tết.

Cô gái trẻ Phạm Thị Sung, trau chuốt cho các sản phẩm trong cửa hàng của mình. Ảnh: Thạch Thảo
Cô gái trẻ Phạm Thị Sung, trau chuốt cho các sản phẩm trong cửa hàng của mình. Ảnh: Thạch Thảo

Cách TP. Quảng Ngãi khoảng 55km về phía Tây, làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ là nơi lưu giữ đậm nét văn hóa của người Hrê, trong đó đặc sắc nhất là nghề dệt thổ cẩm. Dệt thổ cẩm không chỉ là thước đo sự khéo léo đảm đang của người phụ nữ làng Teng, mà sản phẩm thổ cẩm còn là lễ vật để cúng tổ tiên và thần linh.

Cụ Phạm Thị Thiêu, 73 tuổi, vừa kiểm tra lại tấm thổ cẩm cô cháu gái dệt xong, lại ngồi vào khung cửi của mình. Cụ kể, nghề dệt thổ cẩm ở làng Teng có từ thời xa xưa. Hồi bé, cha của cụ cùng những đàn ông khác trong làng đã tận dụng bãi bồi ven dòng sông Liêng để trồng bông lấy sợi.

Những tấm thổ cẩm ngày trước là thước đo cho sự khéo léo, đảm đang, khỏe mạnh của các cô gái, đồng thời, là của hồi môn khi về nhà chồng. Bởi vậy những người mẹ, người bà luôn tâm niệm phải truyền lại cho con cháu mình.

Nghệ nhân Phạm Thị Đang (58 tuổi) kể, khi làng Teng chưa có điện, các cô gái trong làng thường hay tập trung đến nhà của các mí (mẹ) Thiêu, Bé, Tú để học nghề. Họ se chỉ, kéo sợi dệt những tấm thổ cẩm để địu con lên rẫy; dệt những chiếc khố, túi để cho trai tráng đựng nỏ, cung tên, hay chiếc khăn choàng đầu để ra đồng. Vào mùa lạnh, họ dệt áo, khăn ấm. Những ngày Tết đến gần, dù giàu hay nghèo các gia đình đều phải may thổ cẩm mới.

Nghề dệt thổ cẩm không chỉ giúp phụ nữ làng Teng có thu nhập, mà còn là cánh cửa để làng Teng giao lưu với bên ngoài. 10 năm trở lại đây, thổ cẩm làng Teng không chỉ được người Hrê đặt hàng mà còn được nhiều người Kinh tìm đến hỏi mua vải.

Nhiều bạn trẻ 8x, 9x đi học đại học, cao đẳng cũng về làng nối nghề. Họ thổi luồng gió mới vào làng Teng, giúp sản phẩm bán chạy hơn và tạo công việc cho gia đình bằng cách quảng bá trên Facebook. Nhà ở đầu làng Teng, Phạm Thị Sung (26 tuổi) mở cửa hàng nhỏ, vừa bán thổ cẩm vừa trưng bày những đồ vật của người Hrê như nỏ, cung, bộ nhạc cụ cồng chiêng. Sung là cựu sinh viên ngành Công tác xã hội ở Đại học Quảng Nam, sau khi tốt nghiệp, cô mở một cửa hàng tạp hóa rồi mở thêm cửa hàng thổ cẩm khoảng 20m2 này.

“Dệt thổ cẩm với em vừa là sở thích, vừa là mong muốn duy trì được nghề truyền thống của gia đình và làng Teng”, Sung nói. Cô đã ấp ủ ba năm để lên ý tưởng và mở cửa hàng này. Sung chia sẻ, hiện những người trẻ như cô phải cải tiến thổ cẩm phù hợp xu thế như váy, áo hai dây, đầm xẻ... từ thổ cẩm để đáp ứng yêu cầu thị trường. Nếu tranh thủ dệt thêm ban đêm, thu nhập của một nghệ nhân dệt thổ cẩm khoảng 5 - 6 triệu đồng mỗi tháng.

Cô gái Phạm Thị Hoa, 28 tuổi, tốt nghiệp Trung cấp Y, cũng về làng dệt vải. Hoa cho biết, những năm gần đây, các trường THCS và phổ thông trong huyện yêu cầu học sinh phải mặc trang phục truyền thống một số ngày trong tuần, nhờ đó mà phụ nữ làng Teng có thêm việc làm. “Tôi tranh thủ thức đêm dệt để có thêm thu nhập nuôi con nhỏ”, Hoa tâm sự.

Công việc dệt vải khá vất vả nhưng các cô gái trẻ đều rất hào hứng vì thổ cẩm làng Teng được đón nhận.

Để tạo không khí đoàn kết và giữ nghề, Huyện đoàn Ba Tơ đã tổ chức hội thi dệt cho khoảng 10 chị em trẻ trong làng, ban giám khảo là các cụ già thành thục nghề để tôn vinh những nỗ lực của người trẻ trong hành trình giữ gìn và phát triển nghề thổ cẩm của người Hrê.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Giang Nam cho biết, làng Teng đã thành lập tổ dệt, gồm 5 người để chia sẻ kinh nghiệm dệt, liên kết làm sản phẩm cho khách hàng. Nhờ đó, ngày càng nhiều phụ nữ làng Teng biết dệt, hiện đã có 70 hộ Hrê làm nghề dệt thổ cẩm.

Cuối tháng 9/2019, nghề dệt làng Teng đã đón nhận Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Phụ nữ ở đây nói với nhau, lễ cúng Giàng năm nay chắc chắn sẽ to hơn mọi năm. Họ sẽ cầu nguyện Giàng và ông bà tổ tiên để nghề dệt được lưu truyền, mang lại ấm no, sung túc cho con cháu.

Tin cùng chuyên mục