Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Gặp những cụ ông hơn 100 tuổi vẫn làm rẫy và…cưới vợ lần ba

Phạm Việt Thắng - 17:16, 24/03/2021

Mường Lống (Kỳ Sơn – Nghệ An), nơi có địa danh Cổng Trời với bao nhiêu câu chuyện kỳ thú. Không ít người đến với Mường Lống để rồi “lạc lối” ở Cổng Trời. Và, một trong những câu chuyện lí thú ấy là có những cụ ông sống trên 100 tuổi, vẫn chăn bò, làm rẫy và… cưới vợ lần thứ 3.

Cụ Xồng Gà Vừ luôn cười tươi, nói chuyện rất hóm hỉnh
Cụ Xồng Già Vừ luôn cười tươi, nói chuyện rất hóm hỉnh

“Đến Mường Lống, mọi người nên chuẩn bị quần áo cho cả 4 mùa nhé”. Đó là lời dặn dò của một anh giáo viên có thời gian công tác ở Cổng Trời hơn 10 năm. 

Đúng thật, Mường Lống chẳng khác gì Đà Lạt. Mới nắng đó mà mây đã bất chợt giăng kín lối đi. Trưa đang chang chang, mà tối đã lạnh ngắt. Bởi thế mà ở Mường Lống thức gì cũng có bất kể mùa nào, nhất là rau cải, xanh ngọt quanh năm. 

Ông Và Chá Xà, Chủ tịch xã tỏ ra hãnh diện: “Khí hậu trong lành, thức ăn sạch nên người Mường Lống sống thọ lắm. Tính từ 80 tuổi trở lên, xã ta có hơn 80 cụ”.

93 tuổi vẫn cưới vợ

Đến bản Mường Lống 1, hỏi nhà cụ Xồng Già Vừ, mấy đứa trẻ vừa nhiệt tình bày, vừa tủm tỉm cười. Có lẽ chúng nghĩ mấy cán bộ đi hỏi cụ về bí quyết cho “cái sự khoẻ”. 

Cụ Vừ không có nhà, bà vợ trẻ thì không rời gian bếp, hết đun thêm củi cho nồi rượu, lại chuẩn bị cám cho đàn lợn đang kỳ phổng phao. Bà nói, chờ đi, ông ấy đang đi thăm người bà con ở bản bên.

Trưa, cụ Vừ trở về nhà. Cụ bắt tay chúng tôi chặt lắm, hỏi luôn: Nhà báo à?

Nhà cụ Vừ treo nhiều bằng khen, thư chúc thọ. Tết vừa rồi, cụ đã 101 tuổi, được Chủ tịch tỉnh Nghệ An gửi thư và quà mừng thọ. 

Nhà cụ ngăn nắp, có nhiều phòng ngủ, chỗ tiếp khách rất đàng hoàng. Trong câu chuyện, cụ luôn cười thật tươi, hóm hỉnh. Cụ nói, tôi có 3 đời vợ, 10 đứa con. 

“Mình sống lâu quá, hai bà trước bỏ về trời mất. Thế là phải kiếm thêm bà thứ ba để bầu bạn sớm hôm. Mình cưới bà ấy năm 2013, lúc đó là 93 tuổi. Cưới vợ để bầu bạn tuổi già, chứ tuổi này…”, cụ Vừ hóm hỉnh.

101 tuổi, nhưng cụ còn minh mẫn lắm, ký ức về một thời sôi nổi như những thước phim quay chậm được cụ kể lại rành mạch. Năm 1951, cụ gia nhập lực lượng công an xã Mường Lống. Năm 1957 thì chuyển sang làm Xã đội trưởng. 

“Bấy giờ bọn phỉ hoạt động mạnh lắm, bản làng không được bình yên. Mình phải vừa chiến đấu vừa tham mưu cho cấp trên về phương án truy quét”, cụ Vừ nhớ lại.

Cụ kể, năm 1964 cụ được bầu làm Bí thư kiêm Chủ tịch xã. Trong một lần đi họp, bàn về phương án tác chiến tiêu diệt phỉ, cụ đã bị chúng phục kích. Biết cụ là người có uy tín, lại thông thạo địa bàn nên phỉ tìm mọi cách giết chết. 

Tan họp, trên đường từ xã Huồi Tụ về Mường Lống, cụ bị bao vây, bị trúng đạn. Rất may, bộ đội ta đã kịp thời giải nguy, đồng thời tiêu diệt gọn cả toán phỉ này. 

Sau đó thì cụ lần lượt giữ các chức vụ Chủ tịch UBND và Chủ tịch mặt trận Tổ quốc huyện Kỳ Sơn. Đến năm 1971, cụ được nhà nước cho nghỉ hưu. Nói là nghỉ hưu nhưng cụ vẫn tham gia công tác địa phương và hăng hái lao động sản xuất.

“Đi rừng thì thanh niên còn thua ta xa”, cụ Vừ cười rõ tươi. Ngay cả bây giờ, cụ vẫn chưa  ngơi nghỉ. Cụ nói, còn sức là còn phải lao động, không nên phụ thuộc vào con cái. Tiếng cụ Vừ ấm áp: Ta có rẫy ở gần đây, hàng ngày vẫn cứ làm rẫy, chăn bò; vừa khoẻ lại vừa có tiền.

Cụ Và Bá Giờ vừa chống lại cành mận, vừa kể chuyện làm rẫy, nuôi bò và bí quyết sống lâu, sống khoẻ
Cụ Và Bá Giờ vừa chống lại cành mận, vừa kể chuyện làm rẫy, nuôi bò và bí quyết sống lâu, sống khoẻ

Bí quyết trường thọ

Cách nhà cụ Vừ chừng vài km là rẫy của cụ Và Bá Giờ. Khi chúng tôi đến thì hai ông bà đang ở tít cuối nương, phải mất chừng 20 phút hai cụ mới trở về. 

Hơn cụ Vừ 1 tuổi, nhưng cụ Giờ hãy còn cường tráng lắm, bước chân thoăn thoắt, bắp tay cuồn cuộn. Cụ có 2 đời vợ và những 12 người con. Con trai đầu của cụ cũng đã được hưởng chế độ trợ cấp cho người già trên 80 tuổi.

Vừa chống lại những cành mận chuẩn bị cho mùa quả tới, cụ vừa kể: Ta cũng từng làm Chủ tịch xã Mường Lống 2 khoá. Nghỉ công tác thì làm rẫy, làm nương. Nuôi được 12 đứa con thì phải tích cực lao động thôi. Mấy năm nay, ta còn vỗ béo bò để bán về xuôi. Cứ hết Tết thì mua những còn bò gầy guộc về vỗ béo, cuối năm lại bán cho thương lái đưa về xuôi mổ thịt. 

“Phải làm thôi, làm để đỡ đần cho con cái, và mình cũng khoẻ ra”, cụ Giờ nói như thế. 

Cụ tươi rói, khoe với chúng tôi: Đây là nhà ở rẫy, còn nhà to thì ở bản Trung Tâm. Vợ chồng ta ở với nhau, không ở chung với con cái. Mình phải tự lao động kiếm sống, không làm gánh nặng cho chúng nó. 

Rồi cụ chỉ tay về phía cuối vườn, rằng: “Đấy là khu nuôi bò. Mình phải nuôi nhốt, ngoài cỏ phải cho nó ăn thêm cám thì mới béo được. Cỏ thì cắt trong vườn, cám thì xay ngô ra, tự trồng hết, không phải mua. Mỗi đợt mình nuôi chừng 5 con thôi, già rồi không chăn nhiều được nữa”.

Tôi hỏi cụ về bí quyết sống lâu, sống khoẻ, cụ hồn nhiên: Ăn nhiều rau, ít thịt thôi, nhất là không rượu chè, hút xách. Ngoài ra thì phải siêng năng lao động, thế là khoẻ thôi mà. Bản ta có nhiều người trên 80 tuổi lắm, làm việc nhiều khi thanh niên còn theo không kịp. Đoạn cụ cười, hỏi chúng tôi đã gặp cụ Vừ chưa. “Ông Vừ là khoẻ nhất, giàu nhất đấy; nhà đẹp, vợ trẻ, lại nhiều bò nữa”, cụ Giờ cười sảng khoái. 

Im lặng từ đầu buổi, lúc này cụ bà mới nói một tràng tiếng Mông, chúng tôi không hiểu, cụ ông giải thích: Bà ấy dỗi đấy, ý là ông cũng muốn được như ông Vừ à, đi mà cưới vợ nữa.

Chúng tôi được một trận cười, vang rộn cả khu rẫy…

Tin cùng chuyên mục
Chuyện ở thung lũng nóc Ông Đến

Chuyện ở thung lũng nóc Ông Đến

Nóc Ông Đến là tên người dân gọi thân thương về nơi ở của mình. Còn gọi theo tên hành chính là tổ 4, thuộc thôn 2, xã Trà Giang, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi). Nóc Ông Đến như một một thung lũng nằm biệt lập giữa rừng xanh, nơi đây có 14 nóc nhà, với hơn 60 nhân khẩu là đồng bào Co sinh sống hòa mình với núi rừng.