Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Ghi ở khu tái định cư Đăk Krăk

Đ. Dương - 08:51, 08/06/2022

Sau 7 năm thành lập, khu tái định cư (TĐC), giãn dân làng Đăk Krăk (xã Hòa Bình, TP. Kon Tum) đã có sự thay đổi đáng kể. Không còn hình ảnh về vùng đất khô cằn, hoang sơ ngày nào, mà đã “thay da đổi thịt”, trở thành một khu dân cư xanh, sạch đẹp, cuộc sống người dân đã ổn định và đang có những bước phát triển mới.

Nhà rông làng Đăk Krăk, xã Hòa Bình, TP. Kon Tum được xây dựng khang trang
Nhà rông làng Đăk Krăk, xã Hòa Bình, TP. Kon Tum được xây dựng khang trang

Lập làng mới để phát triển

Làng Đăk Krăk tiền thân là Khu TĐC, giãn dân thuộc thôn 4, xã Hòa Bình được thành lập theo Quyết định số 487/QĐ-UBND (ngày 30/5/2012) của UBND tỉnh Kon Tum, về việc phê duyệt đề án TĐC, giãn dân các làng DTTS nội thành TP. Kon Tum.

Việc giãn dân nhằm tạo điều kiện cho hộ có nơi ở ổn định, có đủ điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giảm nghèo. Thực hiện đề án, bà con đến ở tại làng mới được Nhà nước hỗ trợ 1ha đất (bao gồm đất ở và đất sản xuất). Trong đó, 1000m2 để xây nhà ở, làm vườn, được Nhà nước xây dựng 1 căn nhà 40m2; còn 9.000m2 hỗ trợ giống trồng cây cao su.

Đến tháng 5/2015, Nhân dân các làng nội thành chính thức đưa gia đình, tài sản của mình về nơi ở mới. Ngày 31/1/2016, thực hiện sự chỉ đạo của UBND thành phố, UBND xã Hòa Bình tổ chức Lễ Công bố Quyết định số 1368/QĐ-UBND ngày 29/12/2015 của UBND tỉnh Kon Tum về việc thành lập thôn Đăk Krăk (xã Hòa Bình), với 73 hộ dân (381 nhân khẩu).

Bà Y Nếp, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đăk Krăk cho biết: Ngày ấy, nơi đây chỉ là một mảnh đất khô cằn, bà con về nơi ở mới còn rất khó khăn, chủ yếu đi làm thuê, được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ rất nhiều để bà con ổn định đời sống như cấp phát gạo, cây con giống để hỗ trợ bà con làm ăn. "Là Trưởng thôn, tôi cùng với chính quyền địa phương thường xuyên đi đến từng hộ gia đình, động viên bà con vượt khó khăn trước mắt, bám đất, bám làng.”

Nhờ có sự hỗ trợ, động viên kịp thời của chính quyền, mặt trận, các đoàn thể xã Hòa Bình, cùng với nỗ lực, quyết tâm phấn đấu vươn lên, đến nay làng Đăk Krăk đã có sự phát triển mới, với diện mạo nông thôn khởi sắc, đời sống người dân nâng lên đáng kể.

Hiện nay, tổng số hộ trong thôn đã nâng lên 86 hộ, với hơn 400 nhân khẩu, đặc biệt 73 hộ dân đến ở từ khi lập làng, đều bám làng tới thời điểm hiện tại. Trong sự phát triển của làng, thấy rõ nhất là hệ thống đường giao thông đến làng rất thuận lợi.

“Ngoài tuyến đường từ UBND xã Hòa Bình đi qua thôn 4 đến làng, Nhà nước cũng đã đầu tư bê tông hóa 1 tuyến đường từ làng đi đến phường Trần Hưng Đạo và đang tiếp tục đầu tư 1 tuyến đi về phía xã Chư Hreng; chưa kể tuyến đường tránh phía đông của TP. Kon Tum cũng cách làng chưa đầy 1km. Điều này, tạo điều kiện rất thuận lợi để bà con đi lại, kết nối giao thương với trung tâm nội thị TP. Kon Tum”, bà Y Nếp phấn khởi thông tin.

Đường làng xanh, sạch, đẹp
Đường làng xanh, sạch, đẹp

Đời sống người dân đổi thay

Khi đến với làng Đăk Krăk, dễ dàng nhận thấy sự “thay da đổi thịt” của ngôi làng mới; hầu hết các căn nhà của người dân được bảo vệ bởi những tường rào, cổng ngõ sạch đẹp; vườn nhà cây trái sum suê. Mặc dù kinh tế đa phần vẫn là làm nông, tuy nhiên nếp nghĩ, cách làm thay đổi, thu nhập của bà con ngày càng được nâng lên. Các hộ biết tích góp tiền của để xây dựng, mở rộng nhà cửa, đầu tư mua thêm cây con giống phát triển kinh tế.

Bà Y Nếp nhẩm tính, trong làng đã có hơn 40 hộ đã xây dựng tường rào, cổng ngõ khang trang sạch đẹp. Những căn nhà được Nhà nước xây hỗ trợ, thì nay hầu như nhà nào cũng xây dựng, mái hiên, mái vòm, nới rộng thêm, …

Đưa chúng tôi đến thăm gia đình anh A Hưih, là một điển hình trong thôn về phát triển kinh tế giỏi. Khi mới về định cư ở làng mới, vợ chồng A Hưih cũng được cấp 1 ha đất bao gồm đất ở, đất sản xuất. Ngoài đi làm thuê để duy trì cuộc sống tại nơi ở mới, vợ chồng A Hưih luôn suy nghĩ, tìm cách để kiếm thêm nguồn thu nhập, bằng phương pháp “đa cây, đa con” vì vậy đến nay, thu nhập của vợ chồng anh tương đối ổn định.

Trên khoảng 1.000m2 đất vườn vợ chồng A Hưih đã mạnh trồng khoảng 40 cây mít thái đã có thu được 3 năm nay, xen kẽ với đó gia đình nuôi thêm khoảng 200 con gà thả vườn, và duy trì đàn bò trong nhà từ 4-5 con.

A Hưih chăm sóc đàn bò của gia đình
A Hưih chăm sóc đàn bò của gia đình

Anh A Hưih cho biết, mỗi năm từ nhiều nguồn thu, gia đình cũng ổn định ở mức 100 triệu đồng. “Năm nay, dự tính con số này sẽ tăng lên, vì từ tháng 4/2022 gia đình tôi bắt đầu khai thác mủ cao su (9 sào) nữa đó. Vì mới đưa vào khai thác mủ, nên hiện nay chỉ khai thác 2 lần/tuần, bán cũng được 400 đến 700 ngàn/lần khai thác tùy thuộc vào giá thị trường"

Ngoài ý thức tự chủ, nỗ lực vươn lên của mỗi gia đình, chính quyền xã Hòa Bình cũng luôn quan tâm khuyến khích, vận động các gia đình đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế; có chính sách hỗ trợ những hộ nghèo thiếu điều kiện phát triển kinh tế. Đơn cử như, để giúp 2 hộ Y Bing và Y Đian thoát nghèo, xã Hòa Bình đã hỗ trợ thêm mỗi hộ 2 con heo giống để chăn nuôi, nhằm tạo thêm thu nhập cho các gia đình thoát nghèo bền vững. 

Cùng với phát triển kinh tế, bà con trong thôn đặc biệt chú ý xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Để bảo tồn bản sắc văn hóa và có chỗ để bà con hội họp, sinh hoạt, cuối năm 2018, xã Hòa Bình đã xây dựng nhà rông văn hóa và hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2019. Từ sự quan tâm của chính quyền, nỗ lực của người dân, năm nay, làng Đăk Krăk đang quyết tâm giảm được 16/22 hộ nghèo. 

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.