Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Gia Lai: Cảnh báo trẻ em vùng DTTS ngộ độc do ăn thịt cóc

Ngọc Thu - 06:02, 22/01/2024

Thời gian gần đây, những vụ ngộ độc, tử vong do ăn thịt cóc liên tiếp xảy ra trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Trong đó, nạn nhân chủ yếu là trẻ em vùng DTTS, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

2 cháu Đinh Th. và Đinh Ng. (huyện Chư Pưh) bị ngộ độc thịt cóc được theo dõi và điều trị tại Khoa Hồi sức Cấp cứu (Trung tâm Y tế huyện Chư Sê) vào ngày 7/4/2023
2 cháu Đinh Th. và Đinh Ng. (huyện Chư Pưh) bị ngộ độc thịt cóc được theo dõi và điều trị tại Khoa Hồi sức Cấp cứu (Trung tâm Y tế huyện Chư Sê) vào ngày 7/4/2023

Mới đây, tại xã Ia Pal (huyện Chư Sê), trong lúc bố mẹ đi làm vắng nhà, 3 chị em ở thôn Tào Roong, tự bắt cóc làm thịt để ăn. Hậu quả, 2 cháu tử vong, 1 cháu đang nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi Gia Lai.

Cụ thể, vào sáng 11/1, sau khi cha bắt cóc mang về để trong xô rồi đi làm tiếp, em S.N (SN 2013, thôn Tào Roong, xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đã chế biến thịt và trứng cóc cho 2 em ăn là S.H (SN 2020) và S.T (SN 2018). Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, người nhà phát hiện 3 trẻ nằm bất động trên nền nhà, tiểu tiện không tự chủ, nên đã đưa vào Trung tâm Y tế huyện Chư Sê.

Lúc vào viện 12 giờ cùng ngày, em S.N đã trong tình trạng ngừng tuần hoàn, ngừng hô hấp. Sau 30 phút hồi sức tích cực, tình trạng bệnh nhân không cải thiện, bệnh nhân tử vong và được bác sĩ chẩn đoán: Ngừng tuần hoàn, ngừng hô hấp ngoại viện do ngộ độc ăn thịt cóc. Bác sĩ đã giải thích tình trạng cho người nhà và người nhà xin đưa về. 2 em còn lại là S.H và S.T. Em S.H tử vong trước khi đến bệnh viện. Còn em S.T hiện được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc của Bệnh viện Nhi Gia Lai.

Gia đình của 1 trẻ bị ngộ độc, 2 trẻ tử vong do ăn thịt cóc (huyện Chư Sê) có hoàn cảnh khó khăn
Gia đình của 1 trẻ bị ngộ độc, 2 trẻ tử vong do ăn thịt cóc (huyện Chư Sê) có hoàn cảnh khó khăn

Nghe tin dữ, nhiều người dân trong thôn đã tập trung hỗ trợ gia đình lo hậu sự cho 2 cháu. Ông Siu Đôn, Trưởng thôn Tào Roong tâm sự: Vợ chồng chị Siu Hlen rất chịu khó làm ăn, trong thôn ai cũng quý mến. Vì nhà nghèo, muốn kiếm chút tiền để sắm sửa Tết nên chị Hle đi làm xa nên mới xảy ra việc như vậy. Sau khi nhận thông tin gia đình gặp nạn, chúng tôi đã kêu gọi các đoàn thể trong thôn đến để hỗ trợ, đồng thời kêu gọi bà con trong và ngoài thôn ai có gì góp nấy để gia đình lo hậu sự cho 2 cháu. Nhìn cảnh gia đình mất đi 2 người con thơ dại, chúng tôi ai cũng đau lòng.

Ông Võ Phi Sơn Vũ, Chủ tịch UBND xã Ia Pal, cho biết: “Nhận được thông tin từ trưởng thôn báo lên, ngay lập tức lãnh đạo xã đã cử cán bộ xuống nhà để nắm bắt thông tin, chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể cử người xuống cùng hỗ trợ cho gia đình; đồng thời cũng có báo cáo lên UBND huyện. Đồng thời, lãnh đạo xã, huyện cũng đến thăm hỏi, động viên cho gia đình sớm vượt qua đau thương, mất mát quá lớn này. Các cháu còn quá nhỏ nên nhận thức chưa tới nên đã xảy ra sự việc đáng tiếc. Chúng tôi cũng cảnh báo bà con trong thôn Tào Roong nói riêng và người dân trên địa bàn xã Ia Pal nói chung hết sức thận trọng trong việc làm thịt cóc để ăn nhằm hạn chế trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra”.

Trước đó, tỉnh Gia Lai ghi nhận 8 trường hợp ngộ độc, 2 trường hợp tử vong do ăn thịt cóc. Vụ thứ nhất xảy ra vào ngày 22/1/2023 tại làng Kret Krot (xã Hà Ra, huyện Mang Yang) với 4 người ăn, trong đó có 1 người tử vong. Vụ thứ 2 xảy ra vào ngày 7/4/2023 tại làng Ia Sâm (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) với 3 người ăn, trong đó có 1 người tử vong. Ngày 11/10/2023, xảy ra 3 ca ngộ độc trứng cóc tại làng Tai Pêr (xã Ia Hla, huyện Chư Pưh). Tất cả đều xảy ra tại vùng DTTS, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Thịt cóc là một trong những loại thực phẩm rất dễ gây ngộ độc và có thể dẫn đến tử vong nếu như không được chế biến đúng cách. Dù đã được khuyến cáo nhiều lần nhưng một số nơi, trong đó có vùng đồng bào DTTS vẫn còn tình trạng sử dụng thịt cóc làm thức ăn. Để phòng ngộ độc thịt cóc thì an toàn nhất là người dân không ăn thịt cóc. Nếu lỡ ăn và phát hiện có dấu hiệu ngộ độc thì cần xử lí bằng cách chủ động gây nôn và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

 Ngành y tế Gia Lai tích cực tuyên truyền người dân vùng DTTS về phòng ngừa ngộ độc thịt cóc
Ngành y tế Gia Lai tích cực tuyên truyền người dân vùng DTTS về phòng ngừa ngộ độc thịt cóc

Trước thực trạng xảy ra các vụ ngộ độc dẫn đến tử vong do ăn thịt cóc, ngành Y tế tỉnh khuyến cáo người dân không nên tự ý làm thịt cóc để ăn. Bởi, chính những sơ suất trong quá trình chế biến thịt cóc có thể trả giá rất đắt, nhẹ thì ngộ độc nặng thì có thể dẫn đến tử vong.

Bà Nguyễn Ngọc Thanh Trang, Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Gia Lai cho biết: Chất độc trong cóc là hợp chất bufotoxin có ở nhựa cóc (tiết ở tuyến sau tai, tuyến trên mắt và các tuyến trên da) và nội tạng gan, trứng. Trong nhựa cóc và nội tạng gan, trứng chứa lượng độc tố rất cao. Độc tố trong cóc không bị nhiệt phân hủy. Chỉ phần thịt cóc (cơ cóc) không có chất độc.

Trung bình 1 - 2 giờ sau khi ăn thịt cóc bị nhiễm độc tố, người bị ngộ độc sẽ có triệu chứng buồn nôn, nôn ói, chướng bụng trên và đau bụng, hồi hộp, tim đập nhanh sau đó rối loạn nhịp tim, rung thất, trụy tim mạch, huyết áp lúc đầu cao sau đó tụt thấp. Trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể bị ảo giác, tứ chi tê dại, đổ mồ hôi, có thể khó thở, ngừng thở, ngừng tim và dẫn đến tử vong nếu không phát hiện cấp cứu kịp thời.

Bà Nguyễn Ngọc Thanh Trang khuyến cáo: “Nguyên nhân dẫn đến ngộ độc là do thiếu hiểu biết về tác hại của cóc nên ăn cả da, gan và trứng cóc; không biết cách chế biến để loại bỏ hết da, nội tạng cóc, làm cho độc tố lẫn vào thịt cóc nên khi ăn bị nhiễm độc tố gây ngộ độc. Cách xử lí khi phát hiện có dấu hiệu ngộ độc là gây nôn chủ động và đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Để phòng ngộ độc thịt cóc thì an toàn nhất vẫn là không ăn thịt cóc”.

Tin cùng chuyên mục
“Giữ chân” người bảo vệ rừng bằng cơ chế đặc thù

“Giữ chân” người bảo vệ rừng bằng cơ chế đặc thù

Việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp là một trong những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ, phát triển rừng. Tại kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Lào Cai khóa XVI ngày 22/8/2024 đã thông qua Nghị quyết số 14/2024/NQ-HĐND (NQ14) về mức cấp kinh phí, đầu tư, hỗ trợ đầu tư, khoán bảo vệ rừng; hỗ trợ tiền ăn cho người tham gia chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Trong đó, ban hành mức cấp kinh phí khoán bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh đối với các loại rừng với mức hỗ trợ đều tăng so với trước đây.