Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gia Lai: Nỗ lực giảm nghèo vùng đặc biệt khó khăn

Thùy Dung - 09:39, 04/08/2020

Nhiều năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Gia Lai đã huy động tối đa các nguồn lực nhằm giúp người dân tại các vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK), vùng đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo, nâng cao chất lượng đời sống.

Người dân ở làng Kon Sơ Lăl, xã Hà Tây, huyện Chư Păh phơi nông sản.
Người dân ở làng Kon Sơ Lăl, xã Hà Tây, huyện Chư Păh phơi nông sản.

Còn nhiều làng nghèo

Kon Sơ Lăl là làng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất xã Hà Tây (huyện Chư Păh). Làng có 119/126 hộ đồng bào DTTS, chiếm hơn 90% dân số. Theo báo cáo rà soát tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2019 của UBND xã, toàn làng hiện còn 34 hộ nghèo (100% là đồng bào DTTS), chiếm 27%.

Cùng chúng tôi về thăm gia đình chị Djưuh (làng Kon Sơ Lăl), Trưởng thôn Khyơn cho biết: Nhà Djưuh thuộc hộ nghèo đặc biệt của làng Kon Sơ Lăl vì ít đất làm ăn, gia đình lại đông con. Chị Djưuh năm nay 39 tuổi nhưng đã 7 lần vượt cạn, đứa nhỏ nhất mới 3 tháng tuổi.

Căn nhà Djưuh đang ở là được Nhà nước hỗ trợ xây dựng theo Chương trình 134 đã xuống cấp, trong nhà không có vật dụng nào có giá trị. Đứa con thứ 5 đen nhẻm, năm nay tròn 9 tuổi, làm nhiệm vụ thay mẹ chăm em. “Nhà mình có 3 sào lúa thôi. Hiện nay chồng mình lên rẫy, còn mình ở nhà chăm con vì nó còn nhỏ quá. Ngoài 3 sào lúa mình không trồng thêm cây gì cả vì không có tiền mua giống, mua đất canh tác. Ở đây cũng chẳng ai thuê đi làm nên không lên rẫy thì ở nhà thôi”, chị Djưuh cho biết.

Tương tự, làng Đê Bơ Tưk của xã Đăk Jơ Ta cũng là một làng nghèo, làng đặc biệt khó khăn của huyện Mang Yang. Toàn xã Đăk Jơ Ta có 692 hộ, trong đó có 198 hộ nghèo, chiếm 61%, chủ yếu ở làng Đê Bơ Tưk và làng Pông Pim (xã Đăk Jơ Ta). Đời sống Nhân dân nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhưng do đất đai bạc màu, đầu tư kém, không áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi nên hiệu quả thấp. Đồng thời, đời sống người dân chưa phát triển vì còn ỷ lại và trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Nỗ lực vươn lên

Để giúp người dân vươn lên thoát nghèo, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều chương trình, dự án, các chính sách hỗ trợ người nghèo, giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo.

Tại xã Đăk Jơ Ta, từ năm 2014 - 2019 các chương trình, chính sách nhằm phát triển kinh tế cho làng Đê Bơ Tưk được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm hơn. Theo đó, dân làng được thụ hưởng đầy đủ các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chính sách dân tộc và chính sách an sinh xã hội. Chương trình 168, 135, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đã cấp bò giống, phân bón, lúa giống… cho các hộ nghèo. Từ đầu năm 2020, UBND huyện Mang Yang đã triển khai Đề án phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững làng Đê Bơ Tưk, xã Đăk Jơ Ta (giai đoạn 2020 - 2022).

Tại huyện Chư Pưh, công tác giảm nghèo, nhất là vùng đồng bào DTTS luôn được huyện quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo nói chung, hộ nghèo DTTS nói riêng đã giảm đáng kể. Tính đến hết năm 2019, huyện Chư Pưh còn 1.155 hộ nghèo, chiếm 6,8%, giảm 512 hộ so với cuối năm 2018. Trong đó, có 981 hộ nghèo người DTTS, chiếm 85% hộ nghèo toàn huyện.

Ông Rơ Lan Lân, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục huy động mọi nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, hướng đến đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là người DTTS; tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở các xã đặc biệt khó khăn. Giảm khoảng cách về thu nhập và mức sống giữa các vùng, các nhóm dân cư. Không ngừng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo.

Tin cùng chuyên mục
Kiên Giang: Chính sách dân tộc góp phần bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển

Kiên Giang: Chính sách dân tộc góp phần bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển

Kiên Giang xác định việc thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng. Theo đó, thành quả trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, là “bằng chứng sống, sinh động”, khẳng định chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển.