Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Giảm nghèo bền vững - Nhìn lại một chặng đường: Hạn chế trong đánh giá chỉ số việc làm ( Bài 3 )

Sỹ Hào - 21:44, 14/07/2020

Việc làm là yếu tố “đầu vào” quan trọng nhất để đánh giá thu nhập, từ đó xác định chính xác hộ nghèo hay không nghèo. Nhưng hiện nay chỉ số “việc làm” trong rà soát hộ nghèo vẫn còn những hạn chế, thậm chí chưa chính xác.

Việc làm của LĐ người DTTS chủ yếu là giản đơn, rất khó tính thu nhập bình quân hằng tháng. (Ảnh minh họa)
Việc làm của LĐ người DTTS chủ yếu là giản đơn, rất khó tính thu nhập bình quân hằng tháng. (Ảnh minh họa)


“Vênh” giữa việc làm và thu nhập

Trong số báo 1638, ra ngày 10/7, Báo Dân tộc và Phát triển đã phản ánh, việc tính thu nhập bình quân trong điều tra, rà soát hộ nghèo là không hề dễ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự “vênh” nhau về số liệu khi xác định thu nhập bình quân để xác định hộ nghèo.

Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê (TCTK), thu nhập bình quân của lao động (LĐ) được tính bằng doanh thu từ việc làm của LĐ. Nhưng doanh thu chưa được trừ đi các chi phí sinh hoạt nên không đánh giá được thu nhập thực tế của LĐ. Đó là chưa kể, hiện số LĐ làm công việc giản đơn, không có trình độ chuyên môn kỹ thuật vẫn còn chiếm tỷ lệ 76% tổng số LĐ có VL (riêng LĐ người DTTS tỷ lệ này là 89,7%). VL giản đơn (sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, buôn bán hàng rong…) vốn là những công việc rất khó thống kê được TN bình quân.

Còn với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), trong Bộ Công cụ để ước tính thu nhập (gồm 14 chỉ số) cũng có đề cập đến những chỉ số về việc làm để tạo thu nhập, nhưng số điểm chấm rất thấp. Đơn cử, chỉ số “Công chức, viên chức trong cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước” chỉ được chấm 10 điểm. Còn chỉ số “Có bằng trung cấp nghề hoặc trung học chuyên nghiệp” (tức là LĐ đã có bằng cấp, chứng chỉ nghề) được chấm 0 điểm nhưng cũng đưa vào thành 1 chỉ số!

Theo Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTB&XH thì hộ nghèo về thu nhập là hộ có tổng điểm từ 120 điểm trở xuống. Vì thế, có không ít hộ có LĐ làm công, ăn lương, thậm chí là công chức, viên chức, LĐ có bằng cấp, chứng chỉ nghề… nhưng điểm chấm thấp nên vẫn dễ trở thành hộ nghèo.

Còn những chỉ số về tài sản (ti vi, tủ lạnh…), lại được chấm điểm rất cao (20 điểm/chỉ số) nên nhiều hộ có thành viên không có việc làm, thu nhập bấp bênh nhưng “lỡ” có các tài sản này thì khó trở thành hộ nghèo.

Giảm nghèo gặp khó

Theo số liệu của Bộ LĐTB&XH, trong 3 năm (2016 - 2018), bình quân tỷ lệ hộ nghèo của cả nước giảm 1,53%/năm. Năm 2019, dự kiến cả nước chỉ giảm được khoảng 1,3% hộ nghèo so với năm 2018.

Kết quả giảm nghèo dự báo sẽ tiếp tục đà đi xuống trong năm 2020 do những tác động nặng nề của thiên tai, dịch bệnh (hạn hán, xâm nhập mặn, dịch tả lợn châu Phi, đại dịch Covid-19). Những thông số về LĐ, việc làm 6 tháng đầu năm 2020 vừa được TCTK công bố cũng đã phần nào cho thấy công tác giảm nghèo trong năm cuối của giai đoạn 2016 - 2020 sẽ gặp nhiều trở ngại.

Cụ thể, theo TCTK, 6 tháng đầu năm 2020, cả nước có 53 triệu LĐ từ 15 tuổi trở lên có việc làm, giảm gần 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm 2019. Không có việc làm hoặc phải giãn việc, giảm giờ làm… đã kéo giảm thu nhập bình quân của LĐ. Theo TCTK, thu nhập bình quân trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 5,5 triệu đồng/người/tháng, giảm 106.000 đồng so với cùng kỳ năm 2019.

Theo phương pháp điều tra, rà soát hộ nghèo của Bộ LĐTB&XH, tiêu chí cứng để được công nhận là hộ nghèo là thu nhập của một nhân khẩu trong hộ đó chỉ 700.000 đồng trở xuống với khu vực nông thôn (900.000 đồng trở xuống với khu vực thành thị). Vậy, nếu theo cách tính của TCTK thì với thu nhập bình quân đạt 5,5 triệu đồng/người/tháng như hiện nay thì cả nước chẳng còn hộ nào nghèo về thu nhập (trong khi thực tế cả nước hiện vẫn còn khoảng 1,3 triệu hộ nghèo, trong đó gần 2/3 hộ nghèo về thu nhập).

Vì vậy, để xác định hộ nghèo được chính xác thì những bất cập này cần thiết phải được nghiên cứu sửa đổi. Ngoài ra, để chính sách giảm nghèo thực sự khuyến khích sự vươn lên của người nghèo thì cũng nên xem xét tiêu chí về văn hóa (hoặc đạo đức) khi tiếp nhận chính sách của người nghèo cũng như chính quyền cơ sở.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.