Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Giảm nghèo bền vững - Nhìn lại một chặng đường: Văn hóa và đạo đức trong mục tiêu giảm nghèo (Bài 4)

Sỹ Hào - 11:26, 17/07/2020

Những lá đơn tự nguyện xin thoát nghèo, hay những trường hợp cố tìm cách để trở thành hộ nghèo, là hai khía cạnh trong văn hóa tiếp nhận chính sách hỗ trợ giảm nghèo. Vậy, làm thế nào để khuyến khích ý thức vươn lên của người nghèo, hạn chế tình trạng lợi dụng chính sách là vấn đề cần được quan tâm.

Nguồn lực giảm nghèo góp phần làm thay đổi diện mạo các địa phương miền núi
Nguồn lực giảm nghèo góp phần làm thay đổi diện mạo các địa phương miền núi


Chia sẻ khó khăn

Trong số báo 1639, ra ngày 15/7, Báo Dân tộc và Phát triển đã đề cập đến việc đưa tiêu chí về văn hóa (hoặc đạo đức) trong xây dựng, triển khai chính sách giảm nghèo. Thực tế trong những năm qua, trên cả nước đã có hàng nghìn hộ nghèo tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo, trong đó có rất nhiều hộ DTTS, sinh sống ở những địa bàn đặc biệt khó khăn. 

Như tỉnh Đăk Nông, theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), trong đợt bình xét hộ nghèo cuối năm 2019, toàn tỉnh có tổng số 2.093 hộ dân viết đơn tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo. Trong đó, hai huyện nghèo 30a là Tuy Đức và Đăk G’Long lần lượt có 524 và 618 hộ dân viết đơn xin thoát nghèo.

Gia đình chị H’Lang, sinh năm 1983, dân tộc Mạ, ở bon Phi Mur, thôn 2, xã Quảng Khê (Đăk G’Long) là một ví dụ. Là hộ nghèo nhiều năm, được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất nên gia đình chị đã từng bước ổn định được thu nhập. Tháng 9/2019, chị tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, với lý do đơn giản: “Gia đình tôi đã có nhà, có vườn ổn định canh tác nên nhường lại cho các hộ nghèo hơn”.

Cũng như gia đình chị H’Lang, trong giai đoạn 2016 - 2020, hàng triệu hộ nghèo trên cả nước đã được thụ hưởng các chính sách giảm nghèo của Nhà nước để có đất ở, đất sản xuất, có vốn làm ăn… Từ đó, nhiều hộ nghèo đã ý thức vươn lên để thoát nghèo; thậm chí không ít gia đình dù vẫn còn khó khăn nhưng tự nguyện xin ra khỏi danh sách thụ hưởng, để nhường cho hộ khó khăn hơn.

Tuy nhiên, chính sách giảm nghèo gần như hỗ trợ toàn diện cho hộ nghèo, nên cũng tạo ra tâm lý “thích được nghèo” của một bộ phân người dân và cả chính quyền cơ sở. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng không ít người lợi dụng chức vụ được giao trong quá trình triển khai chính sách giảm nghèo để đưa người thân vào danh sách hộ nghèo để trục lợi. 

Xem xét tiêu chí đạo đức trong giảm nghèo

Giai đoạn 2016 - 2019, ngân sách Trung ương đã bố trí 22.850 tỷ đồng để thực hiện một số chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, hỗ trợ y tế, đào tạo nghề… Năm 2020, ngân sách Trung ương cũng đã bố trí cho Chương trình 10.059 tỷ đồng. Để nguồn lực giảm nghèo thực sự hiệu quả, một trong những giải pháp quan trọng là khuyến khích ý thức tự vươn lên của người nghèo, đồng thời hạn chế tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi. 

Tại một hội thảo khoa học được Bộ LĐTB&XH tổ chức ngày 12/6/2020, ông Nguyễn Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Hòa Bình đề xuất đưa thêm tiêu chí văn hóa hay đạo đức vào Bộ Công cụ đo lường nghèo cho giai đoạn mới. Điều này phải thực hiện ngay ở khâu điều tra, rà soát hộ nghèo. 

Đưa tiêu chí về văn hóa hay đạo đức vào chuẩn nghèo giai đoạn mới là đề xuất hợp lý, nhưng áp dụng như thế nào trong thực tế là không dễ. Bởi văn hóa, hay đạo đức là phạm trù khó định lượng, trong khi chính sách giảm nghèo lại rất cụ thể, rõ ràng. 

Khó nhưng vẫn có thể triển khai trong thực tế, nếu đưa tiêu chí này vào chuẩn nghèo. Bởi với tiêu chí “mềm” này, khi áp dụng ở những xã nông thôn mới sẽ rất thuận lợi. Trong xây dựng nông thôn mới, các chỉ tiêu về gia đình văn hóa, thôn bản văn hóa… hiện vẫn là một trong những thước đo để đánh giá. 

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.