Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Gia Lai: Phòng, chống bệnh dại còn nhiều khó khăn

Ngọc Thu - 06:14, 25/03/2024

Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống bệnh dại, tỉnh Gia Lai vẫn có số ca tử vong do bệnh dại cao nhất cả nước. Hiện nay, các ngành chức năng đang tích cực gỡ khó và triển khai các biện pháp phòng chống quyết liệt nhằm hạn chế và đẩy lùi bệnh dại.

Người dân cần chủ động tiêm phòng dại cho vật nuôi để phòng, chống bệnh dại
Người dân cần chủ động tiêm phòng dại cho vật nuôi để phòng, chống bệnh dại

Số ca tử vong do bệnh dại tăng cao

Tỉnh Gia Lai hiện đang là một điểm nóng, đứng đầu cả nước về số ca tử vong do bệnh dại trong năm 2023 với 14 trường hợp tử vong. Trong đầu năm 2024, Gia Lai tiếp tục ghi nhận 2 ca tử vong vì bệnh dại.

Mới đây, vào ngày 15/3, tỉnh Gia Lai ghi nhận 1 trường hợp tử vong là em R.M.C (nam, SN 2013, làng Lung Prông, xã la Kriêng, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai). Theo lời khai của người nhà, khoảng vào giữa tháng 12/2023, cháu bé bị chó nhà hàng xóm cắn vào cẳng chân, vết thương xước da, có rỉ máu.

Chó thả rông, không rọ mõm gây khó khăn cho công tác phòng, chống bệnh dại
Chó thả rông, không rọ mõm gây khó khăn cho công tác phòng, chống bệnh dại

Sau khi chó cắn, cháu bé được người hàng xóm đưa ra y tế tư nhân để xử trí, rửa vết thương tuy nhiên không tiêm vắc xin phòng dại. Tại thời điểm cắn cháu bé, con chó chưa được tiêm vắc xin phòng dại và sau đó người nhà đã đập chết con chó.

Đến ngày 14/3, cháu bé có biểu hiện sốt, mệt mỏi, chán ăn, sợ nước, sợ gió ở nhà có biểu hiện co rút tay chân được người nhà cho nhập viện. Sau đó, cháu bé đã tử vong. Đây là ca thứ 2 tử vong do bệnh dại trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong năm 2024.

Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Ia Kriêng (huyện Đức Cơ) cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng hơn 600 con chó, hầu hết thả rông vì ý thức người dân, đặc biệt là người đồng bào DTTS về bệnh dại còn hạn chế. Đơn cử, dù chính quyền đã tuyên truyền trên các trang mạng xã hội cũng như phương tiện truyền thông đại chúng nhưng người dân vẫn không thực hiện. Khi bệnh nhân bị chó nhà nuôi cắn nhưng không đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại dẫn đến hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Mặt khác, kinh tế của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn nên khi bị chó cắn cũng không dám bỏ tiền đi tiêm kháng huyết thanh dại. Chính vì vậy mà khi người dân bị chó cắn thì chính quyền cũng không nắm được.

Theo đánh giá của các địa phương, do nguồn ngân sách còn hạn chế nên việc hỗ trợ tiêm phòng vacxin trên đàn cho nuôi đạt thấp, chưa đáp ứng yêu cầu miễn dịch quần thể. Mặt khác, tập quán nuôi chó thả rông của người dân, đặc biệt trong vùng đồng bào DTTS còn phổ biến, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại đạt thấp, nên công tác quản lý, giám sát gặp nhiều khó khăn.

Gỡ khó trong công tác phòng, chống bệnh dại

Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, việc nuôi chó đều có văn bản quy định pháp luật rõ ràng. Thả rông chó sẽ bị xử phạt hiện có trong văn bản quy định nhưng các địa phương đã thực hiện chưa mà kêu khó. Mức độ của chó cắn nguy hiểm như thế nào, quản lý nuôi cho ra sao chúng ta đã làm được chưa? Rõ ràng việc xử lý bệnh dại khi “trên thì đang nóng, dưới thì nguội”. Mặt khác, cần phải nâng cao hơn nữa ý thức người dân, quyết liệt loại trừ bệnh dại trên đàn chó, mèo.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho tỉnh Gia Lai, mới đây, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có buổi làm việc và đã đưa ra nhiều vấn đề cần phân tích về việc phòng chống bệnh dại cho địa phương.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT) kiểm tra phòng, chống bệnh dại tại Gia Lai
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kiểm tra phòng, chống bệnh dại tại Gia Lai

Cụ thể, Chính phủ và các tỉnh đều có văn bản quy định rất đầy đủ trong công tác phòng, chống bệnh dại, nhưng khi đưa xuống địa phương triển khai thực hiện chưa quyết liệt. Ngoài ra, kế hoạch hàng năm mà các địa phương xây dựng chưa đúng thời điểm và sát với thực tế. Chính vì vậy, số liệu báo cáo vẫn không đúng theo quy định của Chính phủ.

Trong khi đó, khó khăn nhất vẫn là thông tin tuyên truyền đến các hộ dân nhằm nâng cao nhận thức về bệnh dại. Việc quản lý đàn chó vẫn là cốt lõi. Hiện chó chủ yếu thả rông nên rất khó kiểm soát. Vì vậy cần phải quản lý đàn chó tốt hơn tại các địa phương. Ngoài ra, Cục Thú y đã đề nghị hỗ trợ vắc xin rất nhiều cho tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, vẫn cần sự đồng hành của người nuôi chó để phủ rộng tiêm vacxin hiệu quả trên đàn vật nuôi. Đặc biệt, cần phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra tử vong do bệnh dại.

Cũng theo ông Long, hiện nay hệ thông thú y cơ sở gần như không có nên khó tham mưa thực hiện phòng, chống bệnh dại. Chính vì vậy, tỉnh Gia Lai cần phải quan tâm phối kết hợp giữa hệ thống thú y và y tế dự phòng để công tác phòng, chống bệnh dại được hiệu quả.

“UBND các xã cần quán triệt với làng, bản để triển khai quyết liệt trong tháng 3,4 về phòng, chống bệnh dại, tạo sự đồng thuận chung tay của người dân trong công tác phòng, chống bệnh dại. Ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng ngành Y tế cần phối hợp chặt chẽ và chia sẻ thông tin cần thiết, cả hệ thống chính trị các cấp, ngành của tỉnh cùng vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng, chống bệnh dại…”, ông Long đề nghị.

Hiện nay, Tây Nguyên nói chúng, Gia Lai nói riêng đang vào thời điểm nắng nóng, là thời điểm dễ bùng phát một số bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh dại.

Để bệnh dại không còn là nỗi lo, bên cạnh trách nhiệm các ngành chức năng, người dân cần chấp hành nghiêm quy định về nuôi thả chó, mèo. Đồng thời, xóa bỏ những lầm tưởng, chủ quan về bệnh dại và vắc xin ngừa dại, để từ đó chủ động bảo vệ bản thân trước căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này. 

Theo báo cáo từ Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, cả nước có 82 người chết vì bệnh dại, gần 700.000 người bị chó mèo cắn phải tiêm phòng, tổn thất kinh tế gần 1.000 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, toàn quốc ghi nhận 27 ca tử vong do bệnh dại, 100.000 người bị chó cắn phải điều trị dự phòng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023.