Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Gia Lai: Báo động tử vong do bệnh dại

Ngọc Thu - 11:37, 01/04/2023

Trong những năm gần đây, Gia Lai có số ca tử vong do bệnh dại thuộc tốp đầu cả nước và đứng đầu khu vực Tây Nguyên. Hiện nay, thời tiết ở Gia Lai đã bắt đầu bước vào mùa nắng nóng, đây là một trong những điều kiện thuận lợi phát sinh bệnh dại ở chó, mèo; đồng thời nguy cơ gia tăng bệnh dại ở người dẫn đến tử vong nếu người dân vẫn còn tâm lý chủ quan.

Nhân viên y tế tăng cường tuyên truyền đến người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại. Ảnh: N.N
Nhân viên y tế tăng cường tuyên truyền đến người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại. Ảnh: N.N

Tỷ lệ tử vong do bệnh dại cao

Theo tổng hợp của ngành Y tế tỉnh Gia Lai, mỗi năm, có 3 - 4 trường hợp mắc bệnh dại, 100% ca mắc đều tử vong. Giai đoạn 2015 - 2022, Gia Lai ghi nhận 33 trường hợp tử vong do bệnh dại. Riêng năm 2022, có 5 ca tử vong do bệnh dại và từ đầu năm 2023 đến nay ghi nhận 3 trường hợp tử vong do bệnh này. 

Riêng tại huyện Chư Sê, trong 5 năm gần đây đã ghi nhận 8 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh dại đứng đầu các địa phương trong tỉnh. Đầu tháng 3 vừa qua 1 trường hợp tử vong ghi nhận tại làng Hố Lâm (xã Chư Pơng).

Theo xác định của cơ quan chức năng, nạn nhân bị chó nuôi trong nhà cắn, vì chủ quan và nghĩ rằng không ảnh hưởng đến sức khỏe nên không tiêm vắc xin phòng dại. Sau 3 tháng ủ bệnh, nạn nhân phát bệnh và tử vong. Con trai của nạn nhân cũng được xác định bị chó nhà cắn, không được tiêm phòng bệnh dại, hiện cháu được theo dõi, điều trị tích cực tại cơ sở y tế. 2 con chó nuôi tại nhà nạn nhân cũng được xác định đã chết.

Với nguy cơ bệnh dại bùng phát trong vật nuôi tại cộng đồng vào mùa nắng nóng, năm nay, các cấp chính quyền tại huyện Chư Sê đã chủ động phối hợp với chính quyền xã, thôn triển khai công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức rộng rãi đến người dân để phòng, tránh nguy cơ mắc bệnh dại ở người trong thời gian tới.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Chư Pơng ông Phạm Ngọc Hưng, cho biết: Sau khi ghi nhận ca tử vong do bệnh dại trên địa bàn, Ban Chỉ đạo phòng - chống bệnh truyền nhiễm trên người của xã đã tổ chức họp, phân công các thành viên phối hợp với làng Hố Lâm tuyên truyền về nguy cơ tử vong do bệnh dại vào và nhắc nhở người dân chủ động đến cơ sở y tế tiêm phòng khi bị chó, mèo cắn.

Cũng theo Chủ tịch xã Chư Pơng, người dân còn chủ quan trong công tác phòng - chống bệnh dại, không tiêm phòng dại cho chó, mèo và vẫn còn nuôi thả rông. Sau khi bị chó, mèo cắn không khai báo, không tiêm vắc xin phòng dại gây khó khăn trong công tác phòng - chống bệnh dại hiện nay. Xã đã kiến nghị UBND huyện hỗ trợ vắc xin để tiêm cho đàn chó, mèo trên địa bàn xã.

Theo thống kê, trên địa bàn toàn tỉnh Gia Lai hiện có trên 200.000 con chó mèo đang được nuôi tại các hộ gia đình, tỉ lệ tiêm phòng bệnh dại trên động vật này chiếm tỉ lệ chưa đến 10%. Riêng tại huyện Chư Sê có khoảng 1.500 chó, mèo. Phần lớn các động vật đều chưa được tiêm phòng bệnh dại theo quy định.

Toàn tỉnh Gia Lai hiện có trên 200.000 con chó mèo, tỉ lệ tiêm phòng bệnh dại trên động vật này chiếm tỉ lệ chưa đến 10% và hầu hết chó đều thả rông
Toàn tỉnh Gia Lai hiện có trên 200.000 con chó mèo, tỉ lệ tiêm phòng bệnh dại trên động vật này chiếm tỉ lệ chưa đến 10% và hầu hết chó đều thả rông

“Chúng tôi sẽ tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng về tính chất nguy hiểm của bệnh dại đối với con người. Đồng thời, phối hợp với ngành Thú y tiêm vắc xin phòng dại đầy đủ cho chó, mèo và tiêm nhắc lại hàng năm. Bên cạnh trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng thì rất cần sự chung tay vào cuộc của mỗi cá nhân, gia đình trong công tác phòng-chống bệnh dại”, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chư Sê Trương Minh Cẩn nói.

Tăng cường phòng, chống bệnh dại

Theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai, do diễn biến thất thường của thời tiết và đặc điểm dịch tễ, bệnh dại trên địa bàn tỉnh sẽ còn diễn biến phức tạp, nguy cơ ghi nhận các trường hợp tử vong là rất lớn.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nguyễn Văn Đồng cho biết: Hiện nay, số người có nguy cơ cao bị phơi nhiễm với vi rút dại trên địa bàn tỉnh đa số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS - nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, không tiêm vắc xin phòng bệnh dại sau khi bị động vật cắn. Tỷ lệ tiêm phòng vắc xin trên động vật nuôi còn thấp cùng với tập quán nuôi chó thả rông khó kiểm soát là điều kiện thuận lợi cho bệnh dại bùng phát tại địa phương. Trong khi đó, kinh phí dành cho đào tạo, tập huấn, mua vắc xin hỗ trợ tiêm phòng cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn... còn rất hạn chế đã ảnh hưởng lớn đến công tác phòng - chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh.

Trước tình hình bệnh dại gây tử vong ở người tại Gia Lai tăng cao và có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới, vừa qua, đoàn công tác của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên và Chi cục Thú y vùng V đã khảo sát tại Gia Lai về công tác phòng - chống bệnh dại.

Theo Tiến sĩ Phạm Ngọc Thanh - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên): Huyện Chư Sê cần đặc biệt giám sát các thôn, xã có ổ dịch cũ và những nơi đang có dịch lưu hành để kịp thời phát hiện, xử lý dịch. Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai cần tăng cường truyền thông phòng - chống bệnh dại; khuyến cáo người dân khi bị chó, mèo cắn cần tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

Về phía tỉnh Gia Lai, ngay sau phát hiện ca bệnh dại xảy ra trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp đã ký, ban hành văn bản gửi các sở, ngành, địa phương nhằm tăng cường công tác phòng - chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố… tập trung tuyên truyền; triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng - chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh; rà soát, bổ sung, xây dựng, phê duyệt kế hoạch, bố trí kinh phí và huy động các nguồn lực để tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch phòng-chống bệnh dại tại địa phương; bố trí kinh phí và vận động người dân chủ động mua vắc xin dại tiêm phòng cho đàn chó, mèo đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 70% tổng đàn thuộc diện tiêm trong năm 2023. Khi có dịch bệnh dại xảy ra, các địa phương tổ chức tiêm phòng khẩn cấp vắc xin dại cho chó, mèo bảo đảm đạt 80% tổng đàn trở lên…

Cùng các nhiệm vụ trên, để ngăn chặn bệnh dại xuất hiện trong cộng đồng và ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân, các địa phương cùng ngành y tế, thú y tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp bị chó, mèo cắn và vận động tiêm vắc xin phòng dại, hỗ trợ kinh phí tiêm vắc xin, huyết thanh kháng dại tại các vùng khó khăn để điều trị dự phòng cho người dân nơi còn nhiều khó khăn.