Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Gia Lâm (Hà Nội): Kết nối cung cầu, tháo gỡ khó khăn cho các sản phẩm OCOP

Doãn Kiên - 22:06, 02/12/2021

Thời gian qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng. Trước khó khăn đó, UBND huyện Gia Lâm (TP. Hà Nội) đã chủ động hỗ trợ và thực hiện nhiều giải pháp kết nối cung cầu, tháo gỡ khó khăn cho các sản phẩm.

Các sản phẩm nông sản đạt OCOP xã Văn Đức, huyện Gia Lâm được người tiêu dùng ưa chuộng.
Các sản phẩm nông sản đạt OCOP xã Văn Đức, huyện Gia Lâm được người tiêu dùng ưa chuộng.

Đa dạng sản phẩm 

Từ lâu huyện Gia Lâm đã trở thành vùng đất chuyên canh sản xuất rau, quả cũng như các sản phẩm nông sản cung cấp cho thị trường trung tâm TP. Hà Nội, các tỉnh lân cận và một phần xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài; với tổng diện tích đất canh tác lên đến 2.248 ha, trong đó diện tích cây ăn quả 1.682 ha, diện tích sản xuất rau 565 ha.

Huyện có tổng diện tích được cấp giấy chứng nhận vùng sản xuất rau, quả đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là 1.688 ha (chiếm 75% diện tích sản xuất); diện tích được cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP là 273 ha (chiếm 12% diện tích đất sản xuất). Bên cạnh đó, huyện cũng đã ứng dụng 10 ha sản xuất rau, quả theo hướng hữu cơ; Bảo hộ nhãn hiệu tập thể đối với 13 sản phẩm trồng trọt; Ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm QR-code cho 14 sản phẩm rau, quả tại 14 xã trên hệ thống https: hn.check.net.vn.

Đặc sản ổi găng Đông Dư (Gia Lam)
Đặc sản ổi găng Đông Dư (Gia Lâm)

Bình quân hằng năm huyện Gia Lâm đưa ra thị trường 69.000 tấn rau và 65.000 tấn quả; một số sản phẩm đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể và có thương hiệu trên thị trường như: ổi Đông Dư, cam Báo đáp, chuối Kim Sơn;…đặc biệt, sản phẩm rau Văn Đức và Đặng Xá đã xuất khẩu được sang thị trường khó tính như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản; bình quân mỗi năm xuất được 800 - 1.000 tấn. 

Hiện trên địa bàn huyện Gia Lâm đã có 49 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 8 sản phẩm 3 sao, 36 sản phẩm 4 sao, 5 sản phẩm 5 sao và rất nhiều sản phẩm được chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP.

Bà Đặng Thị Hiền ở thôn Trung Quan (xã Văn Đức) cho biết: Gia đình tôi có 2 sản phẩm là bắp cải và cải thảo đạt OCOP 4 sao, tiêu thụ ổn định, cho doanh thu 250-270 triệu đồng/mẫu/năm. Dù dịch bệnh khó khăn nhưng nhờ có sự quan tâm của các cấp chính quyền nên sản phẩm nông sản vẫn có đầu ra ổn định; mỗi năm thu hoạch từ 15-17 tấn.

Đẩy mạnh kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm

Mặc dù sản lượng nông sản bình quân hằng năm của huyện đưa ra thị trường khá lớn, nhưng vẫn còn nhiều sản phẩm nông sản của bà con bị tồn đọng, như: nhãn, chuối, cải củ Lệ Chi, mùi tầu, sản phẩm sử dụng làm rau gia vị tươi...

Trước khi đưa vào siêu thị để tiêu thụ, rau VietGAP Đặng Xá được sơ chế và đóng gói cẩn thận. Ảnh: Minh Phúc.
Trước khi đưa vào siêu thị để tiêu thụ, rau VietGAP Đặng Xá được sơ chế và đóng gói cẩn thận. Ảnh: Minh Phúc.

Để kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm cho bà con, huyện Gia Lâm đã đưa ra những giải pháp cụ thể như: Chủ động kiện toàn hệ thống quản lý, điều hành Chương trình OCOP đồng bộ từ cấp huyện đến cấp xã, thị trấn; rà soát, đánh giá các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp để xây dựng cơ sở dữ liệu về các sản phẩm tiêu biểu, làm nền tảng xây dựng các sản phẩm OCOP… 

Đồng thời, huyện đề ra mục tiêu phấn đấu 100% cán bộ quản lý Chương trình OCOP từ cấp huyện đến cấp xã, thị trấn được đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ quản lý, điều hành triển khai trực tiếp Chương trình OCOP; 100% các nhà quản lý của các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ có đăng ký sản xuất, kinh doanh thực hiện Chương trình OCOP được đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh...

Đặc biệt, năm 2021, huyện đã tích cực, chủ động tham gia các diễn đàn trực tuyến Hà Nội trong để kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn, giúp bà con bảo vệ thành quả lao động cũng như đảm bảo ổn định đời sống trong thời gian giãn cách xã hội, tạo đà thúc đẩy sản xuất, ổn định đời sống người dân.

Để Chương trình OCOP được triển khai hiệu quả, trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Gia Lâm sẽ tiếp tục hỗ trợ, tư vấn nâng cấp các sản phẩm để tham gia đánh giá phân hạng, nâng thứ hạng sao đối với sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP năm 2019 - 2020 (gồm 44 sản phẩm 3 sao và 4 sao). Cùng với đó, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh kết nối cung cầu, tháo gỡ khó khăn cho các sản phẩm OCOP dù dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp.


Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.