Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Quan Sơn (Thanh Hóa): Xây dựng chè tán ma của đồng bào Thái thành sản phẩm OCOP

Quỳnh Trâm - 18:02, 27/11/2021

Huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa) đang chú trọng phát triển cây chè tán ma, đưa sản phẩm chè đặc trưng này thành sản phẩm OCOP, đồng thời hình thành các vùng chuyên canh theo hướng mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho người dân.

Quan Sơn hiện có trên 100 ha diện tích trồng chè tán ma
Quan Sơn hiện có trên 100 ha diện tích trồng chè tán ma

"Từ "tán ma" trong tiếng Thái có nghĩa là khách quý đến, có ý nói loại chè dùng để tiếp đón khách quý. Chè tán ma Pha Dua, là sản phẩm truyền thống lâu đời của người Thái huyện Quan Sơn. Chè có màu đỏ vàng, vị ngọt tự nhiên, không hóa chất, có tác dụng tốt cho tim mạch, hệ tiêu hóa. 

Bà Lương Thị Tuyết, hộ trồng chè tán ma cho biết, điều đặc biệt ở chè tán ma là, chè được chế biến hoàn toàn thủ công. Búp chè sau khi hái về, được để héo tự nhiên hoặc phơi trong khoảng 30 phút, sau đó, được vò bằng tay và ủ bằng lá dáy rừng để hút bớt các chất nhựa chát trong chè, trước khi đưa ra phơi khô dưới nắng tự nhiên.

Mặc dù chè tán ma có công dụng rất tốt, những năm trước đây, nhiều diện tích chè không được chăm sóc đã dần mai một. Từ khi triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), người dân đã chuyển sang sản xuất tập trung, quy mô lớn, chú trọng các khâu chế biến cũng như xây dựng thương hiệu sản phẩm. 

Đặc biệt, năm 2019, Hội phụ nữ xã Trung Xuân hỗ trợ thành lập nhóm hộ sản xuất chè tán ma do phụ nữ làm chủ, với 24 thành viên, tổng diện tích 2 ha. Hội Phụ nữ xã thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn các thành viên cách chăm sóc chè để tăng năng suất.

Tuy diện tích chè đang ít, sản lượng cũng chưa nhiều, nhưng kết quả bước đầu trong khôi phục chè tán ma, đang mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế tại xã Trung Xuân, đặc biệt nhiều hộ dân đã có thu nhập khá từ trồng chè tán ma. 

Bà Phạm Thị Cán, Trưởng nhóm sản xuất chè tán ma do phụ nữ làm chủ xã Trung Xuân cho hay: Khác với trước đây các hộ mạnh ai nấy làm, nay các hộ được hỗ trợ tập huấn kiến thức, liên kết cùng nhau phát triển, tiêu thụ sản phẩm. Mỗi tháng, các thành viên trong nhóm chế biến và cung ứng ra thị trường được 80 - 100kg chè tán ma khô, với giá bán 200.000 đồng/kg. 

Theo bà Cán, thời gian tới, để sản phẩm chè tán ma có cơ hội tìm kiếm thị trường, rất mong các cấp ngành quan tâm, hỗ trợ để bà con mở rộng thêm diện tích sản xuất tập trung; liên kết tiêu thụ sản phẩm; xây dựng chè tán ma thành sản phẩm OCOP, có tem, nhãn truy xuất nguồn gốc…

Đồng bào Thái sinh sống ở Quan Sơn
Hiện nay, có nhiều hộ dân tộc Thái đang có thu nhập khá từ chè tán ma

Hiện nay, toàn huyện Quan Sơn có trên 100 ha diện tích trồng chè tán ma, tập trung chủ yếu tại các xã Trung Xuân, Tam Thanh, Sơn Thủy, Trung Thượng… Riêng xã Trung Xuân có trên 35 ha tại bản Phụn, bản Phú Nam. So với các loại cây trồng khác, chè tán ma có nhiều tiềm năng về giá trị kinh tế được nhiều địa phương trong huyện trồng.

Tuy nhiên, theo ông Hà Hoàng Thanh Tâm, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Sơn, việc phát triển vùng nguyên liệu chè tán ma của huyện còn gặp nhiều khó khăn, do chè được trồng rải rác, không tập trung.

“Với dự định đưa chè tán ma trở thành một sản phẩm OCOP trong tương lai, huyện đang  phối hợp cơ quan liên quan từng bước xây dựng, củng cố nâng cấp chất lượng chè tán ma, đồng thời làm tốt công tác quy hoạch, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm…”, ông Tâm cho biết.

Tin cùng chuyên mục
SHB giành cú đúp giải thưởng tại Digital CX Awards 2024

SHB giành cú đúp giải thưởng tại Digital CX Awards 2024

SHB giành cú đúp giải thưởng “Trải nghiệm trên nền tảng số nổi bật nhất – hạng mục Nền tảng quản lý dòng tiền” và “Áp dụng công nghệ tốt nhất cho trải nghiệm số” tại Lễ trao giải Digital CX Awards 2024.