Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Già làng Alăng Bảy với văn hóa Cơ-tu

Tiên Sa - 11:46, 25/03/2020

Cựu chiến binh (CCB) Alăng Bảy năm nay 88 tuổi, trú tại thôn BhHôồng 1, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Ông được đồng bào Cơ-tu ở xã Sông Kôn trìu mến gọi là “Già làng xây dựng đời sống văn hóa”.

CCB Alăng Bảy (thứ hai bên trái) thường xuyên đọc báo cho bà con Cơ-tu nghe
CCB Alăng Bảy (thứ hai bên trái) thường xuyên đọc báo cho bà con Cơ-tu nghe

Alăng Bảy sinh ra trong một gia đình Cơ-tu nghèo khó. Lớn lên trong sự ác liệt của chiến tranh, bao lần chứng kiến quân địch sát hại đồng bào, đốt phá bản làng mình, tình yêu bản làng, yêu núi rừng quê mình âm ỉ cháy trong lòng, để rồi một ngày cuối năm 1958 Alăng Bảy thoát ly theo cách mạng.

Theo cách mạng, Alăng Bảy đã tham gia hàng trăm trận đánh, đã 5 lần bắn rơi máy bay Mỹ chỉ với khẩu súng trường. Với những thành tích nói trên, ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý: 3 năm liền là Chiến sĩ thi đua, 2 lần đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ; 5 Huân chương chiến công 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, 2 Huân chương Chiến sĩ diệt Mỹ, 2 Huân chương chiến thắng và quyết thắng hạng nhất và nhiều bằng khen, giấy khen các loại.

Khi nghỉ hưu, CCB Alăng Bảy vẫn được mọi người tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân, Phó Chủ tịch Hội CCB xã Sông Kôn. Vừa làm công tác đoàn thể địa phương, ông Alăng Bảy vừa cùng vợ (bà Bríu Thị Lee, cũng là CCB) tích cực xây dựng kinh tế gia đình, cần cù khai phá đầm lầy làm ruộng lúa nước, trồng rừng, đào ao nuôi cá, nuôi bò, heo... Gia đình ông trở thành hộ dân có kinh tế khá giả trong làng và nhận được nhiều giấy khen của các cấp, các ngành.

Ngoài ra, trong thời gian tham gia công tác tại địa phương, CCB Alăng Bảy còn luôn vận động, tuyên truyền, trực tiếp giảng dạy các điệu hát lý, các khúc dân ca, cách sử dụng nhiều loại nhạc cụ dân tộc mình cho lớp thanh niên trong làng. Bởi ông chơi được tới 7 loại nhạc cụ truyền thống, món nào cũng sành cả! Tại Đại hội Văn hóa - Thể thao huyện Đông Giang lần thứ V vừa qua, già làng Alăng Bảy nhận giải Nhất biểu diễn nhạc cụ dân tộc.

CCB Alăng Bảy cho biết: “Văn hóa của đồng bào mình nó phong phú, đa dạng thế, không khôi phục và gìn giữ thì tiếc lắm. Giúp con cháu giữ hồn văn hóa truyền thống là việc những người như già nên làm”.

Nhiều năm trước, khi làng văn hóa BhHôồng 1 chưa được khai thác làm du lịch cộng đồng, ông Bảy cũng đã góp sức cho việc giữ gìn bản sắc của làng. Trong những đêm hội làng, tiếng đàn, tiếng sáo của ông Bảy luôn thu hút thanh niên trai trẻ, để sau đó tìm đến ông xin học. Sự nhiệt tình của ông đã “thổi lửa” cho nhiều thanh niên cố gắng và duy trì được nét văn hóa truyền thống, phục vụ cho đời sống tinh thần tại địa phương.

CCB Alăng Bảy còn vận động bà con trong bản làng xây dựng đời sống văn hóa, văn minh, bãi bỏ hủ tục về ma chay, cưới xin tốn kém, phát động phong trào “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, chung tay xây dựng nông thôn mới… 

Và mỗi lần làng có lễ hội, CCB Alăng Bảy lại hăng say tập luyện cho trai tráng trong làng đánh trống chiêng. Đêm đêm bên bếp lửa nhà Gươl, người dân trong làng lại được nghe tiếng khèn, tiếng sáo Areeng hay tiếng đàn Arưl của CCB Alăng Bảy. Đồng bào Cơ-tu ở xã Sông Kôn “phong” CCB Alăng Bảy là “Già làng xây dựng đời sống văn hóa”.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.