Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nghe già làng kể chuyện ngày Tết

Hồng Minh - 15:13, 17/01/2020

Một mùa Xuân lại về trên khắp các bản làng vùng cao. Những cánh hoa đào phớt hồng, hoa mận trắng tinh, rung rinh khoe sắc trong gió núi. Mùa Xuân vùng cao còn là không khí tưng bừng lễ hội, những nghi lễ độc đáo, những món ăn đặc trưng của đồng bào nơi đây. Để hiểu hơn về những giá trị đó, chúng tôi đã có dịp ngồi nghe những già làng kể lại những câu chuyện về Tết xưa.

Đồng bào dân tộc Thái chuẩn bị các món ăn đón Tết.
Đồng bào dân tộc Thái chuẩn bị các món ăn đón Tết.

Những ngày này không khí Tết đã tràn về trên muôn nẻo ngóc ngách của bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương (Nghệ An), nơi duy nhất của dải đất hình chữ S có cộng đồng dân tộc Ơ-đu sinh sống. Những sản vật như thịt chuột, thịt sóc, cơm lam, rượu nếp cẩm, khầu hang chuẩn bị cho mâm cúng năm mới cũng được bà con Ơ-đu chuẩn bị đầy đủ.

Bà Lương Thị Lan cho biết, với người Ơ-đu, trước đây năm mới được tính theo tiếng sấm đầu tiên. Chính vì vậy mà mâm cúng không có bánh chưng như một số dân tộc khác, nhưng phải đầy đủ sản vật của núi rừng để dâng lên những đấng linh thiêng đã nuôi sống tổ tiên người Ơ-đu qua bao thế hệ.

Để có được những sản vật đó, người đàn ông, đàn bà phải tự mình vào rừng săn bắt, chặt hái để dâng lên tổ tiên bằng tấm lòng chân thành nhất, nếu không tổ tiên sẽ nổi giận, năm mới mùa màng thất thu. Ngày nay, do người Ơ-đu sống xen ghép với nhiều dân tộc anh em khác, nên giá trị truyền thống trên mâm cúng đã có nhiều đổi thay hơn để phù hợp với cuộc sống mới.

Cuộc sống đổi thay, vì thế không chỉ ngày Tết của người Ơ-đu có sự thay đổi, mà với nhiều dân tộc khác cũng như vậy.

Trong bộ trang phục truyền thống của người Nùng, bà Hoàng Thị Hồng, dân tộc Nùng, xã Phượng Tiến, huyện Định Hóa (Thái Nguyên) kể rằng, Tết đến, người Tày, Nùng ở tỉnh Cao Bằng hối hả chuẩn bị làm món bánh khẩu sli và bánh khảo truyền thống của mình.

“Trước bánh khẩu sli chỉ Tết mới làm, không thể thiếu được. Tết về, với dân tộc Tày, Nùng phải có bánh này vì ngày mùng Một ăn chay, ăn bánh ngọt, không ăn thịt mỡ. Nhưng bây giờ, bánh khẩu sli không còn được trẻ em háo hức nữa, vì ngày thường cũng có thể ăn, hoặc có nhiều bánh khác hấp dẫn hơn”, bà Hồng chia sẻ.

Bà Hồng cũng chia sẻ thêm, trước đây cứ vào ngày Tết những điệu Then, điệu Sli lại vang lên khắp bản làng ngõ xóm, nhưng bây giờ đã vắng dần, các cháu thanh niên thì chỉ nghe nhạc trẻ.

Từ những câu chuyện của bà Hồng, bà Lan mới thấy rằng ngày Tết của đồng bào vùng cao giờ đây đã ít nhiều bị thay đổi theo thời gian. Mặc dù vậy, nhưng phong tục đón Tết của đồng bào các dân tộc vẫn giữ nguyên những giá trị đặc trưng riêng.