Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Già làng Y Hơ Êban nặng lòng với thanh âm tre, nứa

Lê Hường – Đinh Hằng - 12:53, 09/10/2022

Nặng lòng với thanh âm tre, nứa, nhiều năm nay, trong ngôi nhà của mình, già làng Y Hơ Êban vẫn miệt mài với công việc chế tác, sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc bằng tre, nứa để thỏa niềm đam mê. Song trong lòng ông luôn chất chứa nỗi niềm chưa tìm được người để truyền dạy.

Từ năm 15 tuổi, già Y Hơ đã bộc lộ nhiều tình yêu với những giai điệu truyền thống dân tộc
Từ năm 15 tuổi, già Y Hơ đã chế tác và sử dụng nhiều loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc

Gắn bó với văn hóa dân tộc như hơi thở của mình

Già làng Y Hơ Êban trú tại buôn Kơ Nia 4, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk được người dân ví như “cây đa đầu làng”, là người định hướng người dân tiếp cận, chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Già cũng là một trong số ít  Người có uy tín tại Đắk Lắk vinh dự được chọn đi tham quan, tìm hiểu về quần đảo Trường Sa.

Ngoài sự nhiệt tình, trách nhiệm và tận tâm với cộng đồng, xã hội, già Y Hơ còn “nặng lòng” với những nhạc cụ truyền thống dân tộc. Từ khi còn nhỏ, già đã được nghe những giai điệu từ nhạc cụ truyền thống qua các lễ hội của buôn làng như: cúng mừng lúa mới, cúng bến nước, cúng rừng thiêng...;Những giai điệu cồng, chiêng qua các lễ hội kéo dài từ ngày này qua ngày khác, đã ăn sâu vào tâm trí già tự bao giờ. Với già, nhạc cụ, văn hóa truyền thống gắn bó như hơi thở của mình. 

Tình yêu với những âm thanh vang vọng của núi rừng ấy, cứ lớn dần theo thời gian. Mỗi khi buôn làng mở hội, già Y Hơ lại đến xem các nghệ nhân biểu diễn rồi học cách đánh, cách chế tác. Đến năm 15 tuổi, già chế tác được đàn rồi dần học chế tác thành thạo nhiều loại nhạc cụ khác. Và cứ thế tiếng khèn, tiếng chiêng, tiếng đàn đã gắn bó với già hàng chục năm qua.

Không những sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ truyền thống, già Y Hơ còn có thể chế tác các loại nhạc cụ từ vật liệu tre, nứa của quê hương như: Đàn T’rưng, đàn Đing Năm, Đing Nhất, sáo… 

Đặc biệt, già tự sáng tác những câu hát ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước và tình đoàn kết của người dân buôn làng phù hợp với giai điệu của nhạc cụ dân tộc. Những lời ca già viết, mang lại nhiều cảm xúc cho người nghe, căn dặn con cháu phải đoàn kết, ngoan ngoãn và yêu quê hương, ca ngợi vẻ đẹp của  đại ngàn Tây Nguyên.

 Những lời hát của già còn giúp bà con tiếp cận các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tiếp thêm niềm tin yêu, lạc quan vào cuộc sống; yêu và gắn bó hơn với văn hóa truyền thống.

Nỗi trăn trở bảo tồn văn hóa dân tộc

Tuổi đã cao, sức khỏe dần yếu đi, mong muốn lớn nhất của vị già làng nặng lòng với văn hóa truyền thống, chính là truyền lại cho hậu thế, để việc chế tác và biểu diễn nhạc cụ truyền thống được duy trì và phát huy rộng rãi trong cộng đồng. Tuy nhiên, việc tìm người kế tục để truyền dạy lại lại không hề dễ.

Theo già Y Hơ, vì điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều người đã rời quê hương đi làm ăn xa, các em nhỏ phải theo học ở trường, để học đánh và chế tác các loại nhạc cụ truyền thống rất khó khăn. Trong khi đó, những người có thể chế tác, biểu diễn nhạc cụ và sáng tác lời bài hát thì cứ rơi rụng mai một dần.

Già Y Hơ biểu diễn sáo Đing năm
Già Y Hơ biểu diễn sáo Đing năm

 

 “Tôi muốn truyền dạy biểu diễn nhạc cụ dân tộc và các chế tác cho các cháu. Vừa qua mở lớp, nhiều cháu cũng đến học rồi, nhưng chưa ai chơi thành thạo. Có cháu học được hai ba ngày lại nghỉ, người học gần thành thạo cũng nghỉ. Không có người duy trì và phát huy những giai điệu này tôi rất buồn”, già Y Hơ chia sẻ.

Tuy lớp học chưa thành công như già mong đợi, nhưng thời gian sắp tới, già Y Hơ Êban lại tiếp tục tổ chức lớp học bình thường với hy vọng, rồi sẽ có những người yêu giai điệu đẹp của dân tộc này tìm đến để già truyền dạy.

Trao đổi với phóng viên, ông Bế Hồng Quảng, cán bộ văn hoá xã Ea Bar cho biết, ông Y Hơ Êban có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn văn hoá truyền thống tại địa phương. Ông chế tác và biết biểu diễn nhiều loại nhạc cụ truyền thống nên thường xuyên được mời biểu diễn tại các sự kiện lớn của tỉnh nhà.

“Nhiều năm qua, chúng tôi cũng đã tuyên truyền cho người dân theo học ông Y Hơ cách chế tác, biểu diễn các loại nhạc cụ truyền thống. Dù kết quả chưa được như mong muốn, nhưng lớp học của ông Y Hơ Êban, là một điểm sáng có thể giúp duy trì và phát huy truyền thống dân tộc, chính quyền địa phương rất ủng hộ và luôn tạo điều kiện để lớp học phát triển trong thời gian tới".


Tin cùng chuyên mục
Viết từ nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc: Bảo vệ vững chắc vùng “phên giậu” (Bài 1)

Viết từ nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc: Bảo vệ vững chắc vùng “phên giậu” (Bài 1)

Mới đây, có dịp rong ruổi trên tuyến biên giới Cao Bằng, vùng đất biên cương địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc. Đi trên những cung đường ngắm nhìn bức tranh đồi núi trập trùng, những bản làng với những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, trường học kiên cố, chứng kiến về sự thay đổi trong đời sống kinh tế, tinh thần của Nhân dân ở các bản làng vùng cao... chúng tôi càng cảm nhận nhiều hơn về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, sự chung tay, góp sức của các cấp chính quyền, lực lượng chức năng để đồng bào an tâm bám bản, bám làng xây dựng cuộc sống, bảo vệ vững chắc an ninh biên giới quốc gia.