Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nghề nghiệp - Việc làm

Người giữ hồn quê giữa ồn ào phố thị

Giang Lam - 16:02, 09/07/2022

Giữa xưởng đan nhỏ trước hiên nhà, mùi mây, tre nứa phảng phất, tiếng cưa, tiếng chẻ nan lách cách... Suốt mấy chục năm qua, ông Trần Văn Thanh tổ 9, phường Tân Hà, TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang vẫn bền bỉ sáng tạo nên những sản phẩm mây tre đan độc đáo để phục vụ người tiêu dùng địa phương và du khách gần xa.

"Nghệ nhân đan lát" Trần Văn Thanh, tổ 9, phường Tân Hà, TP Tuyên Quang
"Nghệ nhân đan lát" Trần Văn Thanh, tổ 9, phường Tân Hà, TP Tuyên Quang

Sáng tạo trên nền truyền thống

Ngay từ khi đến với nghề đan, ông Thanh đã thể hiện sự khác biệt với kỹ năng học hỏi rất nhanh. Ông chỉ cần nhìn một lần là có thể bắt chước cách đan giống y chang bản gốc. Bên cạnh đó, ông còn là người thợ có khả năng sáng tạo nhiều kiểu đan mới lạ để tạo ra những sản phẩm khác biệt.

Ông chia sẻ: "Tôi đan từ những vật dụng nhỏ nhất trong nhà: Cái quạt, cái rổ, rá, mâm, nón… cho tới những cái giỏ phục vụ cho công việc hái chè của các cô các chị hay đôi khi là một bộ bàn ghế rất công phu và mất nhiều thời gian. Có nhiều sản phẩm phải mất tận gần nửa tháng chuyên tâm mới hoàn thiện được. Để có được một sản phẩm chất lượng và đẹp, phải trải qua nhiều công đoạn công phu như chuẩn bị nguyên liệu, đặc biệt là việc chẻ, chuốt các sợi nan sao cho đạt tỉ lệ hợp lí, đảm bảo độ mềm, nhẵn để thuận lợi trong quá trình đan”.

Những sản phẩm được tạo ra từ bàn tay của ông Trần Văn Thanh
Những sản phẩm được tạo ra từ bàn tay của ông Trần Văn Thanh

Ông Thanh thường đích thân đến tận từng làng bản mang những thân mây về nhà. Sau đó chẻ thật mỏng và nhỏ rồi đem lên bếp phơi khô. Đây chính là bí quyết để tạo ra độ bền sản phẩm bởi theo ông, nếu phơi nhiều dưới ánh mặt trời lạt sẽ giòn nên khi tiến hành đan sẽ dễ gãy. Khâu chẻ lạt là công đoạn phức tạp nhất trong quá trình tạo nên một sản phẩm. Tất cả lạt được phơi khô trên bếp tới độ nhất định sẽ được mang đi luộc rồi mới bắt đầu đan và uốn dẻo theo từng kiểu dáng của sản phẩm.

Ông khoe chúng tôi mâm cơm, khay ấm chén và những chiếc giỏ được đan từ gần chục năm nay. Ngoài độ bền, chắc chắn thì màu sắc nâu vàng của mây hầu như vẫn còn nguyên vẹn, ban đầu cứ tưởng ông đã phủ lên một lớp sơn bóng cho sản phẩm nhưng sự thật thì không phải vậy. Đặc biệt, mỗi sản phẩm đều thể hiện được sự sáng tạo trong kỹ thuật đan của người “nghệ nhân”. Ông chia sẻ, nhiều người nghĩ đan lát là sự lặp đi lặp lại của những “lóng mốt, lóng đôi”. Với ông sản phẩm làm ra cần có được dấu ấn của người thợ lành nghề. Vì thế, ông luôn cố gắng sáng tạo trong cách đan để tạo ra những sản phẩm vừa có tính hữu dụng vừa có tính thẩm mĩ cao. 

Hành trình “gieo nghề”…

Sinh ra và lớn lên ở Kim Xuyên, xã Hồng Lạc (Sơn Dương), năm 1994 cả gia đình ông lên TP. Tuyên Quang sinh sống. Đây cũng là bước ngoặt trong hành trình trở thành người thầy trong nghề mây tre đan của ông Trần Văn Thanh.

Ông chia sẻ, lên nơi ở mới ông được đi nhiều nơi để học hỏi và nâng cao tay nghề. Ông Thanh tự mày mò đi đến tận các bản làng để học người già cách đan rồi lại lặn lội xuống các làng nghề dưới miền xuôi ở Hà Nam, Hải Dương để học hỏi. Tay nghề ông ngày một nâng cao với các sản phẩm đan lát khá bắt mắt và ấn tượng. “Tiếng lành đồn xa” khách đặt hàng ngày một đông, ông Thanh miệt mài đan, tưởng chừng như không còn thời gian ngơi nghỉ.

Không giấu nghề, bất kể ở đâu ông cũng đều sẵn sàng chỉ bảo nhiệt tình cho những ai đam mê với mây, tre, nứa… Năm 2007, ông được Hội Nông dân tỉnh, Trung tâm dạy nghề các huyện mời tham gia giảng dạy tại các lớp tập huấn mây tre đan. Kể từ đó, duyên nghiệp trở thành người thầy của ông bắt đầu. Ông Thanh vui vẻ nói: “Nhiều năm qua, những chuyến đi đến bản làng xa xôi dạy đan lát đã mang lại cho tôi niềm vui thực sự. Bởi nhiều học viên ban đầu gọi tôi là thầy sau đó dần chuyển sang gọi tôi là "bố Thanh". Ấm áp và tình cảm lắm!…”

Ông Trần Văn Thanh (áo xanh) tại lớp dạy nghề ngắn hạn tại xã Năng Khả (Na Hang).
Ông Trần Văn Thanh (áo xanh) tại lớp dạy nghề ngắn hạn tại xã Năng Khả (Na Hang).

Ông sẵn sàng đi đến tận các bản làng, các xã vùng cao như Năng Khả, Đà Vị, Sinh Long (Na Hang), Khuôn Hà, Bình An (Lâm Bình), Bạch Xa, Minh Khương (Hàm Yên)… để “gieo nghề”. Những ngày tháng bám bản, gắn bó với đồng bào, thiếu thốn đủ thứ. Công việc dạy học cũng gặp nhiều khó khăn khi mỗi lớp đều có nhiều học viên với trình độ văn hóa, độ tuổi khác nhau rồi cả bất đồng ngôn ngữ khi đa phần học viên là phụ nữ người Tày, Cao Lan, Dao… Ông bật mí: “Mỗi lớp tập huấn kéo dài trong 3 tháng. 3 tháng đó mình không chỉ dạy đơn thuần mà mình luôn tìm cách để tạo sự gần gũi thân thiện với đồng bào để bà con hiểu được sự nhiệt thành của mình. Mình chọn cách nói đơn giản, dễ hiểu, phương pháp “cầm tay chỉ việc” giúp bà con tiếp nhận từng chút một, dần dà sẽ nhớ ngay và nhớ lâu”.

Nhiều học viên trưởng thành từ những lớp học nghề ngắn hạn đã thạo nghề và phát triển kinh tế từ nghề mới này. Chị Nông Thị Chiêm (dân tộc Tày), thôn Bắc Lè, xã Đà Vị (huyện Na Hang) là một trong những học trò trưởng thành từ lớp học của thầy Thanh nói: “Năm 2016 tôi tham gia lớp học nghề mây tre đan được tổ chức tại địa phương. Sau 3 tháng nhận được sự chỉ bảo chu đáo, tận tình, tôi đã dần dần thạo nghề, đan được nhiều sản phẩm khác nhau như rổ, rá, giỏ, làn, khay, mâm… Cũng nhờ công việc này, nay gia đình tôi có thêm nguồn thu từ 2-3 triệu đồng/ tháng”.

Chị La Thị Bình, Chủ tịch Hội LHPN xã Năng Khả (huyện Na Hang) chia sẻ, năm 2019 xã có tổ chức lớp học mây tre đan cho chị em trong xã. Là học trò của thầy Thanh, nhiều học viên đã thành thạo nghề mới. Hiện nay xã đã thành lập Tổ hợp tác xã mây tre đan. Nguyên liệu sẵn có, lại thông thạo nghề nên những chiếc làn, chiếc giỏ được chị em trong tổ hợp tác thường xuyên giao bán rất đắt khách. Trung bình mỗi tháng, mỗi người cũng bán được ít nhất 25- 30 sản phẩm, giao động từ 50 nghìn đồng- 300 nghìn đồng/sản phẩm, tùy loại, hình dáng và kích cỡ.

Bên cạnh những sản phẩm phục vụ sinh hoạt hàng ngày thì ông Trần Văn Thanh còn sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo để phục vụ khách du lịch. Tại các Cuộc thi thiết kế Sản phẩm du lịch, quà tặng lưu niệm của tỉnh do Trung tâm Xúc tiến- Đầu tư tổ chức năm 2017 và năm 2018, ông đều dành được giải Nhì. Sản phẩm của ông được đánh giá bởi có tính thẩm mỹ cao, bền và lạ mắt thu hút nhiều du khách.

Trong căn nhỏ ở tổ 9, phường Tân Hà, ngày ngày ông Trần Văn Thanh vẫn miệt mài mày mò để tạo ra những sản phẩm mới. Ông thích thú gọi đó là những tác phẩm nghệ thuật bởi mỗi sản phẩm ông sáng tạo và thực hiện đều bằng cả trái tim và khối óc. Và ông luôn tâm huyết với hành trình gieo nghề của mình để ngày càng nhiều người biết tạo ra những sản phẩm độc đáo, nâng nghề mây tre đan ở xứ Tuyên lên một tầm cao mới.

Tin cùng chuyên mục
Điều kiện hưởng lương hưu theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024

Điều kiện hưởng lương hưu theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024

Từ 01/7/2025, người lao động khi nghỉ việc có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ 15 năm trở lên, thì được hưởng lương hưu nếu đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động. Ngoài tiền lương hưu, người lao động còn được trợ cấp một lần khi nghỉ hưu.