Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tìm trong di sản

Già Y Kông phục hồi trống cổ của người Cơ Tu

Nguyễn Văn Sơn - 08:32, 28/05/2023

Già làng Y Kông (98 tuổi) là Người có uy tín được người dân trong thôn Tống Coói (xã Ba, huyện Đông Giang, Quảng Nam) kính trọng. Ông cũng là một trong những nghệ nhân đã có nhiều cống hiến trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, đặc biệt là kỹ thuật chế tác những chiếc trống, nhạc cụ của người Cơ Tu.

Già Y Kông với công đoạn làm thân cho trống cha gơr bơh.
Già Y Kông với công đoạn làm thân cho trống cha gơr bơh

Bước vào căn nhà gỗ của già làng Y Kông, chúng tôi thực sự choáng ngợp trước một kho tàng văn hóa đặc sắc với đủ các loại nhạc cụ truyền thống của người Cơ Tu. Từ đàn tâm bét alui, đàn abel, sáo rahêm, kèn cabluốc đến cồng chiêng, các loại trống đều do già Y Kông chạm và điêu khắc.

Vừa mời khách uống nước, già Y Kông tranh thủ cầm dùi gõ nhẹ theo nhịp đục chiếc trống cha gơr bơh để kịp giao hàng cho bà con Cơ Tu ở xã Bha Lêê, huyện Tây Giang.

Già Y Kông chia sẻ, theo phong tục xưa, mỗi gia đình người Cơ Tu đều phải có 1 bộ trống để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, lễ hội. Trống cổ có nhiều loại, từ trống k’thu, cha gơr bơh, pâr lư, đến trống nhỏ char gơr ka tươi. Các loại nhạc cụ này được sử dụng phổ biến trong rất nhiều nghi lễ truyền thống của cộng đồng, gắn liền với các lễ hội văn hóa truyền thống hoặc trong hiếu, hỷ…

Tuy nhiên, vào những năm 2010 - 2012, khi già đến các làng Cơ Tu tham gia lễ hội truyền thống thì không còn thấy “bóng dáng” những chiếc trống cổ. Từ nỗi lo di sản văn hóa dân tộc có nguy cơ mai một, già Y Kông bắt tay vào nghiên cứu, chế tác, phục hồi lại những chiếc trống theo dáng hình trống cổ.

Sau những năm tháng miệt mài làm trống, đến nay, mỗi năm già Y Kông đã có thể làm ra hàng chục chiếc trống, từ trống k’thu, cha gơr bơh, pâr lư, đến trống nhỏ char gơr ka tươi. Những chiếc trống này, già để bán hoặc trao đổi cho bà con Cơ Tu với giá rất hữu nghị. Các đơn vị, địa phương, trường học có nhu cầu trống lễ hội, trưng bày, giới thiệu hay làm quà biếu cũng đều tìm đến già Y Kông đặt hàng.

Già Y Kông với công đoạn cắt da bò cho mặt trống.
Già Y Kông với công đoạn cắt da bò cho mặt trống.

Theo kinh nghiệm của già Y Kông, cách làm trống của người Cơ Tu bằng phương pháp thủ công nhưng khá công phu. Thân trống được làm từ gỗ papang, mặt trống được làm từ da bò, trâu, sơn dương phơi khô.

Để bịt da cho trống, già Y Kông cố định miếng da và kéo căng mặt trống bằng sợi mây hoặc dây cước dây. Căng cho đến khi gõ, nghe âm thanh vang lên chuẩn trong, vang như tiếng trống cổ là được.

Nhờ niềm tâm huyết với di sản văn hóa dân tộc, đôi bàn tay tài hoa và đôi tai thẩm âm chuẩn, già làng Y Kông đã phục hồi lại được nghề chế tác trống cổ truyền thống cha ông người Cơ Tu, để tiếng trống lại vang lên rộn rã trong các lễ hội truyền thống.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.