Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Già làng A Lăng Đàn-Cây đại thụ giữa núi rừng Trường Sơn

Hoàng Anh - 07:11, 25/12/2022

Tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình, hàng chục năm nay, già làng A Lăng Đàn, SN 1946, dân tộc Cơ Tu, thôn A Rớt, xã A Nông, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam luôn tận tụy, trách nhiệm với việc tuyên truyền, vận động Nhân dân đoàn kết, phát triển kinh tế, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, xây dựng cuộc sống mới. Bản thân già luôn nêu gương, là tấm gương sáng cho bà con noi theo.

Già làng A Lăng Đàn cùng các cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng A Nông vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước
Già làng A Lăng Đàn cùng các cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng A Nông vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước

Theo chân các cán bộ Đội Vận động quần chúng của Đồn Biên phòng A Nông, BĐBP tỉnh Quảng Nam, chúng tôi đến thăm gia đình của già làng A Lăng Đàn. Vừa thấy những người lính mang quân hàm xanh, già làng A Lăng Đàn đã vui mừng chào đón chúng tôi, như đón những người thân từ phương xa trở về. Năm nay, già làng đã 76 tuổi song ông vẫn còn rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn, giọng nói vẫn sang sảng.

Bên bếp lửa hồng bập bùng, ông bùi ngùi nhớ lại, sinh ra trong gia đình có 3 anh chị em, từ nhỏ A Lăng Đàn đã học được nhiều điều từ người cha, là cụ A Lăng Nhớt khi ông không tiếc thóc gạo, trâu bò để hiến cho cách mạng, nuôi bộ đội. Lớn lên, chàng trai A Lăng Đàn tham gia các công tác của xã, rồi gia nhập lực lượng thanh niên xung phong tỉnh Quảng Đà, sau đó xung phong vào bộ đội huyện Hiên (nay là huyện Đông Giang và Tây Giang), rồi làm Xã đội trưởng xã A Tiêng.

Trong những năm 1968-1970, máy bay B52 của Mỹ đã “rải thảm” đốt cháy dải Trường Sơn nhằm cắt đứt con đường huyết mạch chi viện của miền Bắc cho miền Nam, gây tổn thất nặng cho bộ đội ta, ông đã vận động người dân các bản làng Cơ Tu trong xã biên giới A Tiêng, tham gia cùng với bộ đội đào địa đạo A Xòo để che dấu bộ đội và cũng là nơi trú ẩn của đồng bào địa phương. Địa đạo gồm nhiều ngách nối thông với nhau trong lòng núi. Chỗ được làm nơi chỉ huy, chỗ bố trí trạm xá, chỗ làm kho chứa quân lương.

Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước thống nhất, trở về cùng với bà con Cơ Tu để xây dựng lại quê hương. Từ năm 1982, già làng A Lăng Đàn được tin tưởng bầu làm Bí thư Đảng ủy xã A Tiêng và tiếp tục giữ trọng trách Chủ tịch UBND xã này. Giai đoạn 1999-2000, huyện Tây Giang thành lập xã A Nông trên cơ sở tách một phần từ xã A Tiêng, ông lại được bà con tín nhiệm bầu làm Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã A Nông đến khi nghỉ hưu vào tháng 6/2004. Tuổi cao, gương sáng nên ông được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Tây Giang, đến đầu năm 2020, ông mới nghỉ hưu về với gia đình.

Trong những tháng năm làm cán bộ, cũng như lúc đã nghỉ hưu, già làng A Lăng Đàn đều tận tụy, trách nhiệm không quản ngại khó khăn gian khổ, đường sá xa xôi cách trở, ngày nắng cũng như đêm mưa để đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà và gặp từng người để vận động bà con ở vùng biên giới không xâm canh, xâm cư, không kết hôn cận huyết thống, không làm tổn hại các cột mốc nơi đường biên.

Nhân dân thôn A Rớt cùng cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng A Nông vui múa cồng chiêng
Nhân dân thôn A Rớt cùng cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng A Nông vui múa cồng chiêng

Ông còn tích cực vận động Nhân dân tham gia các phong trào do lực lượng BĐBP phát động như: phong trào quần chúng tự quản đường biên cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn bản; phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới; công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giải quyết những bất đồng trong nội bộ Nhân dân…

Không chỉ tích cực trong công tác xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, già làng A Lăng Đàn còn là tấm gương trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, làm hình mẫu cho bà con thôn bản noi theo.

Đặc biệt, khi phong trào xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh ở Quảng Nam, già làng A Lăng Đàn đã quyết định, hiến gần 10ha đất của gia đình đang làm lúa nước và ao thả cá để làm mặt bằng trụ sở UBND xã, trường tiểu học, trạm y tế, khu dân cư, sân vận động… giúp A Nông sớm cán đích nhiều tiêu chí nông thôn mới.

Cũng từ việc làm này của già làng A Lăng Đàn, nhiều người dân trong xã đã hăng hái tham gia các cuộc vận động hiến đất, mở đường và xây dựng nông thôn mới sau này. Với những đóng góp nổi bật trong phong trào xây dựng bản làng, già làng A Lăng Đàn đã 4 lần gặp mặt của các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước.

“Lần đầu tiên là năm 1997, tôi được vinh dự ra Thủ đô gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đến năm 2004, tôi lại được ra gặp Thủ tướng Phan Văn Khải, lúc đó tôi đang làm Chủ tịch xã A Nông. Đến năm 2010, tôi lại được ra Hà Nội gặp mặt Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Lần gần nhất tôi được ra Hà Nội là ngày 21/12/2018, khi đó tôi được tỉnh Quảng Nam chọn là già làng tiêu biểu dự cuộc gặp mặt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ân cần hỏi han, tôi vô cùng xúc động.” già làng A Lăng Đàn xúc động kể lại.

Tự hào, biết ơn khi nhắc về già làng A Lăng Đàn, Thượng tá Trần Minh Tấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng A Nông cho biết: Bao năm nay, già làng A Lăng Đàn đã luôn đồng hành, sát cánh cùng với cán bộ chiến sĩ của Đồn Biên phòng A Nông. Bằng những việc làm cụ thể của mình, già làng A Lăng Đàn đã góp phần tích cực vào việc bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, giữ vững bình yên bản làng.

"Nhờ vào việc tuyền truyền, vận động của già, bà con dân bản không có ai vi phạm pháp luật nghiêm trọng, tinh thần cảnh giác của đồng bào được nâng cao. Ý thức chấp hành pháp luật về quản lý, bảo vệ biên giới ngày một tốt hơn. Thế trận lòng dân, nền biên phòng toàn dân không ngừng được củng cố và phát triển. Già làng A Lăng Đàn thật sự là chỗ dựa của đồng bào DTTS nơi biên giới quốc gia", Thượng tá Trần Minh Tấn chia sẻ.