Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Giải quyết tình trạng sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích: Cách làm hay ở Hoài Ân

T.Nhân-T.Đại - 17:04, 12/04/2021

Trước đây, huyện Hoài Ân (Bình Định) có 340 ha đất nông nghiệp bị người dân lấn chiếm trồng keo lai, bạch đàn. Thực trạng này không chỉ phá vỡ quy hoạch đất nông nghiệp của địa phương, mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người nông dân. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền vận động, kết hợp với việc hỗ trợ bằng nhiều hình thức, người dân đã thay đổi tư duy phát triển kinh tế bằng việc chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả, hoa màu, mang lại hiệu quả rõ rệt.

Phá bỏ diện tích trồng keo trên đất nông nghiệp, ông Phạm Đình Độ đã gây dựng được vườn bưởi gần 4 năm tuổi
Phá bỏ diện tích trồng keo trên đất nông nghiệp, ông Phạm Đình Độ đã gây dựng được vườn bưởi gần 4 năm tuổi

Thực trạng báo động

Theo thông tin từ UBND huyện Hoài Ân, vấn nạn trồng keo trên đất nông nghiệp rộ lên trên địa bàn huyện cách đây chừng 5 - 7 năm. Thời điểm ấy, Nhà nước khuyến khích người dân ở những huyện trung du, miền núi trồng rừng sản xuất nên cung cấp miễn phí  giống keo để trồng trên đất lâm nghiệp.

Thế nhưng, sau khi nhận cây giống, người dân không tuân thủ trồng keo trên đất lâm nghiệp, mà trồng trên cả đất nông nghiệp nơi thiếu nước tưới hoặc chân đất khó canh tác. Do vậy, chẳng mấy chốc mà trên địa bàn huyện đã tràn lan cây keo. Những địa phương vi phạm nhiều nhất là các xã Ân Tường Đông, với 65,8ha; Ân Hữu 60ha; Ân Nghĩa 27,2ha; Ân Hảo Đông 20ha…

Ông Võ Duy Tín, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoài Ân chia sẻ: Thời điểm đó, cây mì, cây bắp giá cả không ổn định, trong khi đó, cây keo, cây bạch đàn giá lại cao. Mỗi 1ha keo (chu kỳ 5 năm) cho thu nhập khoảng 98 triệu đồng/ha, trừ chi phí thì người nông dân thu về khoảng 48 triệu đồng/ha. Mặt khác, trồng cây keo đỡ phải tốn chi phí và công chăm sóc, nên tình trạng người dân trồng cây lâm nghiệp trên đất nông nghiệp ngày càng tăng.

Việc người dân tự ý trồng cây trên đất nông nghiệp, đã vi phạm các quy định về sử dụng đất đai, ảnh hưởng đến việc quy hoạch trồng trọt của tỉnh nói chung và huyện Hoài Ân nói riêng. Ngoài ra, do đặc điểm của cây keo, cây bạch đàn là hút rất nhiều chất dinh dưỡng và nước nên khi người dân đổ xô trồng keo, đã khiến cho đất nhanh bạc màu và khô cứng, rất khó cải tạo để trồng các loại cây khác.

“Cây keo từ 1 - 3 năm tuổi hút nước rất mạnh, bắt đầu từ năm thứ 5 trở đi, thì cây keo mới bổ sung nguồn nước ra môi trường, nhưng thời điểm này thì bà con đã chặt keo đem bán. Cây keo trên đất nông nghiệp gây ra rất nhiều hệ lụy, nguồn nước ngầm cạn kiệt, ô nhiễm môi trường”, ông Tín cho biết thêm.

Người dân chuyển đổi, nhà nước hỗ trợ

Xác định trồng keo trên đất nông nghiệp thì chính nông dân sẽ nhận về mình phần thiệt thòi. Do đó, năm 2017, Đảng bộ huyện Hoài Ân đưa ra Nghị quyết chuyên đề nhằm kiên quyết “xóa” cây keo trên đất nông nghiệp. Đồng thời, vận động người dân trồng các loại cây hoa màu, cây ăn quả để vừa cho hiệu quả kinh tế cao hơn, vừa bảo vệ môi trường.

 UBND huyện Hoài Ân cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cho các ngành, đoàn thể và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nêu rõ những tác hại khi trồng keo trên đất nông nghiệp. 

Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch huyện Hoài Ân cho biết: Đối với diện tích chặt bỏ cây keo, huyện chỉ đạo cho địa phương hướng dẫn bà con trồng những loại cây phù hợp, trong đó, những diện tích lớn sẽ hỗ trợ bà con trồng cây ăn quả. Theo đề án của huyện, những hộ phá bỏ keo sẽ được hỗ trợ 100% về giống; về nước tưới, được hỗ trợ tối đa 30 triệu đồng, mức hỗ trợ tối thiểu thì tùy theo vào giếng đào hay giếng đóng; về phân bón sẽ hỗ trợ 2 lần/năm trong vòng 3 năm đầu.

Sau một thời gian triển khai ráo riết, đến nay Hoài Ân đã phá bỏ được 95% diện tích cây lâm nghiệp trồng trên đất nông nghiệp. Bà con đã trồng lại các loại cây màu, có hiệu quả kinh tế như bắp, đậu phộng, dâu, một số diện tích được trồng bưởi da xanh.

 Nếu tính toán chi li, sau 4 – 5 năm, cây keo cũng chỉ mang lại cho nông dân khoản thu nhập chừng 60 – 70 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí đầu tư chăm sóc và khai thác, người trồng chẳng còn lời lãi là bao. Vì vậy, hầu hết những hộ đã nhổ bỏ cây keo để trồng các loại cây màu có giá trị kinh tế cao đang rất phấn khởi vì việc làm đúng. 

Như hộ ông Phạm Đình Độ ở thôn Long Quang, xã Ân Mỹ, là một trong những hộ chuyển đổi cây trồng thành công. Ông Độ cho biết: Gia đình ông có 7ha đất đồi. Trước đây, cây keo có giá nên ông quyết định phá bỏ các loại cây trồng khác chuyển sang trồng keo. Khi giá keo xuống thấp, không mang lại hiệu quả kinh tế, lại làm đất đai bạc màu nên ông mong muốn chuyển đổi lại. Được huyện hỗ trợ cây, con giống, kỹ thuật chăm sóc và tiền khoan giếng nước, ông quyết định chuyển sang mô hình trồng cây ăn quả. 

"Hiện nay, tôi trồng xen canh 4 loại cây chính là quýt, cam, bơ sáp và bưởi da xanh. Năm vừa rồi, vườn quýt năm thứ 4 của tôi cho thu nhập cao khoảng 90 triệu đồng. Cây bưởi da xanh, cây bơ đang trong thời kỳ ra hoa, nếu giá bưởi dao động từ 25-30 ngàn đồng, thì mỗi ha tôi thu được tầm 300 triệu đồng", ông Độ phấn khởi thông tin.

Với những tín hiệu tích cực này cho thấy, cách làm của huyện Hoài Ân không những giải quyết được tình trạng người dân sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích, mà còn lan tỏa, khuyến khích nhiều hộ có đất lâm nghiệp chuyển sang trồng cây ăn quả để tăng hiệu quả kinh tế, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương...


Tin cùng chuyên mục
Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Thời gian qua, huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) đã triển khai nhiều mô hình sinh kế mới như nuôi hưu lấy nhung, chuỗi liên kết sản xuất chè, chuỗi sản xuất về chăn nuôi heo, bò… Những mô hình này không chỉ cải thiện sinh kế cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.