Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Giảm nghèo bao trùm, trọng tâm ưu tiên vùng “lõi nghèo"

Vân Khánh - 09:57, 27/03/2023

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, nhiều địa phương trên cả nước đã cụ thể hóa công tác giảm nghèo bằng nhiều giải pháp thiết thực, giúp đồng bào sống ở các khu vực “lõi nghèo” có thêm điều kiện vươn lên thoát nghèo.

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả góp phần giúp bà con DTTS thoát nghèo thành công
Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả góp phần giúp bà con DTTS thoát nghèo thành công

Thời gian qua, tỉnh Lào Cai luôn được đánh giá là một trong những tỉnh thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), đặc biệt là Chương trình giảm nghèo bền vững. Theo đó, để giúp người dân ở khu vực “lõi nghèo” thoát nghèo, tỉnh Lào Cai đã tập trung triển khai đồng bộ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững qua các giai đoạn, có nhiều cách làm sáng tạo, hỗ trợ người dân giảm nghèo một cách hiệu quả.

Mười xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tại Lào Cai gồm: Hoàng Thu Phố, Lùng Cải (huyện Bắc Hà), Dền Thàng, Pa Cheo (huyện Bát Xát), Nậm Chảy (huyện Văn Bàn), La Pan Tần, Tả Thàng, Tả Ngải Chồ, Dìn Chin, Lùng Khấu Nhin (huyện Mường Khương).

Để giải quyết các vấn đề của vùng “lõi nghèo” này, tỉnh Lào Cai đã xác định phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp sẽ là “chìa khóa” để mở ra cánh cửa thoát nghèo. Cụ thể hóa mục tiêu này, tỉnh Lào Cai đã triển khai thực hiện 18 danh mục dự án đầu tư phát triển sản xuất, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, với tổng kinh phí hơn 4,6 tỷ đồng.

Nhiều dự án như: Trồng măng sặt, chăn nuôi bò, ngựa sinh sản, liên kết trồng gừng trâu xuất khẩu ở xã Nậm Chày (Văn Bàn); dự án trồng chè Shan, chăn nuôi lợn đen sinh sản tại các xã: Lùng Khấu Nhin, Tả Thàng, Dìn Chin, La Pan Tẩn (Mường Khương)… đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp người dân thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nhờ đó, năm 2022, tỷ lệ giảm nghèo tại 10 xã nghèo nhất Lào Cai đạt 11,15% (giảm 676 hộ) vượt mức kế hoạch năm đề ra với 10,22%; trong đó, Pa Cheo (huyện Bát Xát) là xã có tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu nhất trong 10 xã, đạt 14,45% (từ 79,39% xuống 64,81), tương đương giảm 167 hộ nghèo/năm. Thu nhập bình quân năm 2022 đạt 19,2 triệu đồng/người, tăng 5,2 triệu đồng/người so với năm 2020.

Niềm vui của người dân với thành quả lao động của mình
Niềm vui của người dân với thành quả lao động của mình

Hay như tại Lai Châu, địa phương luôn được coi là tỉnh nghèo nhất trong “lõi nghèo” Tây Bắc, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đáng chú ý, tỷ lệ giảm nghèo của tỉnh Lai Châu giảm từ mức hơn 58% năm 2006 xuống còn chưa đến 28% năm 2021, đây là tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhất cả nước trong giai đoạn này.

Được biết, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Lai Châu có 6/7 huyện được thụ hưởng hỗ trợ từ Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, gồm các huyện: Mường Tè, Nậm Nhùn, Phong Thổ, Sìn Hồ, Than Uyên, Tân Uyên. Đây là nguồn lực quan trọng để các địa phương phát triển kinh tế - xã hội, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn…

Để tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân, các huyện đã xây dựng kế hoạch sản xuất từng vùng, từng xã, từng thôn bản và từng gia đình theo hướng đa canh, mở rộng nhiều ngành nghề để phát huy thế mạnh của từng vùng, gắn việc giải quyết lương thực tại chỗ với phát triển lâm nghiệp, chăn nuôi theo mô hình nông, lâm kết hợp, sắp xếp lại dân cư hợp lý, vừa thuận tiện sản xuất, vừa bảo đảm an ninh quốc phòng.

Có thể thấy rằng, việc thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo bền vững đã có những tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên cả nước. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân nói chung và người nghèo nói riêng từng bước được cải thiện, cơ sở hạ tầng nông thôn được tăng cường trên cơ sở triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh và các huyện nghèo, xã, bản đặc biệt khó khăn giảm nhanh, chính sách an sinh xã hội được bảo đảm, hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, giữ vững an ninh, quốc phòng. Người nghèo, hộ nghèo ngày càng có ý thức tự phấn đấu vươn lên giảm nghèo; biết học hỏi cách làm ăn, tận dụng các cơ hội và sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng.

Vùng “lõi nghèo” luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước
Vùng “lõi nghèo” luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước

Ông Phí Mạnh Thắng - Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo cho biết, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 kết thúc đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1 - 1,5%/năm; cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015 (riêng hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo DTTS tăng gấp 2 lần)…

Kế thừa những kết quả từ giai đoạn trước, Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện chiến lược tập trung đầu tư vào con người, trực tiếp là đầu tư, nâng cao năng lực người nghèo; xác định rõ nguyên nhân nghèo để giải quyết căn cơ, triệt để những vấn đề của người nghèo, vùng lõi nghèo.

Theo đó, Chương trình triển khai đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo DTTS, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo.

“Chương trình góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Trong đó, có các mục tiêu là chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; tạo việc làm đầy đủ cho tất cả mọi người; bảo đảm giáo dục chất lượng, rộng mở và công bằng; giảm bất bình đẳng trong xã hội”, ông Phí Mạnh Thắng nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.