Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Giảm nghèo bền vững - Nhìn lại một chặng đường: Không dễ xác định thu nhập (Bài 2)

Sỹ Hào - 21:17, 09/07/2020

Thu nhập là một tiêu chí “cứng” để xác định hộ nghèo, từ đó các chính sách giảm nghèo được triển khai nhằm hướng đến mục tiêu cải thiện mức sống cho người dân. Nhưng để xác định được thu nhập của hộ nghèo, nhất là hộ đồng bào DTTS không hề dễ.

Nhiều gia đình có nhà kiến cố nhưng vẫn là hộ nghèo do nhà được xây dựng từ các nguồn hỗ trợ. (Trong ảnh: Gia đình chị Thào Thị Hong, ở bản San Thàng 2, xã Sang Thàng, TP. Lai Châu có nhà mới từ tháng 11/2019 từ nguồn hỗ trợ Quỹ Vì người nghèo của tỉnh Lai Châu - Ảnh TL)
Nhiều gia đình có nhà kiến cố nhưng vẫn là hộ nghèo do nhà được xây dựng từ các nguồn hỗ trợ. (Trong ảnh: Gia đình chị Thào Thị Hong, ở bản San Thàng 2, xã Sang Thàng, TP. Lai Châu có nhà mới từ tháng 11/2019 từ nguồn hỗ trợ Quỹ Vì người nghèo của tỉnh Lai Châu - Ảnh TL)

Chưa sát thực tế

Báo Dân tộc và Phát triển số 1637, ra ngày 8/7/2020 đã phản ánh, bộ công cụ đo lường nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 đã bộc lộ rất nhiều hạn chế; trong đó, cách tính thu nhập để xác định hộ nghèo vẫn chưa sát với mức sống cụ thể của từng hộ gia đình.

Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, hộ có thu nhập từ 700.000 đồng/người/tháng trở xuống (ở khu vực nông thôn) được công nhận là hộ nghèo (khu vực thành thị là 900.000 đồng trở xuống). Để ước tính thu nhập khi rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm, Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH, ngày 28/6/2016 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã đưa ra 14 chỉ số (Phụ lục số 3b).

Bộ chỉ tiêu này gần như “kiểm kê” tất cả các yếu tố để tính thu nhập (số nhân khẩu/hộ, người không có khả năng lao động, trình độ học vấn, lĩnh vực việc làm, nhà cửa, tài sản…), nhưng chỉ mới dừng ở việc xác nhận thông tin (định tính) một cách trực quan, khó kiểm chứng thu nhập thực chất.

Đơn cử, theo bộ chỉ số ước tính thu nhập này, một gia đình có nhà kiên cố, có ti vi, tủ lạnh, bình nóng lạnh… thì không thể được công nhận là hộ cận nghèo, chứ đừng nói là hộ nghèo. Nhưng trên thực tế, những tài sản này chưa chứng minh được hộ này có thu nhập trên mức chuẩn nghèo, cận nghèo hay không.

Hộ anh Hồ Bá Trung, sinh năm 1984, ở xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) là một ví dụ. Năm 2018, lốc xoáy đã làm sập một phần căn nhà của anh nên anh vay mượn tiền người thân, bạn bè làm lại một căn nhà kiên cố để ở. Nhà có mẹ già, con nhỏ nên anh cố sắm cái tủ lạnh, bình nóng lạnh, bởi anh thường xuyên phải đi làm thuê. Trước khi chưa làm lại nhà, anh vẫn thuộc hộ nghèo; nhưng cuối năm 2019, khi xét duyệt, gia đình anh đã được công nhận… thoát nghèo vì đã có điều kiện kinh tế khá hơn trước!.

Nhiều khu tái định cư, đồng bào được ở trong những ngôi nhà kiên cố nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao. (Ảnh minh họa)
Nhiều khu tái định cư, đồng bào được ở trong những ngôi nhà kiên cố nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao. (Ảnh minh họa)

Băn khoăn nâng chuẩn thu nhập

Một vấn đề đáng lưu ý là, bộ chỉ số ước tính thu nhập khi rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo hướng dẫn của Thông tư 17/TT-BLĐTBXH chưa có sự tách bạch rõ ràng giữa thu nhập và chi tiêu của một gia đình. Bởi thực tế, những chỉ số như: Số điện tiêu thụ hằng tháng, ti vi, tủ lạnh, xe máy… là những yếu tố “đầu ra” của thu nhập.

Trong khi đó, theo quy trình rà soát của Tổng cục Thống kê (TCTK), thu nhập của hộ gia đình bao gồm các khoản thu như: Thu từ sản xuất (sau khi đã trừ chi phí sản xuất và thuế sản xuất); thu từ tiền công, tiền lương (bao gồm tất cả các khoản tiền công, tiền lương, công tác phí, ăn ca, bồi dưỡng, các khoản thưởng...).

Nhưng cách tính thu nhập của TCTK lại khó áp dụng khi điều tra, rà soát hộ nghèo, nhất là các hộ có lao động đi làm ăn xa, thu nhập chủ yếu từ tiền công, tiền lương. Với những lao động đi làm ăn xa, thu nhập từ lương có thể 5 - 7 triệu đồng/tháng, nhưng nếu trừ chi phí sinh hoạt tại nơi làm việc thì tiền gửi về nhà không còn bao nhiêu.

Phải khẳng định, với các chính sách giảm nghèo đã được triển khai trong những năm qua, thu nhập của đại đa số người dân đã được nâng lên đáng kể. Minh chứng rõ nhất là chuẩn nghèo về thu nhập được nâng cao hơn qua từng giai đoạn. Trong giai đoạn 2021 - 2025, theo dự thảo của Bộ LĐTB&XH, chuẩn nghèo về thu nhập dự kiến sẽ được nâng lên thành 1,2 triệu đồng/người/tháng (khu vực nông thôn), 1,6 triệu đồng/người/tháng (khu vực thành thị), tăng gần gấp đôi so với mức chuẩn của giai đoạn 2016 - 2020.

Việc nâng chuẩn nghèo là phù hợp với bước phát triển mới trong công tác giảm nghèo. Tuy nhiên, tính thu nhập trong quá trình rà soát hộ nghèo như thế nào cho hợp lý vẫn cần được tính toán kỹ lưỡng; đặc biệt, cần xem xét chỉ số “việc làm” là yếu tố “đầu vào” quan trọng nhất. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Đắk Nông sẽ diễn ra vào giữa tháng 10

Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Đắk Nông sẽ diễn ra vào giữa tháng 10

Ngày 6/9, Ban Tuyên giáo tỉnh Đắk Nông phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức Hội nghị Giao ban báo chí tháng 8/2024. Tại Hội nghị, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông Quách Công Ban đã cung cấp thông tin liên quan đến Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Đắk Nông lần thứ 4, năm 2024.