Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Giảm nghèo về dinh dưỡng bắt đầu từ nhận thức

Vân Khánh - 09:00, 02/12/2022

Xóa bỏ tất cả các dạng đói và suy dinh dưỡng đến năm 2030, bảo đảm cho mọi người, đặc biệt là trẻ em có đủ thực phẩm và dinh dưỡng (mọi lúc, mọi nơi) là một trong những mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) mà Việt Nam cam kết thực hiện. Mô hình nông nghiệp bảo đảm dinh dưỡng thuộc Chương trình hành động quốc gia “không còn nạn đói” ở Việt Nam đến năm 2025 đã và dang tác động làm thay đổi nhận thức về dinh dưỡng của người dân để hướng tới mục tiêu này.

Mô hình nông nghiệp bảo đảm dinh dưỡng góp phần thay đổi nhận thức của người dân về dinh dưỡng. (Trong ảnh: "Cán bộ Hội Phụ nữ Yên Bái hướng dẫn chị em đa dạng dinh dưỡng cho gia đình bằng các cây, con tự nuôi, trồng - Ảnh: TL)
Mô hình nông nghiệp bảo đảm dinh dưỡng góp phần thay đổi nhận thức của người dân về dinh dưỡng. (Trong ảnh: "Cán bộ Hội Phụ nữ Yên Bái hướng dẫn chị em đa dạng dinh dưỡng cho gia đình bằng các cây, con tự nuôi, trồng - Ảnh: TL)

Cam kết xóa bỏ nạn đói dinh dưỡng

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, tại thời điểm năm 2020, Việt Nam là 1/34 quốc gia trên toàn cầu phải đối mặt với gánh nặng suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em; đáng chú ý là tình trạng SDD thấp còi ở trẻ em. Hiện, tỷ lệ SDD thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam vẫn trên 22%, chủ yếu tập trung ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tỷ lệ này ở miền núi phía Bắc là 27,1% và Tây Nguyên là 29,8%. Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi SDD ở nhóm DTTS rất ít người còn ở mức cao. Trong đó dân tộc Chứt là 40%, Si La: 21,7%; Bố Y: 35%; La Ha: 20%, Brâu, Rơ Măm: 29,87%; Ơ đu: 12%; Lô Lô: 16,91%.

Để góp phần cải thiện tình trạng SDD ở trẻ em, ngày 12/6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 712/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” đến năm 2025 (gọi tắt là Chương trình). Chương trình đặt mục tiêu bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm, đáp ứng đủ dinh dưỡng cho người dân nhằm nâng cao thể trạng, trí tuệ, tầm vóc con người Việt Nam; đồng thời thực hiện mục tiêu phát triển bền vững số 2 (SDG2) do Chính phủ Việt Nam cam kết với Liên Hợp Quốc. Chương trình có 5 nhiệm vụ chính và được thiết kế thành 2 giai đoạn (2018 - 2021 và 2022 - 2025) nhằm tích hợp, gắn kết hài hòa giữa các nội dung để các bộ, ngành, địa phương lồng ghép và triển khai.

Tại Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai Chương trình được tổ chức ở Tp. Thái Nguyên ngày 24/11/2022, ông Vũ Ngọc Huyên - Phó Giám đốc Học viện Nông Nghiệp Việt Nam khẳng định, Chương trình phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững về xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và phát triển bền vững của Việt Nam.

“Sự phù hợp trước hết là địa bàn thực hiện Chương trình là các tỉnh có huyện nghèo, xã khu vực II, III vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đây là nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao cũng như có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao so với bình quân cả nước", ông Huyên cho biết.

Theo báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), qua hơn 3 năm thực hiện (2018 - 2021), Chương trình đem lại hiệu quả rõ ràng cho sự phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân các vùng khó khăn. Đặc biệt, Bộ NN&PTNT cùng các địa phương đã xây dựng được 24 mô hình điểm về tổ chức sản xuất nông nghiệp đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng tại 18 tỉnh (16 dự án từ nguồn vốn của Bộ và 8 dự án từ nguồn vốn của địa phương).

Đồng thời, từ 2019 đến hết 2021, Bộ NN&PTNT đã giao cho các đơn vị thuộc Bộ phối hợp với các địa phương đào tạo được 51 lớp tại 29 tỉnh với số lượng gần 2.000 người người cho lực lượng cán bộ và người dân tham gia thực hiện Chương trình (29 lớp tập huấn cho cán bộ với gần 1.000 học viên và 22 lớp tập huấn cho người dân với 845 học viên).

“Sau hơn 3 năm triển khai, Chương trình đã góp phần thay đổi nhận thức của cán bộ và người dân về nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng. Người dân đã nhận thức được việc cần sản xuất để bù đắp việc thiếu hụt dinh dưỡng cho hộ gia đình, đặc biệt là phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 2 tuổi”, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đánh giá.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn, chia sẻ tại Hội nghị sơ kết ngày 24/11/2022.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn, chia sẻ tại Hội nghị sơ kết ngày 24/11/2022.

Thay đổi từ nhận thức

Việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” đến năm 2025, với nòng cốt là triển khai mô hình nông nghiệp bảo đảm dinh dưỡng, đã góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng trên phạm vi cả nước. Theo báo cáo của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ được cải thiện, hiện giảm xuống còn 19,6%, chuyển từ mức cao sang mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Theo ông Ma Quang Trung, chuyên gia tư vấn của Chương trình, từ những kết quả của giai đoạn 2018 - 2021, thời gian tới cần tiếp tục nhân rộng mô hình nông nghiệp bảo đảm dinh dưỡng.

“Giai đoạn 2022 - 2025, nên tiếp tục xây dựng một số dự án nông nghiệp bảo đảm dinh dưỡng từ nguồn Bộ NN&PTNT ở các tỉnh chưa có dự án điểm của giai đoạn trước. Ngoài ra, ở các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng cần triển khai 3 - 5 dự án nông nghiệp bào đảm dinh dưỡng, làm cơ sở để mở rộng ra các năm tiếp theo”, ông Trung khuyến nghị.

Theo chuyên gia Ma Quang Trung, Chương trình không có nguồn kinh phí riêng mà phần lớn được thực hiện qua huy động, phân vốn, lồng ghép với các hoạt động của các chương trình, dự án có liên quan khác, như: Nguồn giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, xây dựng nông thôn mới… Do đó, hiệu quả phụ thuộc vào nhận thức và mức độ ưu tiên chính sách của từng Bộ, ngành và địa phương.

“Mục tiêu của Chương trình “Không còn nạn đói” là cam kết chung của quốc gia nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững SDG2. Vì vậy, cần có quá trình xem xét, chỉ đạo hướng dẫn cụ thể về cơ chế lồng ghép để tối đa hóa các nguồn lực cho Chương trình, đặc biệt là các Chường trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và các chương trình mang tính cam kết toàn cầu”, ông Trung đề nghị.

Ông Ma Quang Trung, chuyên gia tư vấn của Chương trình chia sẻ tại Hội nghị sơ kết ngày 24/11/2022.
Ông Ma Quang Trung, chuyên gia tư vấn của Chương trình chia sẻ tại Hội nghị sơ kết ngày 24/11/2022.

Đồng quan điểm, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ông Vũ Ngọc Huyên cho rằng, do không có kinh phí độc lập nên nhiều địa phương chưa chú trọng bố trí nguồn lực và con người để tổ chức thực hiện Chương trình. Hơn nữa, hiện vẫn còn thiếu cơ chế lồng ghép các nhiệm vụ của Chương trình “không nạn đói” với các chương trình khác, nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

“Một khó khăn nữa là hiện nhận thức của cấp ủy và chính quyền cơ sở về nạn đói về dinh dưỡng và Chương trình “Không nạn đói” vẫn chưa đầy đủ. Hiểu biết về vấn đề dinh dưỡng của nông dân còn hạn chế nên ngoài trồng lúa, nhiều người không biết tận dụng đất sản xuất để trồng thêm hoa màu, trái cây... để cải thiện vi chất dinh dưỡng”, ông Huyên cho biết.

Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam khuyến nghị, để tiếp tục giảm nghèo về dinh dưỡng, trong thời gian tới cần phát huy những điểm mạnh, năng lực vốn có và thành công của cộng đồng để xây dựng, nhân rộng mô hình nông nghiệp bảo đảm dinh dưỡng phù hợp với các nguồn lực sẵn có. Đồng thời phát triển nông nghiệp bảo đảm dinh dưỡng theo hướng vận động từ bên trong ra, dựa vào nội lực trước khi tìm kiếm các hỗ trợ từ bên ngoài, liên kết nguồn lực bên trong với môi trường bên ngoài.

Theo báo cáo của Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn, sau khi thực hiện dự án nông nghiệp bảo đảm dinh dưỡng, trẻ dưới 24 tháng tham gia trong các câu lạc bộ dinh dưỡng đều tăng cân với mức tăng trung bình là 0,64 kg, tăng chiều cao trung bình 1,6 cm; trong số đó trẻ ở Lào Cai có mức cải thiện tốt nhất. Tỷ lệ suy dinh dưỡng cả 3 thể đã có xu hướng giảm ở tất cả các mô hình: Thể nhẹ cân giảm trung bình 1,7%, thấp còi giảm 3,3%, gầy còm giảm 8,1%...