Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách và đời sống

Nhiều kết quả tích cực sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình “Không còn nạn đói”

Vân Khánh - 19:28, 24/11/2022

Ngày 24/11, tại Tp. Thái Nguyên, Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) phối hợp cùng Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị sơ kết Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” giai đoạn 2018 - 2021 và xin ý kiến về kế hoạch triển khai Chương trình đến năm 2025. Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn chủ trì Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị.

Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 12/6/2018. Chương trình đặt mục tiêu bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm, đáp ứng đủ dinh dưỡng cho người dân nhằm nâng cao thể trạng, trí tuệ, tầm vóc con người Việt Nam; đồng thời thực hiện mục tiêu phát triển bền vững số 2 (SDG2) do Chính phủ Việt Nam cam kết với Tổ chức Liên hợp quốc.

Chương trình có 5 nhiệm vụ chính và được thiết kế thành 2 giai đoạn (2018 - 2021 và 2022 - 2025) nhằm tích hợp, gắn kết hài hòa giữa các nội dung để các Bộ, ngành lồng ghép và triển khai mới gồm 68 nội dung. Trong đó có 52 nội dung thực hiện lồng ghép, 16 nội dung được xây dựng mới.

Kinh phí thực hiện Chương trình được lấy từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo; các chương trình mục tiêu, dự án; nguồn vốn sự nghiệp hàng năm và nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, với tổng nguồn vốn dự kiến 545,11 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2018 - 2020 là 33,95 tỷ đồng; giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến 511,16 tỷ đồng.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, phát biểu tại Hội nghị
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, phát biểu tại Hội nghị

Báo cáo của Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn tại Hội nghị cho thấy, trong giai đoạn 2018 - 2021, qua hơn 3 năm thực hiện, nhìn chung với 52 nhiệm vụ lồng ghép và 16 nhiệm vụ xây dựng mới của các bộ, ngành và các địa phương đã được tích cực triển khai.

Đối với 16 nhiệm vụ xây dựng mới, Bộ NN&PTNT đã lập kế hoạch cấp xã và tổng hợp ở các cấp về xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp dinh dưỡng tại 26 xã, đạt kế hoạch đề ra; đồng thời đã xây dựng mô hình điểm về tổ chức sản xuất nông nghiệp đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng tại 18 tỉnh với 24 dự án, gồm: 16 dự án từ nguồn vốn của Bộ NN&PTNT và 8 dự án từ nguồn vốn của địa phương. Trong 3 năm (2019 - 2021), Bộ NN&PTNT đã giao cho các đơn vị thuộc Bộ tổ chức 29 lớp tập huấn cho cán bộ, tổ chức 22 lớp tập huấn với 845 học viên cho người dân tại 17 tỉnh…

Ở cấp địa phương, hiện đã có 16/28 tỉnh xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói (theo kế hoạch của giai đoạn 2018 - 2020 thực hiện tại 28 tỉnh có huyện nghèo, giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến thực hiện tại 40 tỉnh có xã đặc biệt khó khăn, huyện nghèo). Các địa phương đã phối hợp với các cơ quan có liên quan ở Trung ương đào tạo 51 lớp, 29 tỉnh với số lượng gần 2.000 người cho lực lượng cán bộ và người dân tham gia thực hiện Chương trình…

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, sau hơn 3 năm triển khai, Chương trình đã góp phần thay đổi nhận thức của cán bộ và người dân về nông nghiệp bảo đảm dinh dưỡng. Người dân đã nhận thức được việc cần sản xuất để bù đắp việc thiếu hụt dinh dưỡng cho hộ gia đình, đặc biệt là phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 2 tuổi.

Các hộ tham gia mô hình bước đầu đã biết cách sử dụng sản phẩm của mô hình để cải thiện dinh dưỡng cho hộ gia đình, đặc biệt là cho trẻ em. Kết quả khảo sát cho thấy, các hộ gia đình thu được trứng gà đã sử dụng để chế biến thức ăn hàng ngày. Sau tập huấn người dân đã áp dụng được cách làm chuồng trại, cách nuôi, cách phòng bệnh, không còn chăn thả tự do không chăm sóc.

Ông Đào Thế Anh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị
Ông Đào Thế Anh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị

Về cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em sau khi thực hiện dự án, trẻ dưới 24 tháng tham gia trong các câu lạc bộ dinh dưỡng đều tăng cân với mức tăng trung bình là 0,64 kg, tăng chiều cao trung bình 1,6 cm; trong số đó, trẻ ở Lào Cai có mức cải thiện tốt nhất. Tỷ lệ suy dinh dưỡng cả ba thể đã có xu hướng giảm ở tất cả các mô hình: Thể nhẹ cân giảm TB 1,7%, thấp còi giảm 3,3%, gầy còm giảm 8,1%...

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, qua hơn 3 năm thực hiện, nhìn chung nhận thức của nhiều cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương chưa đầy đủ, nên việc tích cực triển khai Chương trình còn hạn chế. Việc triển khai ở các tỉnh còn rất nhiều khó khăn, do hầu hết các tỉnh giai đoạn đầu chưa nắm bắt được cách thức triển khai Chương trình, nhiều tỉnh chưa chủ động, chưa xây dựng được Chương trình cho tỉnh mình. Với những tỉnh đã xây dựng và ban hành được Chương trình thì một số còn chưa xác định rõ ràng nội dung cần thực hiện. Công tác tuyên truyền mới chủ yếu được thực hiện ở các hoạt động triển khai nhiệm vụ ở cấp Trung ương nên chưa được sâu rộng tới người dân…

Tại Hội nghị, các chuyên gia đến từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên cũng như các chuyên gia tư vấn đã làm rõ thêm những tồn tại, hạn chế sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình. Các tham luân tại Hội nghị cũng đã đóng góp nhiều ý kiến vào kế hoạch triển khai Chương trình “Không còn nạn đói” đến năm 2025.

Tin cùng chuyên mục
“Giữ chân” người bảo vệ rừng bằng cơ chế đặc thù

“Giữ chân” người bảo vệ rừng bằng cơ chế đặc thù

Việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp là một trong những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ, phát triển rừng. Tại Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Lào Cai khóa XVI ngày 22/8/2024 đã thông qua Nghị quyết số 14/2024/NQ-HĐND (NQ14) về mức cấp kinh phí, đầu tư, hỗ trợ đầu tư, khoán bảo vệ rừng; hỗ trợ tiền ăn cho người tham gia chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Trong đó, ban hành mức cấp kinh phí khoán bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh đối với các loại rừng với mức hỗ trợ đều tăng so với trước đây.