Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Giáo dục con trẻ bằng những giá trị văn hóa truyền thống

Nguyễn Thế Lượng - 17:27, 22/07/2021

Trải qua thời gian, những nét đẹp văn hóa truyền thống vẫn được đồng bào Tày ở Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên (Lào Cai) gìn giữ và truyền lại cho con cháu đời sau. Hạt nhân của hành trình lưu truyền những giá trị văn hóa tốt đẹp ấy chính là gia đình…

Những căn nhà sàn truyền thống ở Nghĩa Đô nép mình dưới sườn núi.
Những căn nhà sàn truyền thống ở Nghĩa Đô nép mình dưới sườn núi.

Lớn lên từ cái nôi văn hóa dân tộc

Nghĩa Đô là xã vùng cao của huyện Bảo Yên, vùng đất này là địa bàn sinh sống của trên 98% người Tày. Từ bao đời nay, người Tày Nghĩa Đô sinh sống quần tụ dưới những triền núi, bên con suối Nậm Luông và đã hình thành một kho tàng văn hóa cổ truyền vô cùng độc đáo và phong phú. Trong cuộc sống, đồng bào Tày Nghĩa Đô đặc biệt chú trọng đến việc giáo dục con trẻ với mong muốn con em mình lớn lên sẽ trở thành những người con ưu tú của bản làng, quê hương, luôn biết trân trọng nét đẹp của văn hóa của dân tộc mình.

Bởi vậy, trước khi con em đến trường học chữ, các gia đình người Tày Nghĩa Đô luôn vận dụng những phong tục, tập quán, quan niệm nhân sinh làm bài học quý để răn dạy con cháu mình.

Xác định tiếng mẹ đẻ là yếu tố vô cùng quan trọng nên ngay từ khi đứa trẻ được sinh ra và lớn lên, các pả (bà), ấm (mẹ), pò (bố) đã dạy cho cách phát âm tiếng Tày. Rồi trước khi đi học mầm non, học tiếng Việt, những đứa trẻ người Tày ở Nghĩa Đô đã nói thành thạo ngôn ngữ dân tộc mình.

Những bà mẹ người Tày ở Nghĩa Đô luôn có ý thứcgiữ gìn, trao truyền văn hóa cho con cháu
Những bà mẹ người Tày ở Nghĩa Đô luôn có ý thức giữ gìn, trao truyền văn hóa cho con cháu (Ảnh TL)

Cùng với tiếng nói thì trang phục dân tộc cũng được các gia đình người Tày gìn giữ và truyền lại cho thế hệ sau. Trong mỗi gia đình, những người phụ nữ Tày luôn có ý thức bảo tồn, gìn giữ nét đẹp trang phục của dân tộc mình trong cuộc sống đời thường cũng như trong dịp lễ tết. Con gái lớn lên đều được mẹ dạy cho biết cắt vải để khâu váy, khâu áo và biết dệt những tấm thổ cẩm lớn làm chăn cưới, làm gối…


Coi trọng văn hóa ứng xử

Không gian nhà sàn truyền thống của người Tày Nghĩa Đô cũng là nơi lưu giữ những phong tục, tập quán mang đậm bản sắc văn hóa. Những người cao tuổi là ông bà, bố mẹ dạy cho con trẻ biết về phong tục làm nhà sàn, những bài cúng ma tổ, những nơi linh thiêng trong nhà như cầu thang, bếp lửa, nơi đặt bàn thờ… để mỗi đứa trẻ Tày lớn lên lại tiếp tục truyền lại những nét đẹp ấy của dân tộc mình cho đời sau.

Nghệ nhân dân gian Ma Thanh Sợi (ở bản Rịa, xã Nghĩa Đô) cho biết: “Văn hóa ứng xử của người Tày Nghĩa Đô như một nét đẹp ẩn tàng trong mỗi gia đình, mỗi con người nơi đây và không phai nhạt theo thời gian. Từ trong mỗi gia đình, văn hóa ứng xử đã được người Tày gìn giữ và trao truyền. Đó là lối sống đoàn kết giữa các gia đình, giữa các bản, giữa anh em trong và ngoài họ; là sự sẻ chia, cộng đồng trách nhiệm mỗi khi có công việc hiếu, hỉ”.

Nghệ nhân văn hóa được nhà trường mời đến truyền dạy hát Then cho học sinh Nghĩa Đô.
Nghệ nhân văn hóa được nhà trường mời đến truyền dạy hát Then cho học sinh Nghĩa Đô.

Mến khách cũng là một nét văn hóa của Người Tày Nghĩa Đô. Đồng bào đón khách ngay tại chân cầu thang khi có người đến chơi, rồi họ mời rượu khách quý ngay ở chân cầu thang để tỏ rõ thịnh tình. Khi ăn cơm, khách được mời ngồi ở nơi trang trọng nhất trong nhà và là người đầu tiên được mời những món ngon ăn nhất trong mâm. Trong mỗi gia đình người Tày Nghĩa Đô, con cháu, ông bà, bố mẹ ứng xử với nhau rất hòa thuận, êm ấm và phép tắc. Người già được con cháu chăm lo chu đáo từ cơm ăn, nước uống, bố mẹ luôn dạy bảo các con những điều hay lẽ phải, khi có khách đến nhà chơi thì biết chào hỏi, thưa gửi…

Có được điều đó là nhờ vào mạch nguồn chảy mãi trong mỗi gia đình - hạt nhân của giáo dục, của sự gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa cổ truyền nơi đây.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.