Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục dân tộc

Gìn giữ bản sắc văn hóa các DTTS trong trường học ở Quảng Bình

PV - 16:12, 09/03/2023

Xác định việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thông qua môi trường giáo dục sẽ giúp học sinh có những hiểu biết về truyền thống, bản sắc văn hóa, thời gian qua, nhiều trường học, nhất là các trường PTDT nội trú trên địa bàn, tỉnh Quảng Bình đã quan tâm triển khai hoạt động này bằng nhiều hình thức. Từ đó, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo môi trường học đường lành mạnh, thân thiện.

Không gian văn hóa truyền thống ở Trường PTDTNT huyện Lệ Thủy
Không gian văn hóa truyền thống ở Trường PTDT Nội trú huyện Lệ Thủy

Trường PTDT Nội trú tỉnh Quảng Bình là nơi đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho các địa phương vùng DTTS trên địa bàn toàn tỉnh, nên ngoài việc chú trọng chất lượng giáo dục, trường còn quan tâm, triển khai nhiều hoạt động để học sinh có cơ hội thể hiện nét đẹp văn hóa dân tộc mình, tạo sự giao thoa văn hóa trong học đường.

Thầy giáo Phạm Hồng Việt, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Với đặc thù là trường PTDT nội trú, đối tượng tuyển sinh là con em vùng đồng bào DTTS, nên Nhà trường chú trọng tạo điều kiện cho các em thích nghi với môi trường mới để học tập tốt và giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Trường đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, hỗ trợ học sinh cả về học tập cũng như trong sinh hoạt nội trú tại trường. Vào đầu mỗi năm học, trường đều xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, tuyên truyền cho giáo viên, học sinh về tầm quan trọng của việc bảo vệ, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Nhiều hoạt động được Nhà trường triển khai, như: Tạo điều kiện cho học sinh tham gia lễ hội truyền thống của địa phương, cuộc thi tìm hiểu về bản sắc văn hóa vùng dân tộc, khích lệ, động viên các em phát huy giá trị của văn hóa dân tộc mình trong cuộc sống... Ngoài ra, trường còn quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu nét đẹp văn hóa của các địa phương, sưu tầm làn điệu dân ca, nhạc cụ và trang phục truyền thống.

Vào các dịp lễ hội, như: Lễ hội đập trống của người Ma Coong (nhóm địa phương thuộc dân tộc Bru Vân Kiều) xã Thượng Trạch, Bố Trạch; Lễ hội rằm tháng Ba Minh Hóa; Lễ hội mừng cơm mới của đồng bào Bru Vân Kiều... trường luôn tạo điều kiện cho học sinh tham gia, giúp các em có cơ hội hòa mình vào không gian lễ hội và các hoạt động thể thao của địa phương mình.

Bên cạnh đó, trường còn tích hợp lồng ghép việc giáo dục văn hóa truyền thống vào những bộ môn, như: Ngữ văn, Địa lý, Giáo dục công dân...; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tạo sân chơi lành mạnh bổ ích cho các em. Hằng năm, trường luôn tổ chức Hội khỏe Phù Đổng thu hút rất đông học sinh tham gia. Ngoài điền kinh, bơi lội.. trường đã đưa vào các môn thể thao dân tộc phổ biến ở vùng DTTS như kéo co, đẩy gậy...

Em Hồ Thị Biên, học sinh lớp 10, người Khùa (nhóm địa phương thuộc dân tộc Bru Vân Kiều) ở xã Trọng Hóa (Minh Hóa) cho hay: "Em biết chơi các môn thể thao dân tộc và hát làn điệu dân ca Minh Hóa. Việc nhà trường tổ chức cho học sinh tham gia các môn thể thao dân tộc và giáo dục chúng em gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống giúp học sinh được thể hiện năng khiếu bản thân, tự hào hơn về quê hương của mình. Nhờ đó, chúng em đỡ nhớ nhà và học tập tốt hơn".

Em Đinh Xuân Lâm, học sinh lớp 12, người Mã Liềng, xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa) chia sẻ, nhà em có 4 anh chị em và ai cũng biết chơi các môn thể thao dân tộc, nhất là môn đẩy gậy. Nhờ chơi thể thao mà em có sức khỏe tốt và có thêm nhiều bạn bè. Em mong muốn sẽ có nhiều môn thể thao dân tộc được đưa vào thi đấu để các em có cơ hội tham gia.

Thực tế cho thấy, việc quan tâm, đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sống, đạo đức, lối sống và tuyên truyền nâng cao nhận thức cho học sinh về gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc đã tạo nên nhiều thay đổi đáng mừng trong nhận thức, hành động của học sinh. Đa số học sinh của trường đều rất ngoan, có ý thức học tập và chấp hành tốt các nội quy quy định của nhà trường. Các em biết lựa chọn, học hỏi những nét đẹp văn hóa dân tộc từ các bạn cùng lớp, cùng trường, biết đấu tranh xóa bỏ các hủ tục và tệ nạn xã hội. Những năm gần đây, trường không có học sinh bỏ học giữa chừng để lập gia đình. Số học sinh thi đỗ vào đại học, cao đẳng ngày càng tăng.

Chia sẻ với chúng tôi, thầy giáo Phạm Hồng Việt cho biết thêm: Sắp tới, trường sẽ nghiên cứu, lựa chọn đưa thêm một số bộ môn thể thao dân tộc của các địa phương vào các giải thi đấu của trường; tiếp tục sưu tầm dân ca, nhạc cụ dân tộc và tổ chức nhiều hơn hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao nhằm tạo bức tranh văn hóa đa sắc màu, làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho giáo viên, học sinh trong toàn trường.

Tại Trường PTDT Nội trú huyện Lệ Thủy, hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa địa phương được chú trọng thực hiện từ nhiều năm nay. Trường có không gian trưng bày khá đầy đủ nhạc cụ dân tộc, trang phục truyền thống của vùng đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều. Ngoài việc tạo điều kiện cho học sinh được học dân ca từ các nghệ nhân, được nghe giới thiệu các đặc trưng văn hóa dân tộc, được truyền dạy nhạc cụ dân tộc..., trường còn lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến giá trị của văn hóa truyền thống vào các môn học tích hợp, hoạt động ngoại khóa. Nhờ đó, trường có rất nhiều học sinh hát, trình diễn dân ca và nhạc cụ dân tộc khá tốt.

Nhiều trường học cũng có những hoạt động thiết thực nhằm giáo dục cho học sinh nâng cao nhận thức trong việc giữ gìn văn hóa truyền thống. Hoạt động phổ biến là sưu tầm dân ca, nhạc cụ dân tộc, thành lập phòng trưng bày văn hóa dân gian và tổ chức cho học sinh tham gia các trò chơi dân gian, thể thao dân tộc, trình diễn trang phục truyền thống, hát dân ca…

Các trường còn lồng ghép việc tuyên truyền, giáo dục văn hóa truyền thống trong hoạt động dạy học và những buổi sinh hoạt ngoại khóa, khơi dậy trong mỗi học sinh niềm tự hào dân tộc. Từ đó, nâng cao ý thức bảo vệ, phát huy giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống trong sinh hoạt, học tập.

Việc tổ chức hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa, chính khóa, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thi đấu các môn thể thao dân tộc, trình diễn dân ca, nhạc cụ truyền thống… đã góp phần nâng cao nhận thức trong mỗi học sinh về gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Qua đó, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa của học sinh, tạo động lực để mỗi học sinh học tập, rèn luyện tốt hơn nhằm đóng góp công sức, trí tuệ phục vụ quê hương.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.