Điệu múa mừng Xuân
Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Nguyễn Mạnh Hoạch, người đã có hơn 50 năm thực hành và gìn giữ loại hình nghệ thuật múa trống đu độc đáo ở huyện Yên Lập, Phú Thọ cho biết, múa trống đu là loại hình nghệ thuật dân gian, được người Mường lưu truyền từ đời này qua đời khác, trở thành nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường Yên Lập hôm nay.
Múa trống đu thường có 12 người biểu diễn, trong đó có 3 người đánh trống, 2 anh mõ lộn, 1 anh thợ kèn và 6 nữ múa sênh tiền. Người múa chính mặc trang phục màu đỏ, chít khăn đỏ. Người phụ họa mặc trang phục và chít khăn màu nâu đỏ. Tiết tấu của múa trống đu khi dồn dập, khi uyển chuyển. Người múa trống biểu diễn các động tác: lăn trống, vần trống, tung trống, vê trống, gõ trống… rất điệu nghệ, thuần thục, tạo nên âm thanh sôi động, cuốn hút mọi người đến chiêm ngưỡng, cổ vũ.
Ở huyện Yên Lập, NNƯT Nguyễn Mạnh Hoạch được coi là “bậc thầy” trong việc thực hành và gìn giữ nghệ thuật múa trống đu. Ông là người sáng tạo, cải biên ra tiết tấu nhịp trống ban đầu từ 3,4 lên nhịp 7,8 để đẩy nghệ thuật gõ trống đến mức cao trào. Trong đội múa, ông giữ vai trò múa trống chính giữ nhịp cho toàn đội. Người múa chính và người múa phụ họa vừa múa vừa đánh trống sao cho nhịp trống khớp với các động tác nhảy múa.
Nghệ nhân Mạnh Hoạch cho biết, cái khó nhất của múa trống đu không chỉ ở trình độ nghệ thuật biểu diễn mà đòi hỏi người múa phải có một sức khỏe dẻo dai, một sự cảm thụ sâu sắc về ý nghĩa của điệu múa mới có thể thực hiện nhiều động tác khó, điêu luyện như nằm ôm trống bằng hai chân, tung trống lên cao đón trống bằng chân, bồng trống, kẹp trống vào hai chân rồi quay vòng tròn cùng trống giống như hình tượng người cha đang bế đứa con, đùa giỡn, nựng chiều.
Trao truyền di sản
Để bảo tồn, truyền dạy nghệ thuật múa trống đu, từ năm 1986 đến nay, NNƯT Nguyễn Mạnh Hoạch đã đứng ra truyền dạy nghệ thuật biểu diễn múa trống đu cho trên 600 học trò người Mường là thành viên các đội văn nghệ trên địa bàn huyện Yên Lập.
Tại xã Đồng Thịnh, NNƯT Nguyễn Mạnh Hoạch tập hợp được một đội văn nghệ dân gian gồm 15 người cả nam lẫn nữ thường xuyên luyện tập, tham gia biểu diễn phục vụ Nhân dân vào các ngày lễ, Tết, các sự kiện văn hóa chính trị tại địa phương. Các đợt liên hoan, hội thi, hội diễn văn nghệ của xã và huyện tổ chức đều có sự góp mặt của đội múa trống đu.
Không chỉ dạy múa cho các đội văn nghệ quần chúng, NNƯT Nguyễn Mạnh Hoạch còn được mời truyền dạy múa trống đu cho các cháu học sinh tại Trường THCS Đồng Thịnh. Mỗi tuần 2 buổi, ông đến trường dạy các cháu cách gõ trống, múa trống, hướng dẫn các cháu về kỹ năng cảm thụ âm thanh, lắng nghe tiết tấu để phân biệt từng trường đoạn cụ thể, từ đó chuyển thành kỹ năng múa, bài múa hoàn hảo. Đến nay, nhiều cháu đã có thể tham gia biểu diễn tự tin trước công chúng.
Triển khai Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của các DTTS để phát triển du lịch, thuộc Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021-2030, từ năm 2022, cùng với nghệ thuật múa chuông, múa rùa của dân tộc Dao, múa trống đu của dân tộc Mường ở huyện Yên Lập đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ kinh phí để nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn.
Tiếp đến, năm 2023, Dự án 6 đã hỗ trợ cho tỉnh Phú Thọ mở lớp truyền dạy nghệ thuật múa trống đu, múa sênh tiền và hò đu cho cộng đồng người Mường tại huyện Yên Lập. NNƯT Nguyễn Mạnh Hoạch cùng 11 nghệ nhân của xã Đồng Thịnh được mời đứng lớp truyền dạy nghệ thuật múa trống đu cho 88 học viên là nghệ nhân, cán bộ văn hoá, thành viên các CLB văn hoá, văn nghệ dân tộc Mường huyện Yên Lập.
Ông Đinh Quang Hùng, Chủ tịch UBND xã Đồng Thịnh cho biết, việc tổ chức lớp truyền dạy góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa đặc sắc và niềm tự hào của đồng bào dân tộc Mường ở Yên Lập, tạo tiền đề cho các địa phương tổ chức, nhân rộng loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc này trong cộng đồng dân tộc Mường, từng bước tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo tại địa phương.