Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Sức sống của thổ cẩm Chăm

Thành Nhân - 10:28, 07/01/2020

Dệt thổ cẩm truyền thống vốn là nghề nổi tiếng của đồng bào Chăm ở làng nghề Mỹ Nghiệp (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận). Dệt thổ cẩm không chỉ đơn thuần là làm ra những sản phẩm phục vụ sinh hoạt hàng ngày, mà nó còn là thước đo để đánh giá một người phụ nữ đảm đang. Bởi thế, người phụ nữ Chăm nào cũng biết dệt thổ cẩm.

Sản phẩm thổ cẩm Mỹ Nghiệp với những hoa văn độc đáo được khách hàng ưa chuộng.
Sản phẩm thổ cẩm Mỹ Nghiệp với những hoa văn độc đáo được khách hàng ưa chuộng

Chị Thiên Thị Thẩm, một thợ dệt lành nghề cho hay: “Dệt thổ cẩm truyền thống vốn là nghề nổi tiếng của làng nghề Mỹ Nghiệp. Nó được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tôi chỉ biết nghề này có từ hồi bà cao, bà cố, đến bà ngoại rồi đến mẹ và giờ là tôi nên tôi luôn có ý thức phải giữ gìn để sau này truyền dạy lại cho con, cháu của mình”.

Ngay từ khi còn nhỏ, những cô gái Chăm đã phải theo mẹ học nghề. Ban đầu, các cô gái chỉ đứng quan sát và phụ mẹ lấy chỉ. Khi đã thẩm thấu được kỹ thuật căn bản của nghề, họ mới được mẹ cho trực tiếp ngồi vào khung dệt. Mẹ truyền, con nối, cứ như vậy, trải qua thời gian với biết bao thăng trầm, nghề dệt thổ cẩm vẫn được gìn giữ như một di sản thiêng liêng của người Chăm ở Ninh Thuận.

Quy trình dệt thổ cẩm của phụ nữ Chăm ở Mỹ Nghiệp bắt đầu từ việc chọn bông làm sợi, chủ yếu sử dụng sợi từ cây lam lan. Giống như nghề dệt của đa số đồng bào DTTS, người Chăm nhuộm màu cho sợi trước khi dệt. Người ta thường sử dụng nguyên liệu từ các loại khoáng vật, thực vật ở địa phương, vừa tạo màu sắc tự nhiên vừa tạo sự đặc biệt của thổ cẩm.

Điều làm nên giá trị độc đáo của thổ cẩm Mỹ Nghiệp nằm ở cách tạo hoa văn trên vải. Thợ dệt đếm sợi và tỷ mỷ luồn từng sợi chỉ đan xen nhau, tạo nên những hoa văn khác nhau, dệt nên những sản phẩm thổ cẩm tuyệt đẹp. Các hoa văn trên vải thổ cẩm thường thể hiện theo nét truyền thống của đồng bào Chăm. Các bà, các mẹ thường lấy hình ảnh của hoa lá, cỏ cây, muôn loài... để dệt hoa văn trên vải. Hoa văn cổ Chăm được nhiều người ưa chuộng, tuy nhiên để dệt thành công hoa văn này tốn nhiều công sức.

Những thợ dệt người Chăm hằng ngày vẫn cần mẫn sáng tạo nên những tấm vải thổ cẩm. Ảnh TL
Những thợ dệt người Chăm hằng ngày vẫn cần mẫn sáng tạo nên những tấm vải thổ cẩm. Ảnh TL

Ở làng dệt thổ cẩm Mỹ nghiệp, hiện có hơn 800 lao động tham gia nghề dệt, riêng có 113 thành viên đang ngày đêm làm ra những sản phẩm độc đáo phục vụ du khách. Giờ đây, thổ cẩm Mỹ Nghiệp không chỉ xuất hiện trong các nghi lễ truyền thống, cưới, hỏi... mà còn được du khách ưa thích, góp phần tích cực vào việc phát triển du lịch, bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận.

Anh Đoàn Minh Hùng, một du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Thổ cẩm của người Chăm ở Ninh Thuận có hoa văn hết sức độc đáo và cuốn hút. Càng nhìn càng thấy đẹp nên mỗi khi có dịp đến đây, tôi đều ghé mua vài sản phẩm về dùng”.

Sản phẩm thổ cẩm được du khách ưa chuộng, người làm nghề có thu nhập ổn định, tình yêu nghề truyền thống luôn cháy trong lòng mỗi người con dân tộc Chăm..., là những lý do tạo ra sức sống mới cho nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp.

Tin cùng chuyên mục