Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Giờ ra chơi sáng tạo

PV - 18:49, 14/09/2020

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, trong giờ ra chơi của học sinh (HS), hơn 200 trường học tại Yên Bái đã đồng loạt cho các em múa hát, nhảy các điệu truyền thống, tạo ra những giờ ra chơi thú vị.

Học sinh TX.Nghĩa Lộ múa các điệu xòe Thái trong giờ ra chơi ở sân trường
Học sinh TX.Nghĩa Lộ múa các điệu xòe Thái trong giờ ra chơi ở sân trường

Đến các trường tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh Yên Bái, vào các giờ ra chơi, chúng tôi được thưởng thức những màn trình diễn ấn tượng của HS với đủ điệu nhảy, múa của các dân tộc ở vùng cao Tây Bắc. Tại Trường phổ thông dân tộc nội trú - THCS H.Mù Cang Chải, hơn 400 HS toàn trường mặc trang phục dân tộc Mông, nam cầm khèn, nữ cầm ô tham gia biểu diễn múa các làn điệu của đồng bào dân tộc Mông, khiến cả trường như một sân khấu lớn.

Tại Trường tiểu học Kim Đồng (TX.Nghĩa Lộ), hơn 1.000 HS toàn trường mặc trang phục dân tộc Thái cầm khăn và quạt tham gia biểu diễn múa các điệu xòe của dân tộc Thái như: điệu khắm khen (cầm tay nhau), điệu xòe khôm khăn (tung khăn), điệu đổn hôn (bước tiến lùi), điệu khắm khăn mơi lảu (nâng khăn mời rượu)... Tại Trường phổ thông dân tộc nội trú H.Văn Chấn, các em lại tập luyện múa dân tộc Khơ mú...

Ở mỗi trường, lại có những điệu nhảy múa mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương. Không chỉ nhảy múa các điệu văn hóa truyền thống, xen kẽ các ngày trong tuần, nhiều trường còn tổ chức cho các em nhảy các bài dân vũ hiện đại như chachacha, flashmob tập thể các bài hát lan tỏa tình yêu đất nước như: VN ơi, Những trái tim VN, Tôi yêu VN...


Là một trong những trường học đầu tiên khởi xướng hoạt động này, anh Nguyễn Sinh Thọ, giáo viên, Tổng phụ trách Đội Trường phổ thông dân tộc nội trú - THCS H.Mù Cang Chải, cho biết hiện cả 6 ngày trong tuần, vào các giờ ra chơi, HS đều được nhảy múa tập thể. Vào ngày thứ hai, các em múa khèn, múa xòe; thứ ba nhảy hiện đại; thứ tư múa võ; thứ năm nhảy dân tộc và hiện đại...

“Cả tuần, ngày nào cũng có chương trình nhảy múa và tổ chức trò chơi dân gian cho các em. Được tham gia những chương trình này, các em đến trường chăm chỉ hơn và giảm áp lực học hành”, anh Thọ phấn khởi nói.

Chia sẻ về giờ ra chơi thú vị, Sùng Bích Ngọc, lớp 9A Trường phổ thông dân tộc nội trú - THCS H.Mù Cang Chải, hào hứng nói: “Em đã được tham gia múa hát 3 năm nay rồi. Em thích lắm vì đến trường được vui chơi và còn được biết nhiều hơn các điệu múa hát của các dân tộc quê mình”.

Điều đáng nói là mô hình giờ ra chơi với các làn điệu dân tộc, điệu nhảy tập thể đã được triển khai ở tất cả 241 trường tiểu học, THCS trên toàn tỉnh Yên Bái. Chia sẻ về mô hình này, chị Thào Thị Thùy Linh, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Đội tỉnh Yên Bái, cho biết đây là mô hình nhằm nâng cao, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục thanh thiếu nhi về truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, đồng thời nâng cao ý thức, khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong thanh thiếu nhi. “Giờ ra chơi giữa các tiết học, thay vì vui chơi tự do, các em HS sẽ được cùng nhau nhảy, múa tập thể các làn điệu đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc tại địa phương mình”, chị Linh nói.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.