Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người Việt xa xứ và tình yêu tiếng mẹ đẻ

Duy Ly - 17:33, 15/07/2021

Cộng đồng người Việt ở nước ngoài dù bận rộn với cuộc sống nơi xứ người, nhưng họ vẫn không quên nguồn cội của mình. Người Việt có những cách để thể hiện tình yêu quê hương, để gìn giữ “chất Việt” trong mình, một trong những hoạt động đó là dạy và giới thiệu Tiếng Việt rất ấn tượng.

Mỹ Linh (đeo kính, thứ hai từ phải qua) cầm sơ đồ giới thiệu về Việt Nam cùng các bạn quốc tế
Mỹ Linh (đeo kính, thứ hai từ phải qua) cầm sơ đồ giới thiệu về Việt Nam cùng các bạn quốc tế

Tiếng Việt - thẻ “căn cước” của người Việt

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) ngày càng  gia tăng về số lượng và mở rộng hơn về địa bàn. Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về NVNONN (Bộ Ngoại giao), từ 4,5 triệu người ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2015, đến nay cộng đồng NVNONN có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là ở các nước phát triển.

Mỹ là quốc gia có đông người Việt sinh sống nhất (hơn 2 triệu người), còn lại, người Việt Nam sinh sống rải rác ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới. Với những nơi tập trung đông người Việt, khả năng sử dụng tiếng Việt trong cộng đồng sẽ cao hơn so với những nơi thưa người hơn. Tuy nhiên, dù ở bất cứ nơi đâu, dù điều kiện và tần suất sử dụng khác nhau, thì tấm “căn cước” này vẫn luôn được người Việt mang theo để định danh và nhắc nhở về nguồn gốc của mình.

Bạn Đỗ Mỹ Linh, 25 tuổi, người Việt định cư tại Canada chia sẻ: “Mình sang đây học tập và làm việc đã được 5 năm, vì có người nhà sinh sống tại đây nên mọi thứ cũng dễ dàng hơn. Khi học tập và làm việc mình sử dụng tiếng Anh là chủ yếu, còn thời gian sinh hoạt trong gia đình mình vẫn dùng tiếng Việt. Mình rất yêu tiếng Việt, mình đã từng làm gia sư tiếng Việt cho một số bạn nước ngoài. Ngoài ra khi học trên trường, mỗi khi có môn học nào đó nói về quê hương, mình đều hào hứng chia sẻ về đất nước mình”.

Linh chia sẻ thêm rằng, hai người cháu họ của cô sinh ra và lớn lên tại Canada, tuy nhiên cả hai bạn đều nói tiếng Việt khá sõi, bởi hầu hết thời gian ở nhà cha mẹ của chúng đều sử dụng tiếng Việt. Linh cho rằng, yếu tố gia đình là then chốt trong việc lưu giữ ngôn ngữ mẹ đẻ, bởi ngoại trừ việc học tập bắt buộc bằng tiếng bản xứ, môi trường gia đình là nơi gần gũi nhất còn lại để các bạn nhỏ có thể được học tiếng Việt.

Mỹ Linh (áo trắng chấm đen đứng giữa) và các bạn tại trường đại học
Mỹ Linh (áo trắng chấm đen đứng giữa) và các bạn tại trường đại học

Những mô hình “yêu ngôn ngữ”

Người Việt ở khắp nơi trên thế giới đã và đang có những dự án, những mô hình để thúc đẩy việc dạy và học tiếng Việt. Mới đây nhất là dự án “Tiệm mọt” của cô gái trẻ Quỳnh Hạnh đến từ Phần Lan và các bạn cộng tác viên là người Việt ở nhiều nước tại châu Âu. Đây là dự án về tủ sách tiếng Việt dành cho người Việt ở nước ngoài.

Sinh sống và làm việc tại Phần Lan đã 2 năm, nhưng nỗi nhớ nhà chưa từng vơi đi trong trái tim của Quỳnh Hạnh. Sau khi sinh con, mong mỏi giữ cho con ngôn ngữ mẹ đẻ và nỗi trăn trở khi thấy nhiều người xa quê khó để tìm mua sách của đất nước mình, Hạnh quyết định thành lập tiệm sách tiếng Việt mang tên Tiệm Mọt. Dù mới thành lập từ cuối năm 2020, nhưng dự án đầy ý nghĩa này đã có những thành công nhất định với trụ sở chính ở Phần Lan và 3 chi nhánh của tiệm ở Pháp, Thụy Điển và Na Uy.

Tiệm Mọt luôn đặt ra những tiêu chí cho sách của mình về nguồn sách, nội dung, hình thức. Sách của tiệm luôn được lấy từ các nhà xuất bản uy tín, lựa chọn ra các đầu sách được đánh giá cao, nhiều người đọc để giới thiệu với cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Bên cạnh đó, sách của tiệm còn phải có hình thức đẹp và quá trình bảo quản, vận chuyển luôn được bảo đảm.

Khác với Quỳnh Hạnh, anh Nguyễn Thế Dương, người Việt tại Australia lại thành lập trường “Yêu Tiếng Việt”. Đây là trường học Online (trực tuyến) tại Australia, tiền thân nó là một mô hình câu lạc bộ đọc sách cho trẻ em người Việt. Hiện tại, Yêu Tiếng Việt đã có một bộ giáo trình riêng, đó là bộ giáo trình “Tiếng Việt của em” do chính anh Dương cùng hai đồng nghiệp biên soạn, do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia ấn hành vào năm 2019. Trường Yêu Tiếng Việt đang mở các lớp học tiếng Việt trực tuyến cho trẻ em qua công cụ Zoom ở cả 3 trình độ tiếng Việt là Sơ cấp, Trung cấp và Cao cấp.

Hiện tại, Yêu Tiếng Việt có 150 học sinh đến từ 15 quốc gia trên thế giới trong đó có Úc, Pháp, New Zealand, Đức, Nhật, Mỹ, Canada, Hà Lan, Hàn Quốc... “Ngoài ra, chúng tôi tổ chức rất nhiều hoạt động trao đổi văn hóa nhằm quảng bá rộng rãi tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, cũng như nâng cao vị thế của tiếng Việt trên trường quốc tế”, anh Dương chia sẻ.

Còn tại Ba Lan, có một trường học mang tên “Trường tiếng Việt Lạc Long Quân”. Đây là một trong những trường tiếng Việt đi đầu và hoạt động bài bản tại Ba Lan, cũng như khu vực Đông Âu.

Bà Nguyễn Việt Triều, Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Ba Lan cho biết, trường được thành lập năm 1999, xuất phát từ nguyện vọng con em sinh ra và lớn lên ở Ba Lan được học tiếng Việt, hiểu biết tiếng mẹ đẻ và giữ gìn văn hóa Việt Nam của một số phụ huynh. Từ buổi đầu thành lập, trường chỉ có khoảng vài chục học sinh, đến nay, mỗi năm đã có khoảng 180 học sinh người Việt, trong độ tuổi 6 - 14 tham gia học tiếng Việt.

Một cuốn sách của Tiệm Mọt
Một cuốn sách của Tiệm Mọt

“Nhà trường đã có được một đội ngũ giáo viên và Ban lãnh đạo nhiệt tình, tâm huyết trong công việc, có kinh nghiệm tổ chức, quản lý việc dạy và học tiếng Việt. Nhận thức được tầm quan trọng của ngôn ngữ trong giáo dục thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, các phụ huynh, các tổ chức Hội đoàn, Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan luôn tạo điều kiện giữ gìn tiếng Việt, bảo tồn bản sắc văn hóa Việt nơi xa xứ,” bà Nguyễn Việt Triều chia sẻ.

Có thể nói, với những người Việt sinh sống tại nước ngoài, tiếng Việt chính là hồn cốt, là niềm tự hào dân tộc, là điểm tựa vững chắc trong việc gìn giữ văn hóa truyền thống. Vì vậy, rất cần nhiều hơn những mô hình tương tự để góp phần gìn giữ và truyền dạy, để tiếng Việt được phổ biến sâu rộng hơn, để thế hệ sau sớm được tiếp cận tiếng Việt song song với tiếng bản xứ, để tiếng Việt sống mãi về sau.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.