Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Giữ gìn “kho báu” dược liệu trên đỉnh Mẫu Sơn

Minh Đức - 08:24, 16/10/2024

Núi Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn là nơi sở hữu nguồn dược liệu quý và nhiều bài thuốc hay, giá trị, được đồng bào dân tộc Dao nơi đây lưu giữ. Tuy nhiên, nguồn dược liệu này đang dần cạn kiệt, do đó, bên cạnh việc khai thác hợp lý, người Dao xã Mẫu Sơn còn chủ động trồng và chăm sóc cây thuốc để bảo tồn, gìn giữ “kho báu” dược liệu này.

Đồng bào Dao Mẫu Sơn sơ chế thuốc Nam.
Đồng bào Dao Mẫu Sơn sơ chế thuốc Nam.

Nguy cơ tuyệt chủng

Núi Mẫu Sơn vốn là nơi có nhiều loại dược liệu quý hiếm, nhưng do tình trạng khai thác tràn lan dẫn đến nhiều loại cây dược liệu quý đứng trước nguy cơ cạn kiệt, thậm chí tuyệt chủng. Ví dụ như cây bảy lá một hoa, một loại dược liệu quý được dùng để chữa bệnh về đường hô hấp, tác dụng kháng khuẩn, chống ung thư…; cây lan kim tuyến dùng để điều trị đau ngực và đau bụng, bệnh tiểu đường, viêm thận, sốt, tăng huyết áp, rối loạn gan, lá lách, trị rắn cắn… Trước đây thường dễ tìm thấy trên núi Mẫu Sơn, nhưng những năm gần đây, người dân rất khó có thể tìm được những cây này.

Bà Đặng Thị Mùi, Chủ tịch Hội Đông y xã Mẫu Sơn cho biết: Trước thực trạng đó, trong 5 năm trở lại đây, Hội Đông y xã đã tập trung tuyên truyền đến người dân, hội viên cách thức khai thác hợp lý và vận động hội viên trồng dược liệu tại vườn nhà để bảo tồn những cây thuốc quý này.

Từ các cây dược liệu quý, đồng bào Dao ở Mẫu Sơn đã tạo ra nhiều bài thuốc dân gian hữu hiệu trong điều trị bệnh.
Từ các cây dược liệu quý, đồng bào Dao ở Mẫu Sơn đã tạo ra nhiều bài thuốc dân gian hữu hiệu trong điều trị bệnh.

Bảo tồn và phát huy nguồn dược liệu quý

Bà Hoàng Múi Nảy, thôn Nà Mò, xã Mẫu Sơn là người am hiểu các loại thuốc quý và đã hành nghề bốc thuốc Nam được hơn 30 năm. Từ những cây thuốc quý của núi Mẫu Sơn, bà đã chữa khỏi bệnh cho nhiều người.

Vừa chỉ cho chúng tôi công dụng của từng loại cây, bà Nảy vừa cho biết: Trước thực trạng những cây thuốc quý ngày càng khan hiếm nên mỗi khi đi làm rừng, thấy những cây thuốc quý, tôi luôn tuyên truyền, nhắc nhở các thành viên trong gia đình và bà con xung quanh chỉ thu hái các loại cây thuốc cần thiết, để lại những cây con chưa phát triển nhằm duy trì giống cây dược liệu.

Hội viên Hội Đông y xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình chăm vườn cây dược liệu của gia đình.
Hội viên Hội Đông y xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình chăm vườn cây dược liệu của gia đình.

Không riêng hộ bà Hoàng Múi Nảy, hiện nay trên toàn xã Mẫu Sơn có 17 hộ người Dao đang hành nghề bốc thuốc Nam. Bên cạnh việc khai thác hợp lý, các hộ đều chú trọng việc vận động bà con xung quanh, cùng bảo vệ các loại cây giống dược liệu quý trên đỉnh núi Mẫu Sơn.

Đối với một số loại cây thuốc đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, gia đình bà Hoàng Múi Nảy và các hộ người Dao khác trên địa bàn xã còn chủ động trồng và chăm sóc tại vườn nhà để bảo tồn các giống cây dược liệu quý hiếm này. 

Hiện nay, toàn xã có hơn 100 giống cây dược liệu được trồng xung quanh vườn nhà các hội viên Hội Đông y xã với diện tích gần 5 sào. Trong đó, có nhiều loại cây quý hiếm như: sâm thổ cao ly, bạch chỉ, bảy lá một hoa, thanh hao hoa vàng…

BÁO IN CUỐI THÁNG - Giữ gìn “kho báu” dược liệu trên đỉnh Mẫu Sơn 3

BÁO IN CUỐI THÁNG - Giữ gìn “kho báu” dược liệu trên đỉnh Mẫu Sơn 4

Thuốc Nam của người Dao chữa được nhiều bệnh thông thường.
Thuốc Nam của người Dao chữa được nhiều bệnh thông thường.

Việc chủ động trồng thêm các cây dược liệu ngay tại vườn nhà giúp các hộ người Dao đang làm nghề bốc thuốc Nam vừa giữ gìn những loài thuốc quý, vừa tiết kiệm được nhiều thời gian lên núi tìm hái cây thuốc.

Hiện nay trên toàn xã Mẫu Sơn có 17 hộ người Dao đang hành nghề bốc thuốc Nam. Bên cạnh việc khai thác hợp lý, các hộ đều chú trọng việc vận động bà con xung quanh cùng bảo vệ các loại cây giống dược liệu quý trên đỉnh núi Mẫu Sơn.

Bà Hoàng Thị Đặng, phường Đông Kinh, TP. Lạng Sơn cho biết: “Tôi bị viêm đa khớp dạng thấp từ lâu. Được người quen giới thiệu nên cuối năm 2022, tôi đã đến thăm khám tại nhà bà Hoàng Múi Nảy trên xã Mẫu Sơn và được bốc thuốc để uống và bôi. Từ đó đến nay, bệnh tình của tôi đã không còn tái phát nên tôi rất mừng và tin tưởng, giới thiệu cho nhiều người cùng đến bốc thuốc tại đây”.

Bà Hoàng Thị Bày, Chủ tịch Hội Đông y huyện Lộc Bình khẳng định, việc gìn giữ, bảo tồn các loại cây thuốc quý trên đỉnh Mẫu Sơn không chỉ tránh khỏi nguy cơ cạn kiệt, tuyệt chủng mà còn giúp tăng thu nhập cho các hộ làm nghề bốc thuốc Nam trên địa bàn xã. Từ những cây dược liệu này, các ông lang, bà mế đã tạo thành nhiều bài thuốc dân gian hữu hiệu trong điều trị bệnh, mang lại thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng.

Tin cùng chuyên mục