Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Giữ mạch nguồn văn hóa giữa núi rừng Tràng Lương

Mỹ Dung - 17:14, 20/04/2025

Đã bao đời nay, làn điệu Then – đàn Tính mộc mạc- hồn cốt của người Tày ở Tràng Lương, TP. Đông Triều (Quảng Ninh) vẫn ngân vang giữa núi rừng. Góp phần cho mạch nguồn văn hóa dân tộc trường tồn, hơn 8 năm qua, Câu lạc bộ hát Then – đàn Tính xã Tràng Lương đã âm thầm giữ gìn và lan tỏa di sản văn hóa truyền thống giữa nhịp sống hiện đại.

Suốt 8 năm qua, Câu lạc bộ hát Then – đàn tính xã Tràng Lương đã âm thầm thắp lửa, gìn giữ và lan tỏa di sản quý giữa nhịp sống hiện đại
Suốt 8 năm qua, Câu lạc bộ hát Then – đàn Tính xã Tràng Lương đã âm thầm thắp lửa, gìn giữ và lan tỏa di sản quý giữa nhịp sống hiện đại

Từ trăn trở của một người yêu Then

Nằm nép mình giữa những dãy núi xanh thẳm, xã Tràng Lương có hơn 70% là người DTTS sinh sống, chủ yếu là dân tộc Tày. Nơi đây, nghệ thuật hát Then – đàn Tính không chỉ là nét đẹp truyền thống mà còn là nhịp cầu nối giữa các thế hệ, giữa quá khứ và hiện tại.

Trong những người tâm huyết với việc gìn giữ hát Then ở Tràng Lương - ông Vi Văn Tình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Then – đàn Tính xã. Ông Tình chia sẻ, từ nhiều năm trước, ông luôn canh cánh trong lòng nỗi lo mất dần đi những giai điệu cổ truyền của dân tộc mình. Nhận thấy sự mai một ngày càng rõ nét, ông cùng một số nghệ nhân lớn tuổi trong xã đã mạnh dạn đề xuất thành lập Câu lạc bộ để tập hợp những người yêu thích hát Then – đàn Tính, qua đó cùng nhau gìn giữ và lan tỏa di sản.

Câu lạc bộ hát Then – đàn tính xã Tràng Lương chính thức ra đời vào tháng 5/2017
Câu lạc bộ hát Then – đàn Tính xã Tràng Lương chính thức ra đời vào tháng 5/2017

Được UBND xã và đông đảo người dân ủng hộ, tháng 5/2017, Câu lạc bộ hát Then – đàn Tính xã Tràng Lương chính thức ra đời, mở ra một không gian văn hóa mới, nơi các thế hệ có thể học hỏi, luyện tập và biểu diễn loại hình nghệ thuật truyền thống này.

“Từ lúc thành lập đến nay, số lượng thành viên dao động từ 25 đến 40 người. Người lớn tuổi nhất gần 60, người trẻ nhất ngoài 30. Mỗi tuần một buổi, chúng tôi lại cùng nhau tụ họp, luyện đàn, tập hát. Người biết dạy người chưa biết, từ cách cầm đàn, lựa phím, so dây đến luyến láy ca từ, trình diễn trên sân khấu… Mỗi buổi sinh hoạt đều là một lần tiếp thêm lửa đam mê ”, ông Tình chia sẻ.

Lan tỏa đam mê đến cộng đồng

Không chỉ duy trì hoạt động đều đặn, Câu lạc bộ còn tích cực tham gia biểu diễn trong các dịp lễ hội văn hóa, liên hoan nghệ thuật quần chúng và sự kiện lớn của địa phương. Trước mỗi chương trình, các thành viên đều chủ động lên kế hoạch luyện tập công phu, bài bản. Nhờ vậy, hình ảnh người Tày với tiếng Then, tiếng Tính đã dần trở nên quen thuộc hơn, được đông đảo người dân hưởng ứng, đặc biệt là giới trẻ.

Chị Vi Thị Diệu, một thành viên trẻ của Câu lạc bộ, chia sẻ: “Tôi chưa thành thạo lắm nhưng luôn cố gắng tập luyện để trau dồi kỹ năng và nuôi dưỡng đam mê. Quan trọng hơn cả, tôi muốn góp phần gìn giữ nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình, nhất là khi các nghệ nhân ngày càng lớn tuổi, sức khỏe không còn như xưa”.

Xác định bảo tồn nghệ thuật hát Then – đàn tính không chỉ là giữ gìn bản sắc, mà còn là một phần quan trọng trong phát triển kinh tế, du lịch địa phương
Xác định bảo tồn nghệ thuật hát Then – đàn Tính không chỉ là giữ gìn bản sắc, mà còn là một phần quan trọng trong phát triển kinh tế, du lịch địa phương

Bà Lài Thị Mến, Phó Chủ tịch UBND xã Tràng Lương cho biết, xác định bảo tồn nghệ thuật hát Then – đàn Tính không chỉ là giữ gìn bản sắc, mà còn là một phần quan trọng trong phát triển kinh tế, du lịch địa phương, xã đã chủ động phối hợp với thị xã, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh để mở các lớp truyền dạy, mời nghệ nhân về hướng dẫn cho bà con.

“Xã đang đề xuất các cấp, ngành hỗ trợ mở lớp dạy hát Then – đàn Tính và tiếng Tày trong trường học, từ đó đưa văn hóa truyền thống thấm sâu vào thế hệ trẻ. Đây là cách tốt nhất để bảo tồn lâu dài và bền vững. Khi thế hệ sau hiểu và tự hào về văn hóa của dân tộc mình, di sản sẽ còn sống mãi”, bà Mến khẳng định.

Và cứ thế, từ những buổi sinh hoạt giản dị, từ tiếng đàn Tính vang lên giữa rừng núi Tràng Lương, câu chuyện gìn giữ di sản của người Tày đã lan tỏa và chạm tới trái tim của nhiều người. Trong nhịp sống hiện đại, chính những nỗ lực âm thầm ấy đang góp phần làm cho bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ không bị phai mờ, mà còn được tiếp nối, hồi sinh mạnh mẽ.

Tin cùng chuyên mục
Chuyện vui trước ngày sáp nhập tỉnh

Chuyện vui trước ngày sáp nhập tỉnh

Chuyến tham quan Kon Tum của các nghệ nhân dân tộc thiểu số Quảng Ngãi cách đây chưa lâu không chỉ mở ra góc nhìn mới về bảo tồn văn hóa mà còn khơi dậy tinh thần học hỏi, kết nối cộng đồng. Niềm vui trước thông tin sáp nhập tỉnh càng tiếp thêm động lực để người dân hai bên xích lại gần nhau hơn. Một làn gió mới đang thổi vào vùng cao, từ văn hóa đến du lịch.