Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Giữ nếp nhà sàn vùng sơn cước

Minh Ngọc - 07:22, 21/02/2021

Với người Hrê ở Ba Tơ (Quảng Ngãi), thì bên cạnh việc tích cực tiếp thu những cái mới, người dân vẫn rất trân trọng và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, trong đó có những nếp nhà sàn…

Nhà sàn truyn thống ở xã Ba Vinh, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi).
Nhà sàn truyn thống ở xã Ba Vinh, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi).

Những ngôi nhà trên sườn núi

 Đồng bào Hrê thường làm nhà bên sườn đồi, trên những con suối. Điều này bắt nguồn từ xưa kia rừng còn rậm, để tránh thú dữ tấn công và mùa Đông giá lạnh, bà con phải làm nhà sàn để ở, sinh hoạt cho tiện.

 Ở Ba Tơ có rất nhiều làng còn bảo tồn nguyên vẹn nếp nhà sàn của mình, như làng Zút 1, xã Ba Nam, thôn Nước Lá, xã Ba Vinh và nhiều thôn làng khác cũng vậy. Làng Zút 1, nơi chỉ cách trung tâm xã Ba Nam hơn 1km. Làng nằm dưới chân núi, bên cạnh con suối đầu nguồn của sông Liên. Làng đã hình thành từ xa xưa, nên bên những ngôi nhà sàn chắc chắn còn có những hàng cau cao vút.

 Khi chúng tôi đến thăm làng, thấy khách lạ, già làng Phạm Văn Truyền cầm tay dắt vào nhà nói chuyện như người thân quen: “Mùa này ở nhà sàn mát lắm. Cán bộ ở huyện, ở tỉnh về làm việc tại xã lỡ buổi đều đến nhà già nghỉ qua trưa. Ở nhà của già thì không phải lo gì hết”.

 Già làng Phạm Văn Truyền bảo, nhà của già là nhà xưa đấy, tức là làm đúng theo cách của người đời trước để lại. Nhà không có vách ngăn, chỉ có một khoảng không gian trống hình chữ nhật. Những cây “noong” (cây phân cách) được cột ngang dọc giữa nhà. Phần phía trên cây là để mền chiếu, nơi ngủ nghỉ. Phía dưới dải cây phân cách là bếp nấu. Trên bếp có giàn giăng đủ loại rổ, gùi, giỏ chứa thức ăn, lương thực...

 Tôi tò mò hỏi già, nhà sao có đến 3 bếp, già bảo: “Vì nhà có 3 gia đình nên mỗi gia đình một bếp, ở cùng nhau mà!”. Mỗi nhà sàn dựng lên cơ bản giống nhau, nhưng kích cỡ khác nhau. Nhà nào khấm khá thì sử dụng 8 trụ bằng cây ké chắc chắn kèm theo 8 trụ cột phụ để đỡ sàn nhà. Nhà phần lớn rộng 4m, dài 12m. Ở phía đầu tra (đầu nhà) thường dành cho đàn ông trai tráng trong nhà tiếp khách, đầu tra phía kia dành cho phụ nữ, con cái sinh hoạt, hay để cày bừa, thúng, gùi. Ngăn bên trong nhà được phân ra làm nhiều khoảnh nhỏ. Khoảnh để làm bếp, khoảnh để ngủ. Nhiều nhà, có vài ba thế hệ sống chung. Khách có thể phân biệt mỗi gia đình ở một ngăn bên trong qua từng cửa sổ để tiện bề sinh hoạt.

 Sinh ra và lớn lên trong nếp nhà sàn mà không biết bao lần nhà hư hỏng, già Truyền sửa lại hay làm mới, đều chọn xây dựng theo cách nhà sàn truyền thống. Già bảo: “Nhờ làm kinh tế theo người Kinh, nên kinh tế dần phát triển. Giờ đủ sức xây dựng nhà trệt, tráng xi măng, sườn cốt thép, nhưng già chỉ thích ở nhà sàn thôi! Ngôi nhà này trị giá đến 200 triệu đồng, già vẫn xây dựng lại”.

Rộn rã mùa dựng nhà

 Thôn Nước Lá, xã Ba Vinh có 45 nóc nhà. Nhưng để làm được ngôi nhà sàn, nhiều gia đình phải chuẩn bị vật liệu nhiều năm trời. Bắt đầu là chuẩn bị cây để làm cột, thứ đến là nứa, lồ ô hay ván để lót sàn, rồi đến chuẩn bị dây mây, dây rừng và cây làm đòn tay, đòn dông... Bên cạnh chuẩn bị vật liệu, bà con còn chuẩn bị lương thực như lúa, gạo, thịt rừng và cả củ mì để làm rượu cần, để ngày dựng nhà, người làng có cái ăn, thức uống.

Anh Cao Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Ba Vinh kể, ngày xưa trong làng có người làm nhà là cả làng vui, nhộn nhịp lắm. Già làng thường huy động đàn ông, trai tráng trong làng lên núi kiếm cây về làm nhà giúp cho gia chủ. Nhờ giúp đỡ nhau nên nhiều ngôi nhà sàn xinh xắn cứ thế mọc lên bên sườn đồi. Chuyện xây dựng nhà sàn ngày xưa đơn giản là thế, nhưng chứa đầy tính nhân ái, tương trợ lẫn nhau. Chính vì cách nghĩ này, mà nếp nhà sàn của bà con Hrê vẫn cứ tồn tại theo năm tháng. Nó tồn tại một cách bền bỉ, chắc chắn bên những sườn đồi.

Ngày xưa trong làng có người làm nhà là cả làng vui, nhộn nhịp lắm. Già làng thường huy động đàn ông, trai tráng trong làng lên núi kiếm cây về làm nhà giúp cho gia chủ. Nhờ giúp đỡ nhau nên nhiều ngôi nhà sàn xinh xắn cứ thế mọc lên bên sườn đồi. Chuyện xây dựng nhà sàn ngày xưa đơn giản là thế, nhưng chứa đầy tính nhân ái, tương trợ lẫn nhau”.

Anh Cao Văn Hải Chủ tịch UBND xã Ba Vinh

 Bây giờ cây rừng không còn nhiều, không được chặt cây gỗ lớn để làm cột nhà nữa, thì người dân đổ trụ bằng xi măng, sau đó làm giả gỗ. Anh Phạm Văn Hoàng, chủ một nhà có sườn nhà đổ bằng bê tông cốt thép, giải thích: “Làm nhà sàn bằng xi măng cốt thép, mái lợp ngói để thay thế gỗ, tranh sẽ bền vững hơn, nhưng tập quán sinh hoạt vẫn không thay đổi!”.

 Anh Hoàng cho biết, anh đã dành dụm gần 10 năm mới có được 200 triệu đồng để xây dựng lại ngôi nhà sàn, sườn bằng bê tông cốt thép. Điều đáng mừng là, kiến trúc nhà sàn bằng xi măng cốt thép vẫn giữ nguyên vẻ đẹp của nhà sàn truyền thống.

 Hiện nay, không chỉ đồng bào dân tộc Hrê ở huyện Ba Tơ, mà dân tộc Co, Ca Dong (thuộc dân tộc Xơ Đăng) ở các huyện vùng cao của tỉnh Quảng Ngãi cũng đang từng bước khôi phục lại nhà sàn. Những căn nhà sàn truyền thống dần thay thế bằng những ngôi nhà xây. Qua việc giữ những nếp nhà sàn truyền thống, các thế hệ cha ông muốn nhắc nhở con cháu có ý thức trân trọng, gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.