Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng: Đậm giá trị nhân văn và ý nghĩa kinh tế

Thuý Hồng - 14:30, 14/07/2021

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn trong đại dịch Covid- 19 (gọi tắt là NQ 68). Nhiều người kỳ vọng chính sách lần này sẽ tiếp sức cho người dân vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất.

Gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ có 12 đối tượng sẽ được thụ hưởng
Gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ có 12 đối tượng sẽ được thụ hưởng

Tiếp sức cho người dân vượt khó

Đại dịch Covid-19 kéo dài, khiến rất nhiều lao động bị mất việc làm, hàng triệu lao động phải tạm nghỉ, nghỉ giãn việc và giảm thu; nhiều cơ sở sản xuất buộc phải ngừng hoạt động, cuộc sống của người dân gặp muôn vàn khó khăn. Ngày 1/7, Chính phủ đã ban hành NQ 68 với gói hỗ trợ trị giá 26 nghìn tỷ đồng, với mục tiêu giúp người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh và thực hiện mục tiêu kép.

Chị Hoàng Thị Trang, quê ở Tràng Định (Lạng Sơn) làm công nhân ở Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang) cho biết: Do công ty có ca nhiễm Covid -19 nên chị phải đi cách ly tập trung, sau khi cách ly tập trung trở về địa phương phải tiếp tục cách ly 21 ngày nữa; không thể đi làm nên không có thu nhập. Nhận được thông tin có gói hỗ trợ của Chính phủ đối với người lao động bị nhiễm Covid-19 hoặc phải cách ly y tế để phòng chống Covid-19, chị Trang rất phấn khởi.

“Tôi đã nghỉ làm hơn 2 tháng, nên rất mong sớm nhận được tiền hỗ trợ. Có thể số tiền hỗ trợ không nhiều, nhưng có thể giúp chúng tôi phần nào trang trải cuộc sống”, chị Trang chia sẻ.

Theo dự kiến, sẽ có tổng cộng 12 đối tượng, trong đó có lao động tự do, kinh doanh tự do, người thất nghiệp tạm thời… sẽ nằm trong diện được hỗ trợ từ NQ 68 của Chính phủ.

Còn đối với chị Nông Thị Tươi, quê ở Cao Bằng, làm nghề bán hàng nước ở Bến xe Mỹ Đình (TP. Hà Nội) cho biết: Do ở quê không có việc làm phải xuống thành phố kiếm việc làm để có thu nhập. Tuy thu nhập bấp bênh nhưng cũng đủ nuôi cả gia đình và con cái ăn học ở quê. Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh bùng phát liên tục, thu nhập hàng ngày không đủ tiền thuê nhà, tiền ăn.

“Nhận được thông tin có gói hỗ trợ chúng tôi rất mừng. Chúng tôi rất mong trong đợt hỗ trợ này người lao động tự do, có thể dễ dàng tiếp cận gói hỗ trợ, giúp chúng tôi giảm bớt khó khăn trong cuộc sống”, chị Tươi cho biết.

Theo TS. Lê Duy Bình, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho rằng: NQ 68, ngoài những giá trị nhân văn về mặt xã hội, thì bản thân chính sách này, còn có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế. Với khoảng 26 nghìn tỷ tương đương hơn 1 tỷ đô la Mỹ và hoàn toàn bằng ngân sách nhà nước, nếu như chúng ta giải ngân hết và giải quyết một cách hết sức có hiệu quả đúng mục tiêu trong năm nay, thì với gói kích cầu này sẽ tác động không nhỏ đối với nền kinh tế.

Đơn giản hóa thủ tục

Rút kinh nghiệm từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Chính phủ đã xem xét rất thấu đáo khi triển khai NQ 68 với gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng. Lần hỗ trợ này, tập trung vào hai đối tượng là người lao động, và người sử dụng lao động để đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế. Thiết kế chính sách theo các nguyên tắc minh bạch, dễ dàng, nhanh gọn nhất và tiện lợi nhất.

NQ 68 bổ sung nhiều chính sách mới như: giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ trẻ em, lao động đang mang thai, đang nuôi con nhỏ; hỗ trợ đối với người phải điều trị Covid-19 (F0) và người phải thực hiện cách ly y tế (F1); hỗ trợ đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) và hướng dẫn viên du lịch; cho vay trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, Chính phủ đã giao cho các địa phương, căn cứ vào điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của từng địa phương để xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do). Đây chính là đường đi nhanh nhất, sớm nhất, để chính sách đến đúng với người cần thụ hưởng.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Rút kinh nghiệm từ gói 62 nghìn tỷ đồng lần trước, gói hỗ trợ lần này trao cho địa phương quyết định. 

“Thay vì phải xác nhận cả nơi thường trú tới nơi tạm trú như gói hỗ trợ trước, lần này các địa phương lập danh sách và hỗ trợ cho tất cả lao động tự do đang có mặt trên địa bàn mình, kết nối dữ liệu để quận/huyện khác không cấp trùng. Nếu người lao động di chuyển sang tỉnh khác, nơi họ tới vẫn áp dụng giãn cách, phong toả sẽ tiếp tục cấp hỗ trợ, nếu địa phương không áp dụng giãn cách sẽ không hỗ trợ nữa, vì họ vẫn được đi làm”, ông Dung chia sẻ.

(Nội dung thông tin, thực hiện tuyên truyền Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.