Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Nông dân vùng cao Nậm Mòn thu nhập cao từ trồng quế

Tráng Xuân Cường - 16:28, 30/05/2021

Trong những ngày thực hiện mục tiêu “kép” vừa phát triển kinh tế, vừa bảo đảm phòng chống dịch Covid-19, bà con nông dân ở xã vùng cao Nậm Mòn (huyện Bắc Hà, Lào Cai) đang tích cực thu gom lá, cành quế, vỏ quế chờ tư thương đến thu mua. Năm nay, nhờ chất lượng quế tốt, có hàm lượng tinh dầu cao nên tư thương trong tỉnh đến tận nơi thu mua với giá cao, đem lại niềm vui cho nông dân.


Hầu hết các nương đồi hoang hóa trước được phủ xanh bởi cây quế
Hầu hết các nương đồi hoang hóa ở Nậm Mòn trước đây được phủ xanh bởi cây quế

Đến thăm thôn Nậm Mòn, thôn trồng nhiều quế nhất xã Nậm Mòn, với diện tích hơn 150 ha, chúng tôi ấn tượng với những nương đồi phủ xanh cây quế, với những con đường bê tông về tận thôn, và ở đó có nhiều ngôi nhà xây còn mới bên những ngôi nhà sàn truyền thống...

Thời điểm này, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trong nước. Ở vùng cao Nậm Mòn này, dù chưa ghi nhận trường hợp nào bị nhiễm bệnh, tuy nhiên, bà con nơi đây rất ý thức phòng dịch. Bà con không tụ tập đông người mà ở nhà tranh thủ dọn dẹp vườn tược, phơi lá quế, cành quế cho khô để đợi tư thương đến thu mua. Quế Nậm Mòn trồng ở vùng đất có khí hậu lạnh nên chậm lớn, song bù lại có hàm lượng tinh dầu cao, được đánh giá ngang với quế hữu cơ Nậm Đét (cùng huyện Bắc Hà) nên tư thương trong tỉnh rất ưa chuộng.

Chị Nguyễn Thị Lan, tư thương xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng cho biết: “Mấy ngày nay, xe mình vẫn đi thu mua quế, mình và thợ bốc vác đều đeo khẩu trang cẩn thận. Mình đến từng đồi thu gom để bảo đảm phòng dịch đúng quy định. Quế Nậm Mòn chất lượng tốt, có hàm lượng tinh dầu cao nên năm nay, giá thành vẫn ổn định như năm trước”

Được biết, vỏ quế tươi tại xã Nậm Mòn, đang được thu mua ở mức giá từ 27.000 – 30.000 đồng/kg; lá, cành quế khô trung bình 1.700/kg. Mức giá này đã đem lại thu nhập cao, khiến cho nông dân xã Nậm Mòn rất phấn khởi.

Gia đình chị Thèn Thị Lợt trồng hơn 1 vạn cây quế từ 2-8 năm tuổi, năm nay bắt đầu tiến hành thu hoạch tỉa. Chị Lợt cho biết: Đợt này, nhà đang bận thu hoạch lúa xuân, dọn dẹp ruộng nương, làm đất chuẩn bị làm vụ lúa mùa nên chưa thu hoạch cây quế. "Hai vợ chồng chỉ tranh thủ tỉa lá, tỉa cành nhỏ ở 5 cây quế 8 năm tuổi, phơi khô cũng bán được tới 1,5 triệu đồng. Sắp tới, nhà mình sẽ tỉa cành nhỏ những cây còn lại, dự tính thu về trên 20 triệu đồng”.

Dọc 2 bên đường các tuyến đường vào các thôn bản xã nông thôn mới Nậm Mòn đã rợp bóng nhờ trồng cây quế
Dọc các tuyến đường vào các thôn bản xã nông thôn mới Nậm Mòn rợp bóng mát của những cây quế

Thời gian qua, Nậm Mòn xác định, cây quế là cây mũi nhọn giảm nghèo bền vững của địa phương nên đã chú trọng mở rộng diện tích, phát triển cây quế hữu cơ gắn với giao đất, giao rừng cho nông dân. Trong giai đoạn từ 2015- 2020, nông dân xã Nậm Mòn đã trồng mới gần 300 ha quế. Riêng quý 1 năm 2021, trồng mới 20 ha, nâng tổng diện tích quế toàn xã lên trên 520 ha.

Ông Hoàng Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Nậm Mòn cho biết: "Cây quế đã và đang đem lại nguồn thu ổn định, giảm nghèo bền vững cho bà con Nậm Mòn. Năm 2021, huyện giao cho xã Nậm Mòn trồng mới 110 ha rừng, người dân trong xã đang phấn đấu trồng đạt và vượt mục tiêu, trong đó chủ yếu là rừng kinh tế, rừng quế”.

Gia đình ông Lừu Văn Chẩn, 49 tuổi, dân tộc Nùng, thôn Nậm Mòn là 1 trong những hộ đầu tiên tham gia chương trình, dự án hỗ trợ nông dân trồng quế của xã Nậm Mòn. Từ năm 2015 tới nay, gia đình ông Chẩn đã trồng mới trên 3 ha quế từ 2-7 năm tuổi. Đất không phụ công người, đây là năm thứ 2, gia đình ông Chẩn thu hoạch tỉa quế.

Ông Chẩn cho biết, năm nay gia đình ông mới thu tỉa ít cành lá bán lấy tiền trang trải sinh hoạt và đầu tư mua phân bón, giống sản xuất vụ mùa. Trồng quế cho thu nhập cao, xe đến tận nhà thu mua, giá ổn định kể cả trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 như hiện nay. "Năm ngoái, những diện tích quế trồng đợt đầu tiên từ năm 2015- 2016 đã cho thu hoạch. Chủ yếu nhà mình tỉa cây to, khu trồng dày, tỉa cành lá phơi khô đem bán được trên 30 triệu đồng. Trồng quế hơn hẳn trồng ngô lúa, sắp tới nhà mình sẽ trồng nốt diện tích gần 1 ha đất vốn trồng ngô chuyển sang trồng quế”, ông Chẩn thông tin.

Nhờ trồng quế, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Nậm Mòn khấm khá lên, tạo động lực giúp xã về đích nông thôn mới và đón bằng công nhận cuối tháng 3/2021
Nhờ trồng quế, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Nậm Mòn khấm khá lên, tạo động lực giúp xã về đích nông thôn mới và đón bằng công nhận cuối tháng 3/2021

Theo lời của ông Hoàng Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Nậm Mòn, cây quế trên đồng đất vùng cao Nậm Mòn đã và đang góp phần giúp đồng bào Mông, Dao, Tày, Nùng, Phù Lá nơi đây nâng cao đời sống, có điều kiện đóng góp công sức, tiền của để xây dựng nông thôn mới, nhất là thực hiện các tiêu chí về giao thông, nhà, thu nhập, hộ nghèo... giúp xã Nậm Mòn giữ vững danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2020) và hướng tới xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu nâng cao ở vùng cao Bắc Hà. 

(Nội dung thông tin tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục
Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Thời gian qua, huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) đã triển khai nhiều mô hình sinh kế mới như nuôi hưu lấy nhung, chuỗi liên kết sản xuất chè, chuỗi sản xuất về chăn nuôi heo, bò… Những mô hình này không chỉ cải thiện sinh kế cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.